Song thực chất, đoàn du khách 22 người đã gọi đến 38kg hải sản và nhiều thức ăn khác, nên cái giá 42 triệu đồng không có gì đáng phàn nàn.
Trước những thông tin gây ảnh hưởng đến du lịch Nha Trang, cơ quan chức năng đã kiểm tra và kết luận, trước khi chọn món ăn và chế biến nhân viên nhà hàng đều tư vấn kỹ, thỏa thuận và khách đồng ý. Việc chọn món ăn và thỏa thuận giá là một người khác, khi tính tiền là một người khác. Người tung tin lên mạng xã hội (MXH) là em gái của người tính tiền.
Vậy hành vi tung hóa đơn 42 triệu đồng để bêu rếu quán Cô Sương trên mạng, nhằm “khoe khoang” sự giàu sang hay nhằm mục đích gì khác? Công an đã mời làm việc đối với những những tài khoản đăng tải thông tin không chính xác về vụ hóa đơn 42 triệu đồng, cho thấy MXH đang ẩn chứa nhiều hệ lụy phức tạp cần chấn chỉnh.
Khảo sát Chỉ số văn minh trực tuyến (Digital Civility Index – DCI) do Microsoft thực hiện, được công bố cách đây không lâu, cho biết Việt Nam thuộc nhóm 5 nước có hành vi kém văn minh nhất trên môi trường trực tuyến (78%), chung với các nước Nam Phi (83%), Peru (81%), Colombia (80%) và Nga (79%). Khảo sát này được thực hiện trên 12.520 người lớn và trẻ vị thành niên tại 25 quốc gia. Dù khảo sát chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng là lời nhắc nhở cho thái độ bày tỏ bức xúc một cách vô lối trên MXH.
Đúng là MXH giúp kết nối cộng đồng, và là thành tựu công nghệ được đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, khi bày tỏ cảm xúc trên MXH cũng cần có trách nhiệm, không thể vì sở thích kỳ quặc của cá nhân mà gây rối ren cho xã hội và gây bất lợi cho người khác. Các chuyên gia cho rằng, nhiều người thích MXH bởi ở đó không bộc lộ rõ danh tính cá nhân, do đó họ dễ dàng trao đổi câu chuyện này, câu chuyện kia mà không ngại hậu quả.
Mặt khác, thông qua MXH họ muốn thu hút sự chú ý nhiều hơn khi trong cuộc sống thực tế không dễ làm được. Khoảng cách từ người bị hại thành tác nhân chỉ bằng một nút chia sẻ (share) hay bình luận (comment). Sau mỗi bàn phím, khung hình là một cá thể thật. Chỉ cần mỗi người tự điều chỉnh hành vi, dù môi trường tác động là không gian ảo nhưng lợi ích là thật và tác động trực tiếp đến cuộc sống.
Để điều chỉnh những kẻ quá khích trên MXH, pháp luật cũng đã đưa ra những sự chế tài cần thiết. Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, các hành vi lợi dụng MXH để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Trường hợp tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời tư của cá nhân và bí mật khác chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền 20-30 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đã ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH”, gồm 3 chương, 9 điều, được xem là "thể chế mềm" điều chỉnh các hành vi ứng xử, chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên môi trường mạng, đồng thời khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ MXH. Mục đích chính của Bộ quy tắc ứng xử này nhằm tạo điều kiện lành mạnh MXH tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ, các điều ước quốc tế Việt Nam đã tham gia.
Bộ quy tắc ứng xử trên MXH chỉ mang tính chất khuyến cáo, khuyến nghị, nhưng khi xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Làm sao để trở thành người văn minh trên MXH? Microsoft đã đưa ra 4 khuyến cáo rất thiết thực. Thứ nhất, hãy hành động một cách tử tế, đồng cảm và giàu lòng trắc ẩn trong mọi tương tác trực tuyến, đối xử với những người mà bạn kết nối bằng sự tôn trọng.
Thứ hai, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng trong quan điểm cũng như cách tư duy, khi xảy ra bất đồng cần cân nhắc mọi hành động, tránh công kích cá nhân.
Thứ ba, trước khi trả lời những bài viết trái quan điểm, nên dừng lại suy nghĩ một chút, đừng gửi hoặc đăng tải bất cứ nội dung nào có thể làm tổn thương người khác, gây tổn hại uy tín hoặc đe dọa sự an toàn của họ.
Thứ tư, hãy bảo vệ bản thân và những người xung quanh bằng cách hỗ trợ các nạn nhân bị lạm dụng hoặc ngược đãi trực tuyến, đồng thời báo cáo hành vi đe dọa, lưu giữ bằng chứng về những hành vi không phù hợp hoặc không an toàn.
Đành rằng MXH mang lại nhiều điều bổ ích nhưng cũng mang lại không ít phiền toái. Chính vì thế, ứng xử như thế nào với MXH để chúng ta tận dụng được những mặt tích cực, hạn chế được những mặt tiêu cực là bài toán khó đang đặt ra. Thế giới trên MXH vừa là sự phản ánh của thế giới thật, vừa có những đặc điểm riêng của nó, trong đó, tính vô danh của người sử dụng chính là một phần của nguyên nhân.
Về mặt tâm lý, khi chúng ta không phải đối diện với người khác, không bị những ràng buộc về đạo đức, dư luận xã hội hay kể cả luật pháp, ứng xử của chúng ta sẽ khác rất nhiều khi bị chi phối bởi các yếu tố trên. Chính vì thế, chúng ta thấy có rất nhiều “anh hùng bàn phím” ở trên MXH, ở đó người ta có thể đưa ra những lời bàn luận, công kích về rất nhiều chủ đề, đối với rất nhiều người mà không cảm giác mình phải chịu trách nhiệm về những hành vi đó. Những vấn đề về văn hóa ứng xử từ đó mà phát sinh.
Ngoài ra, các nhà cung cấp mạng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn, văn minh, lành mạnh, tạo điều kiện phát triển đất nước, văn hóa và con người Việt Nam. Các nhà cung cấp mạng cần có những giải pháp trong việc tạo ra môi trường tốt, khuyến khích người sử dụng tiếp cận thông tin tích cực, và có biện pháp hạn chế tối đa những thông tin tiêu cực.