Theo đó, việc thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã được thực hiện đúng tiến độ, đạt nhiều kết quả tích cực. Dù vậy, qua quá trình triển khai phát sinh một số hạn chế, vướng mắc. Chẳng hạn, các văn bản pháp luật khác chưa được điều chỉnh đồng bộ, chưa có quy định cụ thể hỗ trợ việc triển khai chính quyền đô thị.
Trong khi đó, số lượng công chức tại TPHCM được phân bổ chưa phù hợp với vị trí việc làm, khối lượng công việc, quy mô dân số. Đồng thời, UBND quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách làm các đơn vị này khó chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, nhất là nhiệm phụ cấp bách, quan trọng.
Do đó, UBND TPHCM đề xuất Thành ủy TPHCM kiến nghị Trung ương nghiên cứu, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cấp ủy thành phố trong thành phố. Cùng với đó có hướng dẫn bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với cấp ủy cấp huyện và quy định cụ thể nội dung phân cấp, ủy quyền của Ban Thường vụ cấp ủy đối với cấp ủy cơ sở phù hợp với thực hiện chính quyền đô thị theo yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới.
Cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TPHCM) đang đón tàu cập cảng. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
UBND TPHCM cũng đề xuất Thành ủy TPHCM kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết với một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội cho áp dụng có thời hạn trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính. Ban hành nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm áp dụng vào thực tiễn tại TP Thủ Đức.
Điều này sẽ là cơ sở đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương đối với mô hình thành phố thuộc thành phố. Đồng thời kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP Thủ Đức phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
TPHCM kiến nghị Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để tạo thuận lợi cho các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí cán bộ. Có chính sách ưu đãi, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức dôi dư nghỉ việc ngay.