TPHCM: Phải ưu tiên hàng đầu kinh tế kỹ thuật số

(ĐTTCO) - Cuồi tuần qua, Diễn đàn kinh tế TPHCM 2022 với chủ đề “Kinh tế số: động lực tăng trưởng và phát triển TPHCM trong tương lai” đã diễn ra, với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ông Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Chính phủ ông Lê Minh Khái; Bí thư Thành ủy TPHCM ông Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TPHCM ông Phan Văn Mãi; Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương ông Nguyễn Thành Phong, cùng các lãnh đạo Bộ ngành, chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp (DN)… 

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TPHCM 2022.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TPHCM 2022.
Có điều kiện, tiềm năng nhưng vẫn chưa đủ
“Năm 2021 vừa qua, TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, kinh tế xã hội và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến quý I-2022, kinh tế TPHCM đã phục hồi và từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào phục hồi chung của cả nước. Cũng chính trong đại dịch Covid-19, các hoạt động về thương mại điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh và tăng tốc đáng kể.
Tuy nhiên, chuyển đổi số và kinh tế số mới chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn, nên cần có định hướng và cách triển khai phù hợp để khai thác tốt tiềm năng này” - đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Diễn đàn.
Rất nhiều diễn giả tại diễn đàn cũng đã nhắc đến nội dung tương tự. Vậy làm cách nào để TPHCM khai thác tiềm năng này? Hiện tại TPHCM với quy mô đô thị hơn 10 triệu người, đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ 32% số lượng DN hoạt động theo Luật DN, có tiềm lực về khoa học- công nghệ và giáo dục- đào tạo; hệ thống Đại học quốc gia, các trường, viện nghiên cứu với lực lượng chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. 
Bí thư Thành ủy TPHCM ông Nguyễn Văn Nên, cho rằng đó là nền tảng TP đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025 là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
TPHCM: Phải ưu tiên hàng đầu kinh tế kỹ thuật số ảnh 1 Các đại biểu tham dự tại Diễn đàn kinh  tế TPHCM 2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đến năm 2030, TPHCM là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TP.
Hiện TP đang triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm hợp tác về chuyển đổi số, giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn TP và phát triển kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở; nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số; nghiên cứu để triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới…
Theo đó, nghiên cứu Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM vận hành dựa vào lợi thế công nghệ số.
Theo ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC, đại dịch Covid đã thúc đẩy tốc độ áp dụng kỹ thuật số trên toàn thế giới, cho phép mọi người giữ kết nối và các chính phủ và DN hoạt động trong thời gian cách ly xã hội.
Tại Việt Nam cũng vậy, thương mại và dịch vụ ngày càng được số hóa theo các chính sách khác biệt của xã hội. Việc Chính phủ Việt Nam thông qua Chương trình chuyển đổi số cho DN giai đoạn 2021-2025 là một bước đi cần thiết. Là trung tâm kinh tế và tài chính của Việt Nam, TPHCM là một TP có nhiều hoài bão trong một đất nước có nhiều hoài bão. Thời điểm này, TPHCM tập trung vào chuyển đổi kỹ thuật số và nền kinh tế kỹ thuật số là ưu tiên hàng đầu, để phục hồi kinh tế và đầu tư vào khả năng cạnh tranh trong tương lai.
Tuy nhiên, cần phải thực hiện 4 bước có sẵn là chính sách, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và kỹ năng, đồng thời đảm bảo không ai bị loại khỏi các hệ thống kỹ thuật số.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cũng chỉ ra một vài điểm cần quan tâm. TPHCM có nhiều điều kiện phát triển kinh tế số, có dân số kết nối internet cao nhất tại Việt Nam, có hạ tầng cơ bản, nhưng điều này vẫn chưa đủ, vì xếp hạng hạ tầng của quốc gia còn thấp.
Việt Nam hiện có hàng ngàn DN khởi nghiệp đang nổi lên, thu hút 1,3 tỷ USD vốn đầu tư vào năm 2021, nhưng con số trung bình của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn thấp so với mặt bằng chung của châu Á: chỉ khoảng 7% DN số đặt tại Việt Nam được thúc đẩy bởi dữ liệu, trong khi ở khu vực châu Á là 13%; chỉ có khoảng 1/5 DN ở Việt Nam sử dụng quy trình hoàn toàn số hóa trong marketing, chi trả, lên kế hoạch hoạt động; chỉ có 40% lực lượng lao động Việt Nam có được kỹ năng kỹ thuật số cơ bản…
Vì thế, TPHCM nên phát triển bộ kỹ năng cơ bản, cốt lõi để người dân thích ứng với sự thay đổi bằng cách thiết lập các khóa học liên quan đến các nội dung này.

