Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, trong tháng 5-2021, có 46 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 28.140 tỷ đồng.
“Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng sẽ duy trì xu thế tăng trong những tháng tới, nhờ các doanh nghiệp đủ điều kiện đẩy mạnh kênh phát hành ra công chúng nhằm tiếp cận nguồn vốn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư khác theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp”, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định.
Trong số đó, doanh nghiệp bất động sản là tích cực nhất nhằm thay thế phần nào nguồn vốn từ kênh tín dụng ngân hàng đang chịu sức ép kiểm soát chặt chẽ từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Chỉ trong tháng 4, các doanh nghiệp bất động sản huy động được 12.480 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu, chiếm tỉ trọng 29,6%. Các doanh nghiệp bán trái phiếu tiêu biểu là Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill (5.760 tỷ đồng), BCG Land (2.500 tỷ đồng). Lãi suất trái phiếu bất động sản khá cao, dao động trong khoảng 9-12%/năm.
Ngược lại với bất động sản, lãi suất trái phiếu các ngân hàng ở mức thấp, dao động từ 3,7-6,9%/năm. Đứng thứ 3 là nhóm tập đoàn đa ngành khi phát hành 11.607 tỷ đồng. Toàn bộ giá trị này thuộc về Vingroup, khi bán lô trái phiếu ra thị trường quốc tế có quy mô 500 triệu USD.
Môi trường lãi suất thấp đang là động lực thúc đẩy cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng. So với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 năm khoảng 5,5-6%, lãi suất nhận được khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có thể cao gấp đôi. Giữa lúc lạm phát đang tăng vọt, kênh đầu tư trái phiếu cũng trở thành lựa chọn khá hấp dẫn cho những nhà đầu tư, người dân và các tổ chức có dòng tiền nhàn rỗi.
Trong phần còn lại của năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục sôi động khi nhiều doanh nghiệp đang khát vốn. Sàn thương mại điện tử Tiki, chẳng hạn, vừa gọi được 1.000 tỷ đồng trái phiếu thông qua đợt phát hành riêng lẻ. Tập đoàn Đất Xanh công bố kế hoạch phát hành tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế. Mục đích nhằm rót thêm vốn vào công ty con là Bất động sản Hà An để bổ sung vốn đầu tư cho một dự án chiến lược ở Long Thành.
Có thể thấy trái phiếu doanh nghiệp là mảnh ghép còn thiếu cho một thị trường tài chính phát triển hoàn thiện và đa dạng hơn. Thực tế, ở nhiều nước, giá trị vốn hóa của thị trường trái phiếu luôn cao hơn nhiều so với cổ phiếu.
Ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 15,75% GDP. Trong khi đó, quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt 84,3% GDP. Dư địa để thị trường trái phiếu tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới là hoàn toàn khả khi.
Nhưng để thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh và bền vững hơn, quy trình giám sát, kiểm soát rủi ro cần tiếp tục cải thiện.
Sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong khoảng 2 năm gần đây đã khiến Chính phủ liên tục ban hành những quy định để quản lý chặt chẽ hơn. Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), các quy định mới yêu cầu trái phiếu riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Điều này buộc doanh nghiệp phải cân nhắc, tính toán lại để phát hành ra công chúng nhằm tiếp cận phạm vi nhà đầu tư lớn hơn. Trái phiếu phát hành ra công chúng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, cấp phép thông hành phù hợp công ty đại chúng có quy mô, tình hình tài chính mạnh, sẵn chuẩn công bố thông tin chuẩn mực cao.
Hiện Bộ Tài chính đã công bố quy trình thành lập các tổ chức cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời, từ đầu năm 2023, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch.
Vì vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2021 có thể sẽ hạ nhiệt so với năm 2020. Tuy nhiên, chất lượng trái phiếu sẽ được nâng cao, tránh rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân