Thực ra đây vẫn là một kết quả tích cực, nếu nhìn lại những khó khăn của nền kinh tế cũng như những lực cản vĩ mô, như tốc độ tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch, hậu quả của “bong bóng” trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) , cho tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty niêm yết kém khả quan.
Ổn định để tích lũy
Nếu nhìn từ các diễn biến ngắn hạn và cơ hội kinh doanh trên TTCK năm 2023, nhà đầu tư (NĐT) không hẳn thất vọng. Suốt cả quý I-2023, các nhà phân tích vẫn hết sức lo ngại về thị trường trong năm, và không mấy người tin thị trường đã tạo đáy cuối tháng 11-2022 ở mức thấp nhất 873,87 điểm của chỉ số VN Index, thậm chí có quan điểm đánh giá nguy cơ thị trường thủng ngưỡng 800 điểm.
Điều này hoàn toàn hợp lý ở thời điểm đó, sau khi “bong bóng” TPDN “nổ” khiến TTCK sụt giảm hơn 40% năm 2022, trong đó đặc biệt là nhịp điều chỉnh tới trên 30% chỉ trong quý IV-2022 sau cú sốc mang tên “Tân Hoàng Minh”, làm rúng động toàn bộ thị trường TPDN. Ám ảnh lớn nhất năm 2023 được cho là áp lực đáo hạn hàng trăm ngàn tỷ đồng TPDN cũng như sự đổ vỡ tiềm tàng của thị trường bất động sản thương mại, kéo theo là những hệ quả nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng.
Với xuất phát điểm khá “u ám” cho năm 2023, TTCK vẫn có một nhịp tăng bùng nổ hơn 20% trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9-2023, là một diễn biến thuận lợi bất ngờ cho các NĐT. Ngay cả với những năm nền kinh tế vĩ mô thuận lợi, TTCK cũng hiếm khi có được một sóng tăng mạnh như vậy.
Động lực đằng sau đó là chính sách hạ lãi suất cấp kỳ để kích thích nền kinh tế. Chỉ trong vòng 3 tháng có tới 4 lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Chính sách nới lỏng tiền tệ dứt khoát và mạnh tay này đi ngược với hầu hết các ngân hàng trung ương khác, vốn đang trong tiến trình tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
TTCK Việt Nam được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ “chính sách ngược” này, và đó là cơ hội kiếm lợi hiếm hoi giữa bối cảnh bất lợi chung. Rất nhiều cổ phiếu đã tăng 50% tới 70% trong giai đoạn từ tháng 5-2023 tới tháng 9-2023, thậm chí nhiều cổ phiếu đầu cơ tăng giá gấp đôi. Ở thời điểm kết thúc năm 2023 khi nhìn lại diễn biến này, việc VN Index cả năm chỉ tăng khoảng 12% không phải là kém, mà là phù hợp, thậm chí tích cực.
Trong ngắn hạn biến động giá cổ phiếu chịu tác động chính từ cung cầu, nhưng trong dài hạn, bức tranh nền vĩ mô vẫn là yếu tố quyết định. Hàng loạt những chỉ số tăng trưởng kém khả quan năm 2023 đưa TTCK về thực tại.
Đó là mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,05%, kém xa mục tiêu 6,5%; tăng tưởng tín dụng chỉ khoảng 10%, kém xa mục tiêu 14%; chỉ số PMI có tới 10 tháng dưới mốc 50 điểm - ngưỡng phản ánh sự co hẹp của hoạt động sản xuất kinh doanh; tổng lợi nhuận lũy kế 9 tháng năm 2023 của các DN niêm yết giảm -15,8% so với cùng kỳ năm trước.
