Giảm vai trò chủ lực xuất khẩu
Đánh giá chung về tình hình xuất khẩu của TP trong những năm qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, khẳng định hoạt động xuất khẩu là lĩnh vực kinh tế quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của TP. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu TP đạt hơn 38 tỷ USD, 9 tháng năm 2019 ước đạt hơn 30 tỷ USD (tăng 9,5% so với cùng kỳ). Hiện TP có nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, như sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử, dự kiến năm 2019 đạt 10 tỷ USD; dệt may ước đạt 4,2 tỷ USD; giày dép ước đạt 1,9 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ ước đạt 1,6 tỷ USD. Nhiều mặt hàng cũng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 500 triệu USD/năm như gạo, thủy sản, rau quả…
Trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, lợi thế cạnh tranh của 10 năm trước không còn giá trị. Vì thế, trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 chi phối nền kinh tế, TPHCM sẽ phát huy vai trò chủ đạo trong kinh tế vùng và là nơi đảm nhiệm dịch vụ trong xuất khẩu. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM |
Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhận định: “Qua số liệu thống kê, hoạt động xuất khẩu của TP có dấu hiệu chững lại. Tốc độ tăng trưởng trong gần 10 năm trở lại đây ở mức không cao, dưới 10%/năm, cơ cấu xuất khẩu chậm chuyển dịch và chịu sự tác động mạnh từ diễn biến kinh tế thế giới”.
Chủ tịch TP đặt ra yêu cầu các diễn giả tại hội nghị lần này phân tích, thảo luận nhằm làm rõ 3 vấn đề: Vị trí của hàng hóa TP định hướng ở đâu trong tổng thể hàng hóa thế giới, nguyên nhân dẫn đến khó khăn vướng mắc trong xuất khẩu; đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, trong đó nêu rõ các giải pháp khả thi có thể triển khai trong trước mắt và lâu dài; khuyến nghị các định hướng chủ đạo trong phát triển xuất khẩu TP cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.
Nói về vai trò của hoạt động xuất khẩu TP trong bức tranh chung cả nước, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, đánh giá tỷ trọng xuất khẩu của TP trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước những năm đầu chiếm tới 50%, nhưng giảm dần đến nay chỉ còn khoảng 16%. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhóm ngành chính của TP những năm gần đây không cao, thậm chí có ngành giảm. Về thị trường xuất khẩu vẫn tập trung nhiều ở Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong khi những thị trường lớn như EU vẫn còn khiêm tốn. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để TP tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu và chủ lực trong xuất khẩu.
TPHCM sẽ tìm nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đứng ở góc độ nghiên cứu, tìm hiểu xuất khẩu TPHCM qua lăng kính mô hình không gian sản phẩm, TS. Đinh Công Khải, Viện trưởng Viện chính sách công, trường Đại học kinh tế TPHCM, đánh giá về quy mô, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của TP so với cả nước giảm; tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm; mất dần lợi thế cạnh tranh, khả năng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường thấp. Xuất khẩu của TP vẫn theo mô hình tăng trưởng theo chiều rộng và chạy theo thị trường, thiếu định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu theo lợi thế so sánh của TP. Bên cạnh đó, với các DN vẫn tồn tại nhiều nút thắt trong phát triển xuất khẩu như chi phí lao động tăng, chi phí logisticss cao, thủ tục hành chính rườm rà, kém linh động.
Phát triển dịch vụ xuất khẩu
Trước thực trạng tốc độ xuất khẩu của TP những năm gần đây có xu hướng giảm, các đại biểu tham dự hội nghị đều đồng tình với quan điểm TP cần có sự chuyển dịch. Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Hòa, đưa ra các quan điểm chiến lược cho xuất khẩu của TP, trong đó lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số); tập trung phát triển nhóm dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu (logistics, hội chợ triển lãm thương mại, dịch vụ tài chính, pháp lý…); đẩy mạnh liên kết vùng.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Đinh Công Khải cho rằng, bên cạnh việc duy trì và hỗ trợ các sản phẩm chủ lực/tiêu biểu có kim ngạch và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, tạo việc làm và đóng góp ngân sách cho TP, cần xây dựng chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh các cụm ngành xuất khẩu tiêu biểu theo hướng chuyên môn hóa hoạt động xuất khẩu theo lợi thế so sánh của TPHCM. Đặc biệt hoàn thiện chiến lược phát triển cụm ngành logistics của TP, trong đó chú trọng quy hoạch lại hệ thống cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tăng cường khả năng kết nối giao thông đến các vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu, biến TPHCM thành trung tâm dịch vụ xuất khẩu cả vùng.
Dưới góc độ của DN, ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn, cho rằng TPHCM cần quan tâm đến dịch vụ xuất khẩu, trong đó có dịch vụ logistics, cùng với việc lựa chọn những sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của TP. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu. Bởi lẽ, trong quá trình xuất nhập khẩu DN đang chịu chi phí logistics cao.
Nêu thí dụ về điều này, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex, cho biết công ty ông xuất khẩu trên 1 triệu tấn hàng mỗi năm (tương đương 50.000 container). Hiện đang tồn tại điều vô lý khi hàng hóa từ TPHCM đi một số nước (Singapore, Trung Quốc) chỉ mất vài ngày, nhưng ra miền Trung mất cả tuần theo đường thủy, đường sắt. “Rất cần giải pháp cho ngành logistics để giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN” - ông Nam nhấn mạnh.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Trần Vĩnh Tuyến khẳng định thời gian tới lãnh đạo TP sẽ có những đối thoại trực tiếp giữa chính quyền TP với các DN trong từng lĩnh vực để tìm ra các giải pháp cụ thể hơn. Ông Tuyến cũng nhấn mạnh để tăng trưởng xuất khẩu của TP đạt đúng tiềm năng cần có sự kết hợp giữa DN xuất khẩu, nhà nghiên cứu và chính quyền. Xuất khẩu của TP phải gắn kết với phát triển vùng TPHCM, đặc biệt là kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực.