Trước mắt, tín hiệu vui là 5 dự án giao thông huyết mạch ở các cửa ngõ sẽ được khởi động bằng việc HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư xây dựng 5 công trình dự án giao thông quan trọng bằng hợp đồng BOT (Xây dựng – Khai thác- Chuyển giao).
Hơn 10 năm mong cây cầu kết nối
Sau khi HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP, trong đó có đường Bình Tiên, người dân ở Quận 6 rất hân hoan, vui mừng. Bởi, khi hoàn thành, công trình sẽ giúp việc lưu thông từ Quận 6 đi qua Quận 8 và huyện Bình Chánh trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Đây là mơ ước từ lâu của người dân nơi đây…
Dự án cầu đường Bình Tiên từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh dài 3,2km, mặt cắt ngang rộng 30 – 40m. Sau khi HĐND TP.HCM thông qua, dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2023 – 2028.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, đây là dự án mang tính chiến lược, liên vùng và khi hoàn thành dự án sẽ góp phần giúp hoàn thiện hệ thống giao thông ở phía Nam thành phố: "Các dự án mang tính chiến lược, liên vùng nối kết khu Nam với các địa bàn thành phố cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới như là xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái, xây dựng cầu đường Bình Tiên, xây dựng cây cầu Phú Định trong tuyến vành đai 2 và mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ và cuối quốc lộ 50 và đương Bình Tiên là một trục Bắc Nam mới đó thì chúng ta sẽ có một cái nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành".
Quốc lộ 1 vè miền Tây (ảnh H.K)
Hy vọng “mở bung” cửa ngõ với Nghị quyết 98
Tương tự, ở cửa ngõ phía Đông, dự án mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương, TP.Thủ Đức dài 5,9km; hay dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An; nâng cấp đường trục Bắc – Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến Vành đai 3 cũng sẽ được triển khai trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2028.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trở ngại lớn nhất khiến các trục đường chính, cửa ngõ ở thành phố nhiều năm qua chưa thể mở rộng như quy hoạch là thiếu vốn khi ngân sách chỉ đáp ứng khoảng 20%.
Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP.HCM ban hành danh mục các dự án thực hiện theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu. Việc đầu tư này phải đáp ứng 5 tiêu chí là phù hợp với quy hoạch, phù hợp định hướng phát triển giao thông, giải quyết các điểm nghẽn kết nối các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng, khả năng huy động vốn đầu tư từ khối tư nhân vào dự án và đánh giá tác động kinh tế - xã hội, dự án nào ít tác động đến người dân thì sẽ được ưu tiên. Toàn TP có 107 tuyến đường đáp ứng tiêu chí nhưng cần phải xem xét tính chất quan trọng, cấp bách.
Ông Trần Quang Lâm cho rằng: "Chúng ta phải rà soát tính cấp bách và sự ưu tiên cũng như năng lực của thành phố. Về ngân sách chúng ta chưa đáp ứng được mà để giải quyết ngay những cái này thì sẽ hiệu quả hơn. Cho nên chúng ta đang lựa chọn những tuyến đường này. Thứ hai nữa là về mức giá cụ thể đối tượng phải đóng phí, khi chúng ta sẽ nghiên cứu".
Theo TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TP.HCM, với một đô thị đặc biệt như TP.HCM, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng giao thông rất lớn. Việc TP.HCM có được cơ chế đặc thù rất quan trọng để triển khai các dự án, bởi khi có sự tham gia của tư nhân thì yếu tố trách nhiệm sẽ rõ ràng hơn.
Ông Thắng đề nghị, khi triển khai cần phải có tiêu chí rõ ràng về tiềm lực tài chính cũng như kinh nghiệm của nhà đầu tư để tránh việc dự án bị chậm: "Với vốn có thành phố chúng ta hoàn toàn không có đủ để làm cho các dự án lớn. Nghị quyết 98 chủ yếu là khuyến khích những thành phần bên ngoài và tham gia chứ không phải đi cho hệ thống của Nhà nước chỉ là vốn mồi, chủ yếu là vận động được sự tham gia của toàn dân, toàn bộ hệ thống doanh nghiệp. Và đó mới là sức mạnh thật sự của nền kinh tế thành phố".
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch cũng cho rằng, Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ hội để phát triển về hạ tầng, ít phụ thuộc vào ngân sách công. Để làm được thì rất cần sự đổi mới về tư duy và quản lý. Đó là không chỉ làm các dự án BOT về hạ tầng mà cần quan tâm đến các khu đất gắn với hạ tầng. Việc này rất cần có sự phối hợp giữa các sở ngành để hình thành các chuỗi dự án với nhau.
Theo ông Sơn, trước đây các dự án kéo dài là do các nguyên nhân từ công tác giải phóng mặt bằng, không đủ ngân sách… Do đó, Nghị quyết 98 sẽ cho TP.HCM chủ động hơn: "Trước đây mình lệ thuộc rất nhiều vào ngân sách. Có ngân sách thì làm, không có thì chờ. Bây giờ cần có tư duy mới có ngân sách chỉ là một phần. Bên cạnh đó mình vận dụng Nghị quyết 98 để tạo ra các nguồn thu bổ sung để không phụ thuộc như lúc trước nữa".
Nghị quyết 98 tuy không phải là cây đũa thần có thể giải quyết mọi vấn đề của TP. Tuy nhiên, việc có một cơ chế đặc thù vượt trội cũng giúp TP có hướng ra để giải được bài toán hóc búa về hạ tầng giao thông trong thời gian qua. Thời gian là không có nhiều. Do đó, TP cần tranh thủ thời gian, sớm đưa các dự án quan trọng ở cửa ngõ TP đi vào phục vụ người dân.