Nguyên cớ được viện ra nào là do thiếu nhân viên, chậm nhập hàng, có cây xăng đã được Sở Công Thương cho phép đóng cửa… Thế là lại điện chỉ đạo khẩn cấp, ra quân tức tốc kể cả thời khắc thiêng liêng nhất trong năm…
Những ngày gần đây nghe phong thanh giá xăng nhấp nhổm (và thực tế từ 19 giờ ngày 30-1 giá xăng đã tăng gần 1.000 đồng mỗi lít, sớm hơn 2 ngày so với chu kỳ thông thường), danh sách trên sẽ kéo dài, càng khẩn cấp.
Trong bối cảnh ấy, chuyện xăng dầu mà nóng hổi là điều hành giá xăng dