TPHCM tái khởi động nhiều công trình trọng điểm

(ĐTTCO) - Thời gian này, hàng loạt công trình trọng điểm ở TP Hồ Chí Minh thi công trở lại. Những vướng mắc về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật đã được tháo gỡ.
Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Linh đã được tái khởi động. (Ảnh: PLO)
Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Linh đã được tái khởi động. (Ảnh: PLO)

Sau một thời gian dài ngưng trệ, dự án trọng điểm của TP Hồ Chí Minh là hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Linh, đã được tái khởi động. Để có thể tiếp tục thi công, TP Hồ Chí Minh đã gỡ vướng mắc về công tác di dời hạ tầng.

Cụ thể, đường điện 220KV Nhà Bè - Tao Đàn, đường ống nước BOO Thủ Đức và một số đường ống khác sẽ được di dời, chậm nhất là đến cuối tháng 10 sẽ hoàn thành.

"Song song với đó để đẩy nhanh tiến độ, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị tập trung thi công đồng bộ hầm HC1 để phấn đấu đến cuối 31/12/2024 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án", ông Nguyễn Phước Thuận, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Ngoài dự án này, dự án xây dựng cầu Nam Lý, công trình giao thông gần nghìn tỷ tại TP Thủ Đức cũng đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, sau một thời gian đình trệ vì không có mặt bằng để thi công.

Sau khi lãnh đạo TP Thủ Đức, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh vào cuộc, nhiều hộ dân đã đồng ý di dời. Hiện tỷ lệ giải phóng mặt bằng đạt gần 100%. Nhà thầu đang thi công trụ mới, một phần cầu Cống Đập đã được đập bỏ, chuẩn bị thiết lập luồng giao thông mới cho khu vực này.

Cùng với cầu Nam Lý, trên địa bàn TP Thủ Đức còn 2 công trình khác là cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu cũng đang rục rịch tái khởi động.

"Chúng tôi đang tập trung nỗ lực hết sức để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là ưu tiên tập trung đối với các dự án đã kéo dài nhiều năm", ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, thông tin.

Riêng về công trình đường sắt đô thị, tuyến Metro số 2 đã được tái khởi động với việc khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật vào cuối tháng 6. Rút kinh nghiệm từ tuyến Metro số 1, việc di dời hạ tầng sẽ giúp cho nhà thầu chính có mặt bằng sạch, tập trung thi công công trình và quy hoạch không gian ngầm.

"Đến nay, tổng tiến độ giải phóng mặt bằng đạt gần 87%. Lãnh đạo thành phố xác định sẽ cố gắng hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023", ông Bùi Anh Huấn, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, những công trình này sẽ giúp giảm ách tắc giao thông cho thành phố, tạo nên bộ mặt thông thoáng hơn cho thành phố. Đây cũng là một trong 3 vấn đề Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu TP Hồ Chí Minh xử lý để sớm đưa vùng Đông Nam Bộ phát huy được lợi thế cạnh tranh, phát triển kinh tế - xã hội.

Các tin khác