Khi trở lại thực tại, việc thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh gần 19% từ tháng 9 tới tháng 11-2023, sau đó hồi phục nhẹ và đi ngang trong tháng 12-2023, chính là hệ quả bình thường của nhịp tăng “bất thường” trước đó. Nếu bỏ qua nhịp tăng trưởng 5 tháng giữa năm 2023, thì nhìn chung TTCK chỉ đi ngang và tích lũy trong năm. Đó là diễn biến phù hợp với bức tranh vĩ mô còn nhiều màu xám.
Cơ hội bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới
Diễn biến dài hạn của TTCK nói chung mang tính chu kỳ phù hợp với sự vận động của nền kinh tế. Các chu kỳ thường kéo dài nhiều năm và quá trình chuyển tiếp chu kỳ cũng vậy.
Những chu kỳ này giống như một chiếc xe vận tải hạng nặng, mỗi khi thay đổi tốc độ luôn cần thời gian, không giống như các đợt sóng đầu cơ ngắn hạn vốn có thể “vọt” như những chiếc xe thể thao 2 chỗ ngồi. Chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng là tín hiệu của các chu kỳ vận động của nền kinh tế.
Khi nhìn vào tín hiệu này, Việt Nam đã đi trước hầu hết các quốc gia khác. Sau đợt tăng nóng lãi suất cuối năm 2022, chính sách tiền tệ đã đảo ngược từ tháng 3-2023 với các đợt giảm lãi suất liên tục đến cuối tháng 5-2023. Mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh, lãi suất cho vay giảm chậm hơn, nhưng cũng đang đi xuống.
Đợt giảm lãi suất cấp kỳ này đã dẫn đến hệ quả khá tiêu cực trong năm 2023 là đồng VNĐ giảm giá, đồng USD tăng cao và dòng vốn đầu tư gián tiếp rút mạnh khỏi TTCK Việt Nam. Tuy nhiên áp lực này đã giảm đi sau khi Fed dừng tăng lãi suất từ tháng 10-2023.
Nhìn rộng ra thế giới, chu kỳ thắt chặt tiền tệ cũng đã đi đến thời khắc đỉnh điểm, sau khi Fed dừng tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương khác cũng dừng tăng. Những dự báo giảm lãi suất trong năm 2024 bắt đầu xác nhận kịch bản đảo ngược chu kỳ chính sách sang nới lỏng.
Đặc biệt Trung Quốc cũng đã gia nhập nhóm giảm lãi suất những tháng cuối năm 2023. Khả năng cao từ năm 2024 trở đi, Việt Nam cũng “thuận đường” chính sách cùng các quốc gia khác. Khắp thế giới cùng bước vào giai đoạn kích thích tăng trưởng sẽ là điều kiện rất thuận lợi cho TTCK.
Sau mức tăng trưởng khá thất vọng năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo sẽ tăng tốc. Các tổ chức trong và ngoài nước đều đặt niềm tin vào tăng trưởng năm 2024 sẽ tốt hơn 2023, trong khoảng 6% tới 7%. Các dự báo lợi nhuận DN niêm yết trong năm 2024 cũng kỳ vọng mức tăng trưởng trong khoảng 16-18% so với 2023.
Thị trường TPDN sau những quyết sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 cũng đã “hạ cánh mềm”, tránh được những đổ vỡ. Hoạt động mua lại, đàm phán gia hạn được thực thi tích cực, thậm chí nhiều DN bất động sản đã sạch nợ TP.
Mặc dù hậu quả của hàng trăm ngàn tỷ đồng TPDN đáo hạn vẫn sẽ còn đó, nhưng tác động dây chuyền và rủi ro đã giảm đi đáng kể, không còn là ác mộng đối với thị trường nữa.
Chính sách nới lỏng tiền tệ dứt khoát và mạnh tay của NHNN đi ngược với hầu hết các NH trung ương khác, vốn đang trong tiến trình tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Và TTCK Việt Nam được hưởng lợi trong ngắn hạn nhờ “chính sách ngược” này, đó là cơ hội kiếm lợi hiếm hoi giữa bối cảnh bất lợi chung.