Hàng loạt công trình thủy lợi xuống cấp
Hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi được xây dựng từ năm 1985, hoàn thành cơ bản năm 1987, được kiên cố hóa từ năm 2002, đến nay đã hoàn chỉnh đồng bộ từ kênh chính đến kênh nội đồng. Hệ thống thủy lợi này có nhiệm vụ tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 12.000 ha, cấp nước sinh hoạt và giao thông nội đồng. Trong đó, nguồn nước tưới được dẫn từ hồ Dầu Tiếng về TP.HCM qua kênh Đông Củ Chi chảy vào các kênh tưới cấp 1, 2, 3...
Theo ông Lương Văn Cảnh, một nông dân đang sản xuất tại ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, từ khi được hoàn thành, công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi không chỉ góp phần chỉnh trang không gian đô thị mà đã điều tiết nước rất tốt, phục vụ kịp thời cho bà con. Nhất là các thời vụ xuống giống thì không lo thiếu nước và chất lượng nước rất tốt, độ PH rất phù hợp cho cây trồng tại đây.
Tuy nhiên qua nhiều năm đưa vào sử dụng, hệ thống thủy lợi này có dấu hiệu xuống cấp, từ công trình phụ đến công trình chính đều không đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn nếu không được duy tu, sửa chữa.
Ông Lương Văn Cảnh cho biết: "Những tuyến kênh nhỏ thì chúng tôi kết hợp với bên bộ phận khuyến nông để dọn cỏ. Nhưng tuyến kênh lớn như cấp 1, cấp 2 thì có vấn đề sụp lún, cần kinh phí duy tu, Nhà nước phải hỗ trợ cho bên thủy nông để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo phục vụ nguồn nước cho nông dân".
Hệ thống kênh Đông Củ Chi có tổng chiều dài kênh tưới, tiêu các cấp là 630 km, gồm 11 km kênh chính, 140 km kênh loại II (cấp 1 và 2), 480 km kênh loại III (cấp 3, 4 và nội đồng) và trên 1.950 công trình xây đúc các loại. Hệ thống tưới tiêu này do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác.
Đây là công trình có quy mô lớn và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với huyện Củ Chi và các địa phương khu vực Tây Bắc TP. Nhờ đó, TP đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000 ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho TP (thông qua cấp nước thô cho nhà máy nước kênh Đông để xử lý thành nước sạch), công suất 150.000 – 300.000m3/ngày đêm; cấp nước sinh hoạt cho Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất 5.000 m3/ngày đêm.
Bà Hoàng Thị Huế, Hợp tác xã sinh vật cảnh Sài Gòn cho biết: hợp tác xã đã liên kết, mua nước trực tiếp từ hệ thống kênh Đông, chất lượng nước rất tốt. Tuy nhiên, hàng năm việc tu sửa hệ thống không được thực hiện đồng bộ, dẫn đến có thời điểm phải ngưng cấp nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Thực trạng thiếu kinh phí duy tu sửa chữa công trình thủy lợi là vấn đề cần được tháo gỡ tại TP.HC. (Ảnh minh họa: TN)
Bà Huế kiến nghị: "Không đủ kinh phí sửa chữa nên kênh Đông thỉnh thoảng phải cắt nước. Việc thực hiện không có đồng bộ, nhiều khu vực bị cắt nước vào những ngày tu sửa khiến bà con không có nước để tưới tiêu và sản xuất. Chúng tôi kiến nghị làm sao có cấp vốn, cấp kinh phí cho doanh nghiệp thủy lợi để họ thực hiện đồng bộ, giúp nông dân chúng tôi yên tâm sản xuất".
Khai thác vận hành thủy lợi gặp khó?
Việc quản lý khai thác vận hành các công trình thủy lợi hiện nay theo phương thức đấu thầu, đặt hàng. Theo Nghị định 129 của Chính phủ về việc cung ứng dịch vụ công ích, điều kiện để tổ chức đấu thầu, đặt hàng là phải có sự đồng ý của UBND TP và bảng giá sản phẩm công ích thủy lợi. Hiện nay tại TP.HCM, cả hai vấn đề này vẫn chưa được thông qua.
Ông Lê Văn Điệp, Giám đốc xí nghiệp quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi Nam Rạch Tra, TP.HCM cho biết: "Công tác nạo vét thượng hạ lưu cống cũng như đầu tư cho công trình này đồng bộ hơn thì hiện nay nguồn kinh phí không đủ. Nếu có kinh phí đầy đủ thì các công trình sẽ đảm bảo tính đồng bộ; việc vệ sinh thượng hạ lưu và công trình đầy đủ các biển báo thì sẽ đẹp hơn, vận hành tốt hơn, người vận hành cũng an tâm".
Cần gia cố cấp bách các công trình xung yếu trước cao điểm mùa mưa bão 2023. (Ảnh: NQ)
Theo ông Nguyễn Đức Vũ, Chi Cục trưởng Chi cục thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, ngành nông nghiệp cần bố trí khoảng trên 50 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa hơn 1.000 công trình thủy lợi trên địa bàn 5 quận, huyện ngoại thành có hệ thống thủy lợi đi qua.
Ông Nguyễn Đức Vũ cho biết thêm: "Chi cục thủy lợi cũng đề nghị các quận huyện sớm tổng hợp rà soát, đề xuất danh mục bảo trì cũng như sửa chữa các công trình thủy lợi đã được giao quản lý để Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổng hợp trình UBND thành phố trong tháng 6. Khi thành phố thông qua chấp thuận chủ trương, danh mục bảo trì để làm cơ sở bố trí kinh phí cho năm 2024, lúc đó công tác bảo trì, sử dụng công trình thủy lợi được cải thiện và sẽ phục vụ tốt hơn".
Trong thời điểm chờ ban hành về bảng giá dịch vụ công ích thủy lợi cũng như bố trí kinh phí duy tu sữa chữa, các đơn vị có liên quan tạm thời sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ phòng chống thiên tai để gia cố cấp bách các công trình xung yếu, đặc biệt là công trình bờ hữu sông Sài Gòn và công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi, để đảm bảo an toàn ngay trước cao điểm mùa mưa bão năm 2023.
Theo VOV