TP.HCM: Khoảng 200 ứng dụng vay nặng lãi do người nước ngoài núp bóng

(ĐTTCO)-Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, qua rà soát thực tế, vẫn còn khoảng 200 ứng dụng cho vay trực tuyến do người nước ngoài cầm đầu, liên kết chặt chẽ với đối tượng trong nước như các cơ sở kinh doanh cầm đồ.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn qua ứng dụng điện thoại di động hoạt động xuyên biên giới vào Việt Na
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn qua ứng dụng điện thoại di động hoạt động xuyên biên giới vào Việt Na

Ngày 27/10, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hiện nay, trong các loại tội phạm công nghệ cao, nổi lên một loại gây nhiều bức xúc là hoạt động cho vay tín chấp theo kiểu tín dụng đen núp bóng các công ty điện tử tài chính cho vay qua các ứng dụng (app) trên mạng xã hội.

Đặc biệt, sau đợt dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đen phát triển và hoạt động ngày càng mạnh.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mới đây, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an phối hợp với Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Lào Cai, xác minh và bắt một đường dây cho vay nặng lãi, hoạt động xuyên quốc gia. Đường dây này sử dụng tới 300 app (ứng dụng) cho vay, liên kết với 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính để cho vay số tiền từ 2-7 triệu đồng, lãi suất 2.000%/năm.

Điều tra ban đầu cho thấy có 159.000 khách hàng vay 1.802 tỷ đồng. Vụ án này có 41 nghi phạm, trong đó có 2 đối tượng ở Thành phố Hồ Chí Minh tham gia đường dây.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, qua rà soát thực tế, vẫn còn khoảng 200 ứng dụng cho vay trực tuyến do người nước ngoài cầm đầu, liên kết chặt chẽ với đối tượng trong nước như các cơ sở kinh doanh cầm đồ, tổ chức tài chính… Trong đó, các đối tượng này yêu cầu người vay tín chấp phải chia sẻ danh bạ trong điện thoại.

Ngoài lãi suất khủng, phương thức đòi nợ của các đối tượng này mang tính khủng bố không chỉ người vay mà cả người thân, người quen; từ đó, gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhận định một trong những điều kiện để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là vấn đề lỏng lẻo trong quản lý, cấp phát thông tin thuê bao của cơ quan quản lý Nhà nước; từ đó sử dụng sim rác, tài khoản ngân hàng rác để che dấu vết hoạt động.

Trước tình trạng này, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung xử lý các vấn đề là nguyên nhân, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động như mua bán, trao đổi thông tin dữ liệu cá nhân trái phép; hành vi mua bán thuê sim không chính chủ; hành vi mua bán cho thuê tài khoản ngân hàng rác, tài khoản giả, không chính chủ…

Trên cơ sở nguồn tin từ tố cáo, thông tin của các ngân hàng, Công an sẽ tập hợp phân tích, thành lập cơ sở dữ liệu về các số điện thoại, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng của các đối tượng nghi vấn phục vụ truy xuất các đối tượng.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đã liên thông dữ liệu với 3 nhà mạng lớn về số thuê bao di động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó, Bộ Công an đã xác thực được hơn 9,3 triệu thuê bao (chiếm 57,5%) trên tổng số hơn 16,2 triệu thuê bao.

Các tin khác