TPHCM: Thành lập Tổ công tác để hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị

Tổ công tác được đề xuất thành lập theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
(Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035, Thành phố phải hoàn thành toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị còn lại (khoảng 200 km) trong 12 năm tới. Trước yêu cầu đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố thành lập Tổ công tác xây dựng Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm nghiên cứu áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để nhanh chóng triển khai các dự án.

Tổ công tác được đề xuất thành lập theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổ công tác do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố là Tổ trưởng; Tổ phó Thường trực là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố; hai Tổ phó còn lại là lãnh đạo Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TThành phố Hồ Chí Minh (HFIC); thành viên là lãnh đạo các sở, ngành thành phố.

Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm: 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray với tổng chiều dài khoảng 220 km, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD.

Đến nay, thành phố mới triển khai được 2 tuyến. Tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) thực hiện từ năm 2007, tổng khối lượng thực hiện đạt 95,32%, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023. Tuyến metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) đang giải phỏng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành năm 2032.

Trong khi đó, tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (Ngã Tư Bảy Hiền-cầu Sài Gòn) đang thực hiện các thủ tục xin chủ trương đầu tư; tuyến metro số 3a (Bến Thành-Tân Kiên) đang thực hiện các thủ tục xin chấp thuận đề xuất dự án; tuyến metro số 2 giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành-Thủ Thiêm) và giai đoạn 3 (Bến xe An Sương-Tây Bắc Củ Chi) đang có đối tác quan tâm đầu tư. Các tuyến còn lại đang kêu gọi đầu tư.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW là một thách thức lớn.

Trong 20 năm, Thành phố mới làm được 20 km đường sắt đô thị, trong khi đó Bộ Chính trị yêu cầu 12 năm tới, Thành phố phải hoàn thành 200 km còn lại. Yêu cầu này đặt ra cho Thành phố Hồ Chí Minh phải có cách tiếp cận, cách làm hoàn toàn mới, khác biệt.

Với đề xuất lập Tổ công tác, Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ 5 lĩnh vực trọng yếu nhất cần được ưu tiên gấp rút nghiên cứu hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng lộ trình thực hiện.

Đó là quy hoạch, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng; nguồn lực tài chính; thủ tục đầu tư, phê duyệt và triển khai dự án; giải pháp về công nghệ, tổ chức thi công, cung cấp vật tư thiết bị; mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực.

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, có một số điểm nổi bật, làm cơ sở cho việc phát triến xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Đây có thể coi là công cụ để thành phố tăng tốc hiệu quả trong triển khai xây dựng hệ thống đường sắt đô thị.

Trong số đó, nội dung đột phá với thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) giúp Thành phố Hồ Chí Minh huy động tối đa nguồn lực từ đất đai, tạo nguồn ngân sách để phát triển xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Ngoài ra, Nghị quyết số 98 cho phép thành phố được huy động nguồn vốn đầu tư đa dạng hơn.

Các tin khác