Trái cây Việt: Thắng sân khách, thua sân nhà

(ĐTTCO) - Vài năm gần đây, trái cây Việt Nam liên tục ghi được những dấu ấn tích cực trên thị trường thế giới, song ở thị trường nội địa trái cây ngoại lại đang lấn lướt trái cây nội. 
Dấu ấn xuất khẩu
Trái dừa tươi Bến Tre, hiện đang dần hình thành chỗ đứng khá tốt tại thị trường Hoa Kỳ, dù mới được xuất sang từ năm ngoái. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T hào hứng cho biết, hiện nay mỗi tuần công ty xuất khẩu sang Hoa Kỳ 100.000 trái dừa, vượt Thái Lan vốn thống lĩnh thị trường này.
Để tăng kim ngạch xuất khẩu, Vina T&T đang đầu tư thêm nhà máy ở vùng nguyên liệu để có thể xử lý trái dừa tươi với dây chuyền hiện đại. Xuất khẩu dừa tươi sang một thị trường khó tính như Hoa Kỳ, không chỉ giúp gia tăng giá trị cho loại trái cây này, mà còn hỗ trợ bà con nông dân giải bài toán đầu ra, khẳng định tiềm năng xuất khẩu của các loại trái cây Việt Nam. 
 Việc nhập khẩu trái cây từ các nước tăng không phải là trở ngại lớn cho ngành rau, quả trong nước, mà chính là động lực giúp người sản xuất, DN cải thiện quy trình sản xuất, tuân thủ tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm để làm ra sản phẩm chất lượng tốt, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài ngay trên sân nhà. 
Ông NGUYỄN HỮU ĐẠT, 
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Không chỉ dừa, chuối Việt Nam cũng được Hàn Quốc, Nhật Bản đánh giá cao về chất lượng và cạnh tranh về giá thành. Như Hàn Quốc trước đây nhập 100% chuối của Philippines, nay đã bắt đầu quan tâm đến chuối Việt Nam. Theo ông Yoon Byungsoo, Giám đốc chiến lược sản phẩm của Lotte Mart, Hàn Quốc hiện quan tâm các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là trái cây như thanh long, xoài, chuối…
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho biết trong năm 2018 sẽ xuất khoảng 7.000 tấn chuối sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tự tin chuối Việt Nam hoàn toàn cạnh tranh được với bất cứ sản phẩm của quốc gia nào, ông Huy cho hay công ty hiện còn không đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu đặt hàng của đối tác. 
Một loại trái cây khác là thanh long cũng ghi được dấu ấn tích cực khi Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất hiện nay được Australia cấp phép nhập khẩu thanh long. Vốn là một nước nổi tiếng với những quy định vô cùng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, nên để vào được Australia, thanh long Việt Nam trồng theo quy trình canh tác tốt, được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra và cấp mã số; được xử lý bằng hơi nước nóng để diệt dịch hại và được kiểm tra ngặt nghèo về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.
Trái cây Việt: Thắng sân khách, thua sân nhà ảnh 1 Nghịch lý của trái cây Việt khi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng lại khó tiêu thụ trong nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 5-2018 ước đạt 303,1 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nhóm hàng nông nghiệp, kim ngạch rau quả chỉ đứng sau thủy sản và vượt qua mặt hàng cà phê. Tiềm năng phát triển cho trái cây Việt Nam cũng còn rất lớn vì mới chiếm 1% thị phần thị trường trái cây thế giới.
Đặc biệt, ý thức của người nông dân trồng trái cây xuất khẩu cũng đang được cải thiện rất nhiều. Sự phối hợp giữa DN - nông dân - địa phương trong xây dựng vùng trồng, chế biến, xuất khẩu đang ngày càng nhịp nhàng và bài bản hơn. 

Lép vế thị trường nội
Ở chiều hướng ngược lại, trái cây nhập ngoại vẫn đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam, lấn lướt trái cây Việt và chiếm được cảm tình của phần đông người tiêu dùng trong nước.
Theo ước tính giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 5-2018 đạt 119 triệu USD, cộng dồn 5 tháng đạt 575 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2017. 
Có thể dễ dàng bắt gặp tại các siêu thị lớn tràn ngập trái cây ngoại, nhiều loại được đóng bao bì rất đẹp mắt. Như tại Emart (Gò Vấp, TPHCM) những hộp lê, táo Hàn Quốc được đóng gói cẩn thận, trang trọng, loại hộp 3 quả hoặc hộp 6-7 quả có giá từ hơn 100.000 đồng tới dưới 500.000 đồng/hộp. Ngoài ra nhiều loại táo, cam, lê nhập từ Hoa Kỳ, New Zealand, Nam Phi, Ai Cập… với giá vài chục đến hơn 100.000 đồng/ký cũng thu hút người mua. 
Tại nhiều siêu thị khác như Lotte Mart, Big C trái cây ngoại dường như cũng át trái cây nội dù mùa này đang rộ lên nhiều loại trái cây ngon của Việt Nam. Thậm chí tại Coop Mart (Cống Quỳnh, quận 1),  trái cây ngoại được xếp trên quầy kệ đẹp mắt, trong khi nhiều loại trái cây Việt được chất đống gần khu vực bán rau củ. Trong khi táo lê nhập khẩu tươi rói, loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thanh long héo quắt. Không chỉ ở siêu thị, những cửa hàng bán trái cây nhập khẩu cũng mọc lên như nấm sau mưa. 
Vì sao trái cây nhập khẩu ngày càng hiện diện nhiều ở Việt Nam? Trước hết phải khẳng định khi cánh cửa hội nhập rộng mở, trái cây Việt đi tới được nhiều quốc gia cũng đồng nghĩa với trái cây của các nước khác sẽ đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Nghịch lý ở chỗ, trong khi trái cây Việt phải vượt qua nhiều yêu cầu khắt khe của đối tác, chúng ta lại chưa có những chế tài mạnh để truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu.
Bên cạnh đó là tâm lý chuộng trái cây ngoại của người tiêu dùng. Trong khi mùa này bơ, sầu riêng, vải, xoài… đang bày bán khắp nơi với giá hợp túi tiền, vẫn có nhiều người thích mua xoài, sầu riêng, chôm chôm Thái, bơ Chilê, cam Ai Cập, Australia… với giá đắt hơn. Điều này được lý giải do người tiêu dùng lo sợ trái cây trong nước bị ngâm, tẩm hóa chất. 
Điều đáng mừng, trước yêu cầu về chất lượng trái cây nội của người tiêu dùng, một số vùng trồng đã và đang có những thay đổi tích cực. Điển hình như việc trái vải Thanh Hà (Hải Dương) lần đầu tiên được dán tem truy suất nguồn gốc. Đây được coi là bước đột phá của Hải Dương khi thông qua mã code cam kết chất lượng của người trồng. 

Các tin khác