TPHCM: Vực dậy tăng trưởng bằng tiêu dùng và xuất khẩu

(ĐTTCO) - Ngoài việc tiếp tục giải ngân đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng, TPHCM có thể tập trung vào chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

TPHCM: Vực dậy tăng trưởng bằng tiêu dùng và xuất khẩu

Đây là những đề xuất được đưa ra tại buổi ra mắt “Báo cáo Kinh tế vĩ mô TPHCM: Kết quả 2023 và dự báo 2024”, do Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) và Cục Thống kê TPHCM phối hợp thực hiện.

2 đề xuất cho TPHCM

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, TS. Hồ Hoàng Anh, UEH đã nêu 2 gợi ý chính sách. Thứ nhất, ngoài việc tiếp tục giải ngân đầu tư công, TPHCM có thể tập trung vào các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, đầu tư tích lũy tài sản của doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình (đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản -BĐS) và xuất khẩu.

Chính quyền TPHCM nên tăng cường hỗ trợ và khuyến khích các DN của TPHCM tổ chức các chương trình khuyến mãi giảm giá, để kích thích tiêu dùng của người dân và tập trung kết nối cung cầu đưa hàng hóa, dịch vụ đến đúng khu vực, đúng nhu cầu của người dân.

Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường tiềm năng. Đây là một chính sách quan trọng để kích cầu, nhưng hiện nay chưa được khai thác hiệu quả. Theo số liệu 2022, có 3 thị trường tiềm năng ở 3 quốc gia Việt Nam đã ký hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, nhưng đang chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM: Nhật Bản (7,16%), Hàn Quốc (4,31%) và Ấn Độ (1,41%).

Trong đó, Ấn Độ đang là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định cần hướng tới. Vì vậy, chính quyền TPHCM cần chú ý nhiều hơn là hỗ trợ, khuyến khích các DN của TPHCM tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia ngoài Trung Quốc và Mỹ, để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc.

TS. Hồ Hoàng Anh cũng nhấn mạnh, tất cả các chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn, nhưng cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn. Đó là phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ tài chính ngân hàng (NH), ổn định thị trường BĐS để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người lao động.

TPHCM không nên nóng vội chạy theo mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 bằng mọi giá, có thể sẽ bị chậm lại tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn. Năm 2024 dự báo tổng cầu đối với nền kinh tế TPHCM sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng khó có khả năng bứt phá mạnh mẽ. Nếu tình hình kinh tế thế giới phục hồi thuận lợi, cộng với việc TPHCM thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,1-8% trong năm 2024 là có thể đạt được.

Tiêu dùng nội địa là chiến lược quốc gia

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (UEH), TPHCM trong vòng 10 năm tới phải đạt mức tăng trưởng 2 con số. Nhưng để tăng trưởng 2 con số, trong ngắn hạn cần phải thay đổi trụ cột, thay đổi hàm sản xuất, nói cách khác phải thúc đẩy sản xuất tiềm năng đi lên.

Muốn vậy, các yếu tố đầu vào phải chất lượng, như vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tập trung vào công nghệ cao, nguồn nhân lực phải thu hút tài năng, thay đổi năng suất bằng hệ thống quản trị như kinh tế số, quản trị số. Còn đầu tư công là khuyến cáo dành cho trung hạn và dài hạn, vì hiện tại đầu tư công chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng cầu.

Chính phủ nói cỗ xe tam mã để kéo tăng trưởng là tiêu dùng nội địa, đầu tư công và xuất khẩu, nhưng hiệu quả của đầu tư công thường có độ trễ. Năm 2023, dù nhiều áp lực nhưng vốn đầu tư công vẫn được đẩy ra nền kinh tế, nên điểm rơi của hiệu quả tích cực sẽ nằm trong năm 2024.

GS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Phó Giám đốc UEH

TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh, lúc này cần kích hoạt tiêu dùng nội địa. Ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, tiêu dùng nội địa là chiến lược quốc gia.

Đây là hướng đi cần thiết. Tuy nhiên, điều còn thiếu hiện nay là ngành NH chưa phát triển nhiều kênh về tín dụng để hỗ trợ người mua. Kinh nghiệm từ Trung Quốc năm 2008, nếu đặt mô hình đỉnh xuất khẩu hoặc BĐS, tín dụng sẽ phục vụ xuất khẩu hoặc BĐS.

Và khi hướng đến mô hình đỉnh tiêu dùng, tín dụng sẽ thúc đẩy tiêu dùng, từ đó tiêu dùng thúc đẩy sản xuất, bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Vì vậy sang năm 2024, mô hình kinh doanh online và tín dụng mua trước trả sau là 2 vấn đề cần được quan tâm.

Với kinh doanh online, TS. Vũ cho rằng chúng ta có thể học hỏi mô hình của Thượng Hải hay Trùng Khánh (Trung Quốc), họ có nhiều dịch vụ giao hàng với 12 giờ, 6 giờ, 3 giờ, 30 phút hay 15 phút, tùy theo loại hình hàng hóa. Để làm được điều đó, cần phải có hệ thống logistics cắm vào từng cụm dân cư, thay đổi bản chất hoạt động của tiệm tạp hóa, chợ, siêu thị.

Khi kinh doanh online phát triển theo hướng đó, ngành NH nhúng các nội dung này vào các gói tín dụng, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Nhìn xa hơn, kích thích tổng cầu bằng biện pháp này không chỉ hữu hiệu để kích tổng cung trong ngắn hạn, mà còn là cơ sở để ra quyết sách về đầu tư công.

Cụ thể, các tỉnh lân cận TPHCM có thể là “kho hàng” cung cấp sản phẩm. Trên cơ sở đó, nguồn vốn đầu tư công tập trung kết nối hệ thống đường sá để các kho hàng này gần lại với nhau. Như vậy, tất cả sẽ cùng bổ trợ qua lại, tạo động lực cho tăng trưởng.

GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc UEH, cũng nêu thêm về những tín hiệu tươi sáng đối với kinh tế Việt Nam cũng như của TPHCM trong năm 2024. Cụ thể, lạm phát thế giới tuy cao nhưng đã có xu hướng giảm. Năm 2024, mặt bằng lãi suất thế giới sẽ giảm, chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ là xu hướng điều hành của các NH trung ương trên thế giới, tạo sự dễ thở hơn về tổng cầu của Việt Nam.

Trong khi đó, lượng hàng tồn kho của châu Âu và Mỹ đã đạt đỉnh tháng 6-2023 và đi xuống dần, nên nhu cầu nhập khẩu sẽ mở ra. Vì vậy, TPHCM cũng như Việt Nam nên mở rộng đầu ra và tăng cường xuất khẩu, đặc biệt với các bạn hàng lớn. Trong nước, hiện cũng đang là điểm rơi của chu kỳ mua sắm sẽ tạo ra sự thúc đẩy trong tiêu dùng nội địa.

Các tin khác