Dự báo tình hình và phối hợp ứng phó
Theo nhiều chuyên gia và lãnh đạo TP.HCM, trong tình hình thế giới nhiều biến động như hiện nay, năm 2023, TP.HCM phải dự báo kịp thời, chính xác tình hình. Trong đó, dự báo được những thách thức, sức ép tác động đến TP để có những kịch bản, kế hoạch ứng phó phù hợp. Khi đã dự báo được tình hình, TP căn cứ vào đó để có giải pháp, cơ chế, phương pháp, cách làm sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt và đồng bộ.
Muốn như vậy, các cơ quan và tổ chức chuyên môn, tư vấn của TP.HCM phải theo sát tình hình của thế giới, nhằm kịp thời tham mưu cho lãnh đạo TP chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Cụ thể như, trong phát triển kinh tế, các vấn đề phát sinh của thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, giảm đơn hàng xuất khẩu…như trong năm 2022 phải được cảnh báo sớm hơn và phản ứng hiệu quả hơn.
Trong triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên mong muốn, trước những biến động có thể bất ngờ xảy ra, TP không để bị động, bất ngờ. TP cũng phải tập trung tháo gỡ nhiều điểm nghẽn mà kết thúc năm 2022 đã chỉ ra như: giải ngân vốn đầu tư công thấp, phối hợp giữa các ngành với nhau và giữa ngành với địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thực hiện hiệu quả công việc chưa cao…Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, trong nhiều nhiệm vụ trọng tâm cấp bách TP đề ra, chú ý đến thể chế, các chính sách thông thoáng.
“TP.HCM đừng để người dân, doanh nghiệp phải chờ quy định này, quy định khác. Chúng ta phải chạy tháo gỡ cho họ. Trong điều hành thì phải có yếu tố năng động, dám nghĩ, dám làm, không máy móc, rập khuôn. Bởi vì tình hình biến động, cuộc sống luôn năng động nên người điều hành cũng biến động, năng động thích ứng nhưng phải nắm vững đường lối, chủ trương chính sách pháp luật để không chệch đường ray” - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.
Có thể thấy vai trò ngày càng lớn của việc kịp thời nắm bắt và tổng hợp thông tin, sử dụng thông tin đó một cách hiệu quả phục vụ cho chỉ đạo, quản lý điều hành của lãnh đạo TP và cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong tình hình kinh tế biến động và chịu nhiều tác động mạnh của các yếu tố như hiện nay, doanh nghiệp cần bám sát những thông tin dự báo để kịp thời xoay sở, nỗ lực tìm, nắm bắt cơ hội để vượt qua khó khăn và phát triển.
Năm 2023 TP.HCM tạo đột pha chuyển biến về hạ tầng. (Ảnh: L.G)
“Các doanh nghiệp cần phải theo sát tình hình, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ khả năng thị trường nào có sức mua, mặt hàng nào là cần thiết. Vẫn có cơ hội, nhưng không còn cơ hội truyền thống, mà đây là những cơ hội mới cần được phát hiện ra, tận dụng ngay” - TS. Lê Đăng Doanh nói.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng
Năm 2023, TP.HCM quyết tâm tạo đột phá chuyển biến về hạ tầng, cố gắng đưa vào sử dụng các dự án lớn, công trình trọng điểm như: Dự án metro số 1; Dự án chống ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; khởi công Dự án Vành đai 3 TP.HCM vào tháng 6; khẩn trương thực hiện Dự án metro 2, Dự án cao tốc TP.HCM- Mộc Bài; Dự án nâng cấp Quốc lộ 50; khởi công sớm Dự án Rạch Xuyên Tâm…
Các chuyên gia đánh giá, gỡ nút thắt về hạ tầng, mà đầu tiên là về giao thông sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế. Trong đó, kỳ vọng nhiều nhất đặt vào con đường Vành đai 3 TP.HCM, được coi là “niềm mơ ước 20 năm của hơn 20 triệu người dân Đông Nam bộ”. TS. Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright cho rằng cần phải ưu tiên phát triển giao thông thông thoáng, giảm chi phí.
“Quan trọng nhất là phải coi lợi ích giao thông lên hàng đầu. Tạo giao thông thông thoáng, giảm chi phí thời gian, chi phí vận hành. Như vậy đường Vành đai cố gắng đa số các đoạn đều là cao tốc, phải có đường song hành, để đảm bảo mục tiêu hàng đầu là lợi ích trực tiếp từ giao thông” - TS. Nguyễn Xuân Thành nêu ý kiến.
Doanh nghiệp TP.HCM đầu tư mạnh để chuyển đổi số. (Ảnh: M.T)
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group, doanh nghiệp chuyên ngành hàng rau củ quả xuất khẩu cho biết, quý 4 năm 2022 Việt Nam ký kết nghị định thư về xuất khẩu trái sầu riêng vào Trung Quốc và trước đó là xuất khẩu thành công trái bưởi vào thị trường Mỹ nên ngành rau củ quả tự tin bước vào năm 2023. Tuy nhiên, càng có cơ hội xuất khẩu thì doanh nghiệp càng mong muốn hạ tầng của TP, mà đầu tiên là đường sá, kho bãi hoàn thiện hơn.
“Chúng tôi mong muốn sắp tới TP.HCM có thể đưa logistics vào kích cầu để kêu gọi đầu tư nhiều hơn và có những trung tâm kho bãi, chiếu xạ…giúp cho xuất khẩu thuận tiện và ổn định hơn. Chứ hiện nay kho bãi, kho lạnh của TP.HCM còn đang thiếu.) - ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Đi cùng với đó, TP.HCM tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này. TP.HCM sẽ tăng cường gặp gỡ, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp một cách cụ thể, để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Ông Phạm Phú Lữ- Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM cho biết: “Chúng tôi trong hoạt động xúc tiến năm 2023 sẽ tập trung vào các hoạt động kết nối giao thương. Chủ động phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp của các nước, tiếp đón các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại TP.HCM, qua đó kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tập trung vào các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của TP ra các thị trường”.
Dự báo năm 2023, tình hình có nhiều biến động, bất định, khó lường và TP.HCM cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. TP đề ra chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội” và quyết tâm thực hiện có hiệu quả. TP sẽ có những nỗ lực mới, quyết tâm mới và hành động tương xứng với sứ mệnh của một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, là đầu tàu, động lực có sức thu hút và lan toả lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.