Nhân lực là cốt lõi, nhưng tư duy phải đột phá
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ, Việt Nam rất quyết liệt về chuyển đổi số, khắp các tỉnh thành đều nói về chuyển đổi số và đã hành động. Trong đó, TPHCM là ngọn cờ đầu về công nghệ thông tin của cả nước với lực lượng lao động lớn, sử dụng dữ liệu tốt nhất, đi đầu trong chuyển đổi số để ứng phó dịch Covid-19. TPHCM cũng đang đi đầu về giao thông thông minh, y tế thông minh và nằm trong danh sách 10 TP năng động nhất thế giới (theo một báo cáo công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới).
Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh muốn đẩy mạnh kinh tế số như mục tiêu đề ra phải cần nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu đó. Các trường đại học tại TPHCM cần đưa các môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu vào chương trình để đào tạo một nguồn nhân lực lớn.
Thực tế đặc điểm kinh tế TPHCM với hơn 95% là các DN vừa và nhỏ cùng với hơn 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể, đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế TP. Mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của DN, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng có thách thức, đó là yếu tố nhân lực.
“Có lẽ quá trình chuyển đổi số vấn đề công nghệ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để DN thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Mối quan hệ giữa nhà nước - DN - người dân là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số”- Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ.
Một kinh nghiệm được các diễn giả đề cập, là các trung tâm công nghệ lớn thường được đặt xung quanh các trung tâm giáo dục lớn về khoa học công nghệ để tận dụng nhân lực từ những cơ sở này. Do vậy không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước, TPHCM phải đẩy mạnh việc thu hút nhân tài công nghệ từ khắp thế giới về khởi nghiệp, làm việc ở TPHCM bằng các cơ chế chính sách ưu đãi "thực tế và thực sự hấp dẫn". Đây là cách căn cơ và nhanh nhất để phát triển kinh tế số nhanh và bền vững.
Đồng thời để phát triển kinh tế số, đã có ý kiến đề nghị ngân sách có một khoản hỗ trợ để các địa phương và DN thúc đẩy nhanh quá trình này.
Còn trên toàn cảnh, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia TPHCM cho rằng, để quá trình chuyển đổi số bền vững cần có sự đột phá về mặt thể chế, trọng tâm là về mặt pháp luật, tháo gỡ những khó khăn để huy động tối đa các nguồn lực. Thể chế phải đổi mới sáng tạo, cụ thể là khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.
Về nguồn lực con người, không chỉ chú trọng nguồn lực chất lượng cao, mà nguồn lực từ nhà quản trị, kinh doanh có tư duy đột phá, thích ứng với đổi mới và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Kèm theo đó các hạ tầng như hạ tầng giao thông, đô thị, giáo dục, đào tạo, hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng số phải được thúc đẩy để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số nhanh chóng. 
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, đến 2025 kinh tế số đóng góp 25% GRDP của TPHCM và 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.
Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”. Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số. Chính quyền phải là người dẫn dắt, khai phá, tạo điều kiện cho sự phát triển, thu hút DN, cá nhân tham gia trong một hệ sinh thái chung.
Tuy nhiên, những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì đề xuất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng từng bước, không cầu toàn, không nóng vội. 
 Đại dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều hoạt động kinh tế xã hội TPHCM, nhưng cũng từ môi trường ứng phó với dịch bệnh đã thúc đẩy chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ nhiều lĩnh vực. Điều này cũng phù hợp khi chúng ta đang sống ở giai đoạn nền kinh tế kỹ thuật số ngày càng trở nên mạnh mẽ áp đảo kinh tế truyền thống.
Bí thư Thành ủy TPHCM  NGUYỄN VĂN NÊN

Các tin khác