TPHCM phát huy vai trò đầu tàu kinh tế

(ĐTTCO) - Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện được kỳ vọng trở thành động lực mới để TPHCM tăng tốc phát triển xứng tầm trong tương lai, phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Hướng đi chiến lược

Bộ Chính trị vừa có Kết luận số 47-TB/TW đồng ý chủ trương về thành lập Trung tâm Tài chính (TTTC) khu vực và quốc tế Việt Nam, gồm thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TPHCM và TTTC khu vực tại TP Đà Nẵng.

Đề án xây dựng TTTC quốc tế Việt Nam tại TPHCM là một trong những chương trình, đề án thuộc 4 chương trình đột phá, trọng điểm của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM và được ấp ủ trong nhiều năm qua.

Ranh giới Trung tâm Tài chính quốc tế toàn diện TPHCM được xác định là khu vực trung tâm hiện hữu quận 1 và Khu đô thị Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Việc thành lập TTTC quốc tế tại TPHCM được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là bước đi chiến lược, mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp tạo ra động lực và khai thác các tiềm năng.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TPHCM) nhận định, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, TPHCM phát triển thành TTTC quốc tế là hoàn toàn phù hợp. Một trong những điểm mạnh lớn nhất của TPHCM là vị trí địa lý chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á.

TPHCM cũng là địa phương chiếm tỷ trọng lớn trong GDP cả nước (khoảng 23%) và là trung tâm của nhiều ngành kinh tế trọng điểm như tài chính, công nghệ và dịch vụ. Điều này tạo ra một hệ sinh thái doanh nghiệp năng động, nơi các công ty trong và ngoài nước có thể hợp tác, phát triển, đổi mới sáng tạo.

Phân tích sâu về những tiềm năng TTTC quốc tế mang lại, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM, nhấn mạnh, đây sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bởi trung tâm này là nơi hội tụ các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức tài chính lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn và phát triển các dự án kinh tế lớn; cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng và phát triển công nghệ tài chính (FinTech), trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới khác, từ đó thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo.

Chuyên gia cũng nhận định, bên cạnh những lợi thế, việc xây dựng TTTC quốc tế tại TPHCM cũng sẽ gặp không ít thách thức. Đó là những vấn đề liên quan đến hệ thống pháp lý và quản lý.

TS Trần Quang Thắng cho rằng, sự phức tạp và thay đổi liên tục của luật pháp có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tài chính phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường kinh doanh cạnh tranh, tình hình an ninh trật tự… cũng sẽ là những thách thức cần vượt qua.

Theo TS Trần Quang Thắng, thành công của các TTTC quốc tế như New York, London, Singapore, Dubai, Trung Quốc và Hồng Công minh chứng cho thấy những nỗ lực vượt qua thách thức có thể mang lại kết quả đáng kể. Nếu vượt qua được các thách thức nêu trên, việc thành lập TTTC quốc tế tại TPHCM sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho TPHCM và khu vực.

Xây dựng chính sách vượt trội

Để vượt qua các thách thức và tận dụng tối đa lợi thế, theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, trước tiên TPHCM cần đẩy mạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, các khu tài chính hiện đại và hệ thống công nghệ thông tin. Cùng với đó, việc cải cách và hoàn thiện khung pháp lý là vô cùng cần thiết..

TPHCM cũng nâng cao năng lực bảo mật và quản lý rủi ro để đảm bảo an ninh mạng, sự an toàn trong các giao dịch tài chính. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, TPHCM không chỉ vượt qua các thách thức mà còn có thể trở thành một TTTC quốc tế hàng đầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Là cơ quan được UBND TPHCM giao chủ trì phối hợp xây dựng đề án TTTC quốc tế tại TPHCM, đại diện lãnh đạo Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HIFC) cho biết đã đề xuất 5 nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới để từng bước bắt kịp chuẩn mực thông lệ quốc tế, hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, góp phần hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Và cao hơn là kỳ vọng trong tương lai, TPHCM sẽ đóng vai trò là TTTC quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, có đủ năng lực để tận dụng cơ hội dịch chuyển các dòng vốn đầu tư quốc tế, kết nối các thị trường tài chính và trở thành một TTTC quốc tế toàn diện.

Trong các cuộc làm việc mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đều khẳng định, thành phố đã và đang tập trung nguồn lực để chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng giao thông, kết nối viễn thông và các hạ tầng khác cho TTTC quốc tế tại TPHCM.

Cụ thể, mô hình quản lý TTTC quốc tế tại TPHCM sẽ được phát triển dựa trên khu phố tài chính ở trung tâm hiện hữu thuộc quận 1 và hình thành khu phố tài chính ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hai khu này sẽ bổ sung cho nhau với các dịch vụ tài chính truyền thống sẵn có đang tập trung ở khu vực tài chính hiện tại và các dịch vụ tài chính hiện đại sẽ tập trung ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, việc xây dựng TTTC quốc tế là việc mới, khó, thành phố sẽ học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hợp tác quốc tế. Đặc biệt là trong công tác đào tạo nguồn nhân lực từ nước ngoài, bao gồm hội đồng quản lý, cơ quan tài phán.

TPHCM cũng xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy để quản lý, điều hành trung tâm. Một vấn đề được nhà đầu tư, chuyên gia quan tâm là trung tâm cần có các cơ chế chính sách vượt trội, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đang phối hợp cùng TP Đà Nẵng, Bộ KH-ĐT, các bộ, ngành chuẩn bị, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội. Song song đó, TPHCM chuẩn bị xúc tiến mời gọi đầu tư để xây dựng tòa nhà của TTTC quốc tế.

Đây sẽ là trái tim, biểu tượng mới của thành phố trong thời gian tới.

Ngày 2-1, Thường trực Thành ủy TPHCM nghe báo cáo công tác chuẩn bị Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Kết luận số 47-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng TTTC khu vực và quốc tế tại Việt Nam; việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển TTTC TPHCM.

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nêu rõ, việc tham mưu, xây dựng các chính sách, cơ chế tạo hành lang pháp lý để TTTC quốc tế toàn diện tại TPHCM đi vào hoạt động là rất quan trọng; đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chính sách đặc thù vượt trội để tạo ra những hệ sinh thái gồm tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kế toán, tư vấn luật... Nếu sự chuẩn bị có thiếu sót, không đầy đủ thì trong quá trình vận hành trung tâm sẽ gặp vướng mắc, khó khăn.

TPHCM đề ra mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 là 10%. Việc thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TPHCM là cơ hội để thu hút nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn, tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào lĩnh vực kinh tế trọng điểm của TPHCM.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu, trong từng kế hoạch của TPHCM phải chú trọng việc thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn từ các lĩnh vực ngân hàng, quỹ đầu tư, doanh nghiệp tài chính mang tầm cỡ ở khu vực và thế giới. Từ đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế và cũng có thêm sự chọn lựa để thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh, phát triển.

Các tin khác