Vào thời điểm dịch bệnh, doanh thu của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, nhờ chính sách giảm, giãn thuế và giảm lãi suất ngân hàng tới 0,3%/tháng, hiện tại doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn trước mắt. Ngay sau dịch bệnh, trong tháng 5 doanh nghiệp bắt tay khôi phục sản xuất, doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng - cũng là mức tăng trưởng cao nhất của công ty trong 17 tháng qua.
Từ kết quả này, ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng giám đốc Bidrico đề nghị việc giãn thuế nên kéo dài để doanh nghiệp tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh. “Chính sách giãn thuế, nộp thuế đã giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn về dòng tiền. Tuy nhiên, chính sách này nên giãn, giảm cho hết năm nay để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Trong các tháng 2, 3 và 4 vừa qua các doanh nghiệp có doanh thu rất thấp, rất khó khăn cho nộp thuế tháng 9 và tháng 10”, ông Hiến bày tỏ.
Nhiều doanh nghiệp ở TP HCM bước đầu khôi phục sản xuất kinh doanh |
Cũng gặp nhiều bất lợi do dịch bệnh, nhưng Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Qui Phúc đã nắm bắt cơ hội, sản xuất và cung cấp 1.000 giường bệnh cho các bệnh viện dã chiến và tăng cường bán hàng online. Hiện nay, nhờ chủ trương kích cầu của thành phố, sản phẩm của Quy Phúc tiêu thụ khá tốt. Doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn.
Ông Dương Thanh Đảo, Giám đốc Marketing Công ty Qui Phúc cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của công ty sang Thái Lan, Malaysia và Myanmar tiếp tục tăng lên. Công ty đang nhập thêm máy móc thiết bị để tăng năng lực sản xuất, mở rộng thị trường. Ông Đảo đề nghị các bộ, ngành chức năng đẩy mạnh hơn chương trình kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
“Chúng tôi rất kỳ vọng thị trường sẽ phát triển trong thời gian tới. Mong các Bộ, ngành chức năng tổ chức chương trình kích cầu quy mô cả nước, góp phần cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất”, ông Đảo mong muốn.
Nhờ các chính sách của Chính phủ và thành phố trong hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid 19, nhiều doanh nghiệp ở TP HCM đã bước đầu vực dậy sản xuất kinh doanh. Chỉ trong tháng 4, Cục thuế TP HCM đã gia hạn thuế cho các doanh nghiệp hơn 4.210 tỷ đồng.
Các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 162.000 doanh nghiệp, với dư nợ 51.800 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 17.758 khách hàng, dư nợ 48 ngàn 770 tỷ đồng. Thành phố cũng tổ chức một số chương trình kích cầu tiêu dùng năm 2020 và kết nối doanh nghiệp.
Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP HCM cho biết, sắp tới, Chương trình khuyến mãi 60 ngày vàng sẽ được thực hiện, mức giảm giá trên 50% - cao nhất từ trước đến nay với hàng ngàn doanh nghiệp tham gia.
“Sở Công Thương sẽ kiểm soát và theo dõi các nội dung khuyến mãi, đảm bảo chất lượng hàng hóa. Hàng khuyến mãi phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng như doanh nghiệp đã công bố”, ông Sơn khẳng định.
Thời gian tới, TP HCM sẽ tiếp tục tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn; giãn, giảm thuế, giảm lãi suất vay; giảm tiền điện, nước, giữ chân lao động…để ổn định và phát triển sản xuất.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố sẽ có những giải pháp cụ thể để giúp cho các doanh nghiệp ở từng lĩnh vực, thông qua vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp. “Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải phân tích, đánh giá xem ngành nghề mình đang hoạt động sản xuất kinh doanh cần chính sách gì để khôi phục sản xuất. Thành phố sẽ làm việc với từng hiệp hội để lắng nghe ý kiến và giải quyết”, ông Tuyến nói.
Trong tình hình chưa hết khó khăn, việc các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh là tín hiệu khả quan. 14 hiệp hội ngành nghề của thành phố đang tiếp tục sâu sát để kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn của các thành viên. Từ đó kiến nghị những giải pháp tháo gỡ cụ thể, góp phần tạo đà tăng trưởng mới cho kinh tế TP HCM.