Nhộn nhịp phát hành
Trong một báo cáo thị trường tiền tệ tuần 27-12 đến 31-12-2021, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research, cho biết trong thời gian này NHNN bơm ròng 10.540 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 14 ngày trên thị trường mở, lãi suất 2,5%/năm, trong đó giao dịch tập trung ngày cuối cùng của tuần (9.980 tỷ đồng). Giới phân tích thị trường cho rằng, diễn biến này xảy ra dưới áp lực của việc thiếu hụt thanh khoản cục bộ giai đoạn cuối năm.
Như ĐTTC đã có bài phản ánh thanh khoản hệ thống NH đang vào thời kỳ “không bình yên”, tăng trưởng tín dụng đã bứt phá, đạt đến 12,68% tại ngày 20-12-2021. Trong khi đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến ngày 24-12-2021 mới tăng 8,44%. Sự chậm nhịp của huy động so với tín dụng là nguyên nhân dẫn đến tình huống NHNN bơm tiền.
Thực tế phần lớn thời gian của năm 2021, lãi suất huy động duy trì xu hướng giảm vì những tháng đầu năm NH không cho vay ra được, nên cũng không cần hút mạnh vốn đầu vào. Lãi suất huy động 12 tháng đã giảm xuống mức thấp nhất lịch sử.
Song từ tháng 11, lãi suất huy động có dấu hiệu tăng và đến tháng 12 đã bật tăng ở nhiều NH. Như vậy, ngoài việc vay NHNN trên thị trường 2, nhiều nhà băng đã gia nhập đường đua huy động, thông qua tăng lãi suất huy động trên thị trường 1.
Dù vậy, kênh tiết kiệm vẫn chưa thoát khỏi thế bị cạnh tranh mạnh từ kênh chứng khoán, bất động sản, vì các NH nâng lãi suất thêm 0,3-0,5% cũng chưa tạo sự hấp dẫn. Các NH đã tung chiêu chạy nước rút thông qua đẩy mạnh phát hành TP để huy động vốn, giá trị phát hành lên đến hàng ngàn tỷ đồng mỗi đợt và tần suất ngày càng dày.
Gần đây, cứ vài ngày lại xuất hiện nhà băng công bố phát hành TP. Chẳng hạn, LienVietPostBank thông báo từ ngày 11-12 chào bán 40 triệu TP, được chia thành 2 đợt (quý IV-2021 và quý I-2022) với 2 loại TP kỳ hạn 7 năm và 10 năm. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá 4.000 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 12, NHTMCP Bản Việt phát hành 25 triệu TP ra công chúng có tổng mệnh giá 2.500 tỷ đồng với 5 đợt phát hành. Agribank phát hành 2 triệu TP kỳ hạn 7 năm với tổng giá trị dự kiến 2.000 tỷ đồng. BIDV chào bán 90 triệu TP với mệnh giá 100.000 đồng/TP theo 2 đợt để huy động 9.000 tỷ đồng…
Căng thẳng nói trên không chỉ thể hiện trên kỳ hạn huy động, còn thể hiện trên lãi suất. Trong kế hoạch nói trên, VietCapital Bank thông báo mức lãi suất cố định lên tới 8,5%/năm cho kỳ hạn 7 năm trong đợt phát hành thứ nhất, dự kiến lãi suất 4 đợt phát hành sau tối đa 9%/năm. LienVietPostBank công bố lãi suất TP kỳ hạn 7 năm 7,425%/năm, TP kỳ hạn 10 năm 7,725%/năm.
Tại Agribank, lãi suất TP cao hơn 1-1,2%/năm so với bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của 4 NH gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank, trái chủ nhận lãi định kỳ 6 tháng/lần… Việc nhà băng không chỉ đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường 1 và 2, còn tạo sóng lớn trên kênh TP, cho thấy nhu cầu vốn của các NHTM hiện tại rất lớn.
Liệu có minh bạch?
So với huy động vốn, phát hành TP là giải pháp xử lý nhanh nhiều vấn đề. Đầu tiên phải nhắc đến nhu cầu phát hành TP để tăng vốn cấp 2, nhằm đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, bởi tín dụng tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu. Đây luôn là nhu cầu thường trực của các NH bên cạnh việc tăng vốn cấp 1.
Trong 11 tháng năm 2021, ghi nhận ở nhóm NH có 46.500 tỷ đồng TP tăng vốn cấp 2 (chiếm 27% tổng khối lượng phát hành). Nguyên nhân nữa là các NH phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các Thông tư 01/2020, 03/2021 và 14/2021, với giá trị giãn, hoãn nợ lũy kế đến 20-12-2021 khoảng 607.000 tỷ đồng.
Trong kế hoạch phát hành 9.000 tỷ đồng TP, BIDV cho biết mục đích phát hành để tăng quy mô vốn hoạt động của NH, tạo thêm kênh thu hút vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đầu tư đa dạng của khách hàng, đảm bảo sự bền vững nguồn vốn của NH. Số tiền thu được từ phát hành TP sẽ được sử dụng cho vay nền kinh tế đối với nhiều ngành nghề như sản xuất, phân phối điện, công nghiệp, thương mại công nghiệp… Còn Agribank huy động vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vốn vay, bổ sung nhu cầu vốn cho vay đối với lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp nông thôn, thủy hải sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Vậy NH ồ ạt phát hành TP hàng ngàn tỷ đồng, ai là người mua? Các bản công bố thông tin phát hành TP của NH đều cho thấy bên mua chủ yếu là các NH và công ty chứng khoán (CTCK). Thống kê của Fiin Group cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2021, các NH là nhóm nhà đầu tư mua TP chính với 56% tổng giá trị phát hành. Các NH mua TP có thiên hướng nắm giữ, còn các CTCK mua vào rất mạnh nhưng sau đó bán ra, hầu hết cho nhà đầu tư thứ cấp. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các CTCK đã phân phối ra thị trường khoảng 70.000 tỷ đồng.
Điều đáng lo, hiện tượng NH mua lẫn nhau nếu diễn ra phổ biến sẽ có rủi ro trong tương lai. Lãi suất TP càng ngày càng cao, lượng phát hành ngày càng lớn, nếu các NH mua bán TP của nhau sẽ khiến dòng vốn chảy lòng vòng trong hệ thống và hậu quả là không minh bạch được dòng vốn. NH cần tiền bổ sung vốn trung và dài hạn là có thật nên phải liên tục huy động vốn từ thị trường 1, từ TP. Nhưng việc NH sở hữu TP lẫn nhau sẽ khó phân biệt được NH đang hút vốn nhằm bổ sung vốn trung và dài hạn để cho vay, hay phát hành TP chỉ là thủ thuật để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định.
Việc các NH sở hữu TP lẫn nhau sẽ khó phân biệt NH đang hút vốn nhằm bổ sung vốn trung và dài hạn để cho vay, hay phát hành TP là thủ thuật để đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn theo quy định. |