TPHCM: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công

(ĐTTCO)-Trong giai đoạn 2016-2020, TPHCM đã giải ngân được hơn 119.174 tỷ đồng, đạt 86,06% so với kế hoạch vốn được giao. Các dự án được lựa chọn đầu tư có trọng tâm, tập trung bám sát 7 Chương trình đột phá của TP. Trong 1.799 dự án đầu tư có 521 dự án chuyển tiếp, 1.278 dự án khởi công mới. Trong giai đoạn tới TP đề ra nhiều giải pháp để nguồn vốn được đầu tư hiệu quả, tăng tỷ lệ giải ngân. 
Thi công hầm chui tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thi công hầm chui tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
ĐTTCO trích đăng phát biểu của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, về vấn đề này.
Nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu…
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách của TPHCM được Thủ tướng Chính phủ giao (tại Quyết định 1535 ngày 15-9-2021) là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn này (khoảng 672.000 tỷ đồng). Trong bối cảnh đó, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn được UBND TP xây dựng theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016-2020. 
UBND TP đã trình HĐND TP thông qua Nghị quyết 99 ngày 19-10-2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách được giao trên, bao gồm vốn từ nguồn bội chi ngân sách 14.873,1 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách 127.683,9 tỷ đồng. Hiện UBND TP đã trình HĐND TP thông qua thêm 2 Nghị quyết (05 ngày 7-4-2022 và 31 ngày 8-7-2022) để phân khai chi tiết nguồn dự phòng trung hạn cho các đối tượng đủ điều kiện bố trí vốn theo quy định.
Về hiệu quả công tác quản lý đầu tư công của TPHCM, từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, TP đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.949 dự án, với tổng vốn đầu tư 302.839,6 tỷ đồng, gồm 869 dự án nhóm C, 1.074 dự án nhóm B và 6 dự án nhóm A. TP bố trí kế hoạch theo đúng Luật Đầu tư công và các Nghị định, hướng dẫn có liên quan; đúng nguyên tắc, định hướng đã được HĐND TP thông qua. 
Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định. Nguồn vốn ngân sách tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng đã phát huy nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực. 
Ở lĩnh vực giao thông, TP tập trung các nguồn lực đầu tư để hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều hạng mục công trình trọng điểm, như Cảng Cát Lái, các nút giao thông Mỹ Thủy, An Sương, Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm... kết hợp với các nhóm giải pháp khác, đã từng bước đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân; công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông được cải thiện, điểm nguy cơ ùn tắc giao thông giảm qua từng năm. 
TP đã tập trung xây dựng triển khai các đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó trọng tâm là thực hiện chuẩn bị đầu tư trình Quốc hội, HĐND TP xem xét, thông qua chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, cấp bách, kết nối vùng như đường Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Quốc lộ 50, nút giao An Phú, các dự án nạo vét đảm bảo khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa... 
Về lĩnh vực y tế, dân số và gia đình, công tác đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đã góp phần lớn việc giảm tải và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân; giai đoạn đầu tư công 2016-2020 đã đưa vào sử dụng với tổng số giường bệnh xây mới là 878 giường, thay thế 1.360 giường và đầu tư phát triển theo định hướng chuyên khoa sâu kỹ thuật cao cho các bệnh viện tuyến TP, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế. Đạt chỉ tiêu 42 giường bệnh/10.000 dân số. 
Về lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2016-2020, toàn ngành đã tích cực triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch, giải pháp có tính đột phá để đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu hội nhập. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất, trường lớp luôn là ưu tiên hàng đầu của TP. 
Tổng số phòng học đã được đầu tư sửa chữa, xây mới đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2016-2020 là 7.478 phòng học. Đến cuối năm 2020 đã đạt 292 phòng học/10.000 dân so với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020. 
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao, giai đoạn 2016-2020 TP đã rất quan tâm đầu tư vào các thiết chế văn hóa thể thao với 71 dự án công trình văn hóa thể thao được bố trí vốn triển khai, trong đó đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều công trình trọng điểm như dự án Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, Vũ kịch, dự án Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ…
Việc đầu tư hoàn thành các dự án nêu trên đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, phục vụ đa dạng nhu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí, góp phần xây dựng đời sống văn hóa của nhân dân thêm phong phú, làm giảm tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội. 
Về lĩnh vực chống ngập, thủy lợi, đầu tư các tuyến đường ngập do mưa. Cụ thể, với tuyến đường trục chính đã giải quyết được 25/36 tuyến, đạt 69,44% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020; các tuyến đường, hẻm do UBND quận huyện quản lý, đã hoàn thành 179/179 tuyến đường, hẻm ngập đạt 100% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước các đường chính…
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về đầu tư công còn bộc lộ một số hạn chế. Về việc chấp hành chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư, vẫn còn một số chủ đầu tư chậm báo cáo, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư định kỳ. 
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, phê duyệt điều chỉnh dự án, một số chủ đầu tư tổ chức thực hiện công tác lập dự án còn chậm so với thời gian quy định; người có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án nhưng không căn cứ vào kết quả giám sát, đánh giá quá trình chuẩn bị đầu tư dự án. Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt dự toán gói thầu vượt định mức quy định đã được phát hiện và xử lý theo đúng quy định pháp luật. 
Về tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân dự án: qua quá trình theo dõi, kiểm tra, TP xác định một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến dự án là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp của các bên có liên quan. Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, do đó công tác quản lý điều hành dự án còn hạn chế. 
Năng lực và công tác quản lý điều hành dự án của chủ đầu tư vẫn còn tình trạng thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý các vi phạm của nhà thầu theo hợp đồng ký kết, dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh khối lượng, hạng mục; chưa đôn đốc các nhà thầu liên quan hoàn thành đúng thời gian theo quyết định phê duyệt dự án; công tác quản lý dự án đầu tư còn tồn tại thiếu sót trong khâu lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu hoàn thành…
TPHCM: Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công ảnh 1
Tiếp tục nâng cao chất lượng đầu tư công
Xác định việc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP. Tăng cường, thường xuyên đôn đốc các sở, ban, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức, các chủ đầu tư hoàn thành công tác giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, đơn vị mình.
Tổ chức hiệu quả các hội nghị giao ban để rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng, để đánh giá kết quả, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đơn vị, đảm bảo các dự án triển khai đúng thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 
Linh hoạt trong công tác điều hành kế hoạch vốn, kịp thời tham mưu điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng hấp thụ vốn tốt, bổ sung vốn cho các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư theo quy định và đủ điều kiện để bố trí vốn. Thường xuyên rà soát, kiểm điểm tiến độ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các quận, huyện, TP không để ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất. 
Tăng cường các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả khâu của quá trình đầu tư để đảm bảo đầu tư tập trung, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán. Chủ động cân đối các nguồn vốn từ đầu năm, các nguồn vốn được bổ sung hàng năm đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 
Ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích, kêu gọi đầu tư xã hội hóa vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, phục vụ đời sống an sinh xã hội của TP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý vi phạm trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công…

Các tin khác