Lãng phí “đất vàng, đất sạch”
Năm 2007, CTCP Dệt may Thành Công tổ chức lễ khởi công rầm rộ dự án Khu căn hộ - Thương mại Thành Công Tower 1 trên đường Tây Thạnh (quận Tân Phú). Dự án có diện tích 9.898m2, được đầu tư với tổng vốn lên đến trên 400 tỷ đồng. Theo quy hoạch, toàn bộ dự án gồm 3 block nhà, 14 tầng và 2 tầng hầm với 297 căn hộ, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009.
Thời điểm đó, ông Đinh Công Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dệt may Thành Công kỳ vọng, Tower 1 được đầu tư xây dựng với tiêu chí luôn trân trọng và mong muốn đem đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt nhất. Nơi đây hứa hẹn đáp ứng nhu cầu được an cư trong một môi trường sống lý tưởng.
Tuy nhiên, sau lễ khởi công, cho đến nay dự án vẫn án binh bất động, không có bất kỳ một động thái triển khai đầu tư xây dựng nào. Theo ghi nhận của ĐTTC, hiện nay toàn bộ khu đất vẫn hoang hóa, một phần dùng làm bãi giữ xe ô tô.
Cách dự án Tower chưa đến 2km, cũng gần 10 năm qua, dự án trung tâm thương mại - căn hộ Gia Định Plaza do Công ty TNHH MTV Dệt May Gia Định và CTCP Đầu tư phát triển Gia Định có quy mô hơn 12.000m2, tổng vốn đầu tư được công bố gần 1.000 tỷ đồng được khởi công vào cuối năm 2010 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2013, nhưng cho đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống.
Vào thời điểm khởi công dự án, sự kiện được tổ chức hoành tráng với sự có mặt của quan chức TP cùng nhiều đại gia trong lĩnh vực BĐS, đã khiến nhiều người tin rằng dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ. Chủ đầu tư cũng đưa ra một loạt thông số, tiềm năng của dự án nhằm thu hút nhà đầu tư, khách hàng.
Cả 2 dự án trên là đất thuộc sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, và được chuyển mục đích sử dụng để đầu tư vào lĩnh vực BĐS. Cho đến thời điểm hiện tại, cả 2 dự án trên đều nằm ở những vị trí đắc địa, có thể xem là “đất vàng”. Dự án Gia Định Plaza tọa lạc ngay cầu Tham Lương, cạnh dòng kênh Tham Lương đang được tu bổ, nằm tiếp giáp với đường Trường Chinh rộng 64m.
Trong khi đó dự án Thành Công Tower cũng nằm ngay cửa ngõ vị trí đắc địa của TP, chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất vài km, nằm cạnh khu deport của tuyến Metro số 2. Trao đổi với ĐTTC, người có trách nhiệm cho biết dự án bị kéo dài do thị trường không như kỳ vọng, vì vậy đã không hoàn thành như dự kiến ban đầu.
Phối cảnh dự án khu đô thị Đại học Quốc tế Việt Nam (VIUT).
Hơn 15 năm trước, TPHCM đã quy hoạch khu đô thị Tây Bắc (quận 12, Củ Chi, Hóc Môn) thành khu đô thị vệ tinh của TP nhằm mục tiêu phát triển kinh tế và giãn dân. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại khu đô thị này vẫn được ví như “nàng công chúa bị ngủ quên” vì nút thắt hạ tầng.
Chính vì vậy suốt thời gian qua nhiều dự án “ăn theo” tại khu đô thị quy mô khá lớn đã được cấp phép đầu tư nhưng đến nay đều là những bãi đất trống hoang sơ. Điển hình nhất là dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế (VIUT) do Công ty Berjaya Land Berhad làm chủ đầu tư, được UBND TPHCM cấp phép từ năm 2008, có diện tích 925ha tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.
Với tiềm lực tài chính hùng hậu của chủ đầu tư đến từ Malaysia, nhiều người tin rằng khu vực sẽ “lột xác” toàn diện khi chủ đầu tư dự kiến chi khoảng 3,5 tỷ USD để thực hiện dự án. Song hàng chục năm qua, dự án này vẫn án binh bất động. Hay như dự án khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH MTV An Phú, có tổng diện tích hơn 650ha, nằm trải dài trên 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn.
Khi bắt đầu triển khai đầu tư, chủ đầu tư kỳ vọng sẽ xây dựng An Phú Hưng không thua kém khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7). Tuy nhiên do dự án không thể triển khai nên UBND TPHCM đã ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư đối với dự án này.
Công khai, minh bạch dự án, quỹ đất
Công khai, minh bạch dự án, quỹ đất
Năm 2017, TP đấu giá 2 khu đất có tổng diện tích 10,77ha thu về hơn 2.212 tỷ đồng, trong khi đó năm 2016 tiền thu về qua đấu giá chỉ 46,3 tỷ đồng. Tại hội nghị về quy trình đầu tư các dự án BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao), BT (xây dựng, chuyển giao) và giải pháp tạo quỹ đất, nguồn lực tài chính để phát triển hạ tầng TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM sẽ tổ chức đấu thầu toàn bộ các dự án triển khai theo hình thức BT và tổ chức đấu giá quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư song song với việc thành lập các quỹ nghiên cứu, quỹ đầu tư các dự án PPP (mô hình hợp tác công-tư) để tăng tinh minh bạch, công khai, đảm bảo quyền lợi người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.
Lãnh đạo TP thừa nhận việc sử dụng quỹ đất tại TP thời gian qua còn lãng phí, hướng tới, TP sẽ xây dựng quy trình với các nội dung quan trọng liên quan đến dự án BT gồm: xác định các dự án BT cần công khai, quy trình đàm phán xây dựng hợp đồng BT, xác định quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Giai đoạn 2015-2017, TPHCM đã huy động được khoảng 20.400 tỷ đồng từ khu vực tư nhân thông qua hình thức BT cho các dự án phát triển hạ tầng. Thực tế thời gian qua, bên cạnh mặt tích cực giúp huy động được nguồn vốn lớn từ xã hội, có ý kiến cho rằng việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng, hoặc theo hình thức BT, BOT khá phổ biến bộc lộ nhiều hạn chế, có thể phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm.