Đặt thầu cao, trúng thầu thấp
Theo thống kê, trong 2 tháng đầu năm, KBNN đã phát hành thành công 32.462 tỷ đồng TPCP, tương ứng 30,92% kế hoạch quý I và 8,12% kế hoạch năm 2022. Thời điểm đó, nhiều nhận định cho rằng dù kế hoạch quý I sẽ phát hành khối lượng khá lớn, nhưng KBNN không vội phát hành bằng mọi giá vì tỷ lệ giải ngân đầu tư công chưa cao. Nhưng bước qua tháng 3, kết quả của các đợt phát hành TPCP cho thấy muốn vội cũng khó.
Ngày 2-3, KBNN tổ chức gọi thầu 3 loại kỳ hạn 10, 15 và 30 năm, với khối lượng gọi thầu lần lượt ở mức 2.000 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu đợt này cao nhất trong cả tháng 3, lần lượt 75%, 50% và 100% đối với 3 kỳ hạn nói trên.
Trong các đợt phát hành tiếp theo, tỷ lệ trúng thầu không như mong đợi dù lượng đặt thầu của nhà đầu tư rất lớn. Ngày 9-3, KBNN tổ chức gọi thầu 4 loại kỳ hạn 5, 10, 15 và 20 năm với các mức 1.000, 2.000, 2.000 và 1.000 tỷ đồng. Kết quả, lượng đặt thầu cho 4 loại kỳ hạn trên lần lượt ở mức 1,85 lần, 2,45 lần, 1,88 lần và 0,33 lần khối lượng gọi thầu. Tuy nhiên, không có lượng trúng thầu nào ở tất cả 4 loại kỳ hạn.
Ngày 16-3, KBNN tổ chức gọi thầu tại 4 loại kỳ hạn 7, 10, 15 và 30 năm với khối lượng gọi thầu lần lượt 500, 2.000, 2.000 và 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu lần lượt 0%, 75%, 50% và 14%. Ngày 23-3, KBNN tổ chức gọi thầu tại 4 loại kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm với khối lượng gọi thầu lần lượt 2.000, 2.000, 1.000 và 1.000 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu lần lượt 75%, 50%, 0% và 4%.
Ngày 30-3, KBNN đã tổ chức gọi thầu với khối lượng 2.000 tỷ đồng cho kỳ hạn 10 năm, 2.500 tỷ đồng cho kỳ hạn 15 năm và 500 tỷ đồng cho kỳ hạn 30 năm. Lượng đặt thầu cho 3 loại kỳ hạn trên lần lượt ở mức 3 lần, 2,26 lần và 2,3 lần khối lượng gọi thầu. Đây cũng là lần gọi thầu thất bại thứ 2 của KBNN trong tháng 3, không có lượng trúng thầu nào ở tất cả 3 loại kỳ hạn.
Với diễn biến như trên, cả quý I, KBNN mới huy động tổng cộng 41.062 tỷ đồng thông qua kênh TPCP, hoàn thành 10% kế hoạch cả năm. Câu chuyện này tiếp diễn ở đầu quý II. Trong 15 ngày đầu tiên của quý này, khối lượng huy động cũng chỉ hoàn thành 10,8% kế hoạch phát hành năm và 1,7% kế hoạch quý.
Năm 2021, tổng khối lượng TPCP huy động đạt 318.213 tỷ đồng, tương đương 98% kế hoạch được giao (324.000 tỷ đồng), trong đó huy động chậm ở quý I và tăng dần ở các quý sau. Song theo giới nghiên cứu thị trường, điều này sẽ khó lặp lại trong thời gian này, khi lãi suất trên thị trường tăng trở lại và tín dụng của nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.
Áp lực tăng lợi suất TP
Về bản chất, TPCP là loại tài sản có tính an toàn cao, khả năng bảo toàn vốn cho khách hàng gần như tuyệt đối. Song tốc độ huy động TPCP thường phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế. Thông thường, khi nền kinh tế xuất hiện khó khăn, TPCP hút hàng do nhu cầu đầu tư vào kênh này tăng mạnh và lợi suất theo đó sẽ giảm.
Ngược lại, khi nền kinh tế phục hồi, TPCP sẽ không hấp dẫn vì vốn sẽ đổ vào các kênh rủi ro, lãi suất TPCP sẽ tăng. Năm 2020 và 2021, nhiều NH không cho vay được đã chuyển sang đầu tư TPCP, dẫn đến tốc độ huy động vốn rất nhanh. Đồng thời, xu hướng giảm của lợi suất TPCP cũng chiếm ưu thế, chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang ở các kỳ hạn ngắn 1, 2 và 3 năm. Sau khi nền kinh tế mở cửa, nhu cầu đầu tư TPCP cũng nhanh chóng bị hãm phanh như diễn biến ở trên.
Trong khi đó, kênh TP doanh nghiệp (TPDN) kể từ năm 2018 đến nay đều duy trì đà bùng nổ dù liên tục bị siết. Nguyên nhân của sự khác biệt này nằm ở điểm lãi suất huy động TPDN rất cao. Sức hấp dẫn này kể cả các nhà băng cũng không bỏ qua. Thế nên nhiều NH đã lách bằng cách làm giúp hồ sơ phát hành và mua lại TPDN, thậm chí đứng ra phát hành để hưởng phí, hoa hồng.
Lúc này, những rủi ro trên thị trường TPDN đang được nhìn nhận và sẽ có sự điều chỉnh. Nhưng vẫn quá sớm để nói phát hành TPCP có hoàn thành kế hoạch hay không. Vì bản thân các nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, điển hình là các NHTM vẫn có nhiều lựa chọn có lợi nhuận cao hơn, như cho vay liên NH, gửi tiền tại các TCTD...
Hơn nữa, nhu cầu mua TPCP vẫn lớn, thể hiện qua việc lượng đặt thầu luôn cao gấp nhiều lần khối lượng gọi thầu. Vì thế, kết quả lượng trúng thầu thấp đồng nghĩa nhà đầu tư đang đòi hỏi mức lãi suất cao hơn đối với sản phẩm này.
Hiện NHTƯ các nước đang tiến tới thu hẹp dần các chương trình nới lỏng đẩy lợi suất TP kho bạc tăng nhanh. Trong nước, mặt bằng lãi suất liên NH liên tục nhích lên, cao hơn đáng kể so với bình quân các năm 2020-2021.
Trên thị trường 1, các NH đang phải tăng lãi suất huy động để cải thiện thanh khoản, tăng nguồn lực tín dụng phục vụ nền kinh tế. Do tính chất nhạy cảm với thanh khoản liên NH, lợi suất TPCP, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn đang chịu áp lực tăng rất lớn.
Theo các chuyên gia, hiện trên thị trường TPCP các NHTM có vốn nhà nước vẫn đang đóng vai trò bà đỡ, mua TPCP để giữ lợi suất tăng vừa phải. Hơn nữa trong quý đầu năm, áp lực phát hành chưa quá nặng nề đối với KBNN do tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn tương đối thấp.
Nhưng nếu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, áp lực huy động TPCP sẽ tăng lên. Khi đó, lợi suất TPCP chắc chắn sẽ tăng.
Kết quả lượng trúng thầu thấp đồng nghĩa nhà đầu tư đang đòi hỏi mức lãi suất cao hơn đối với sản phẩm này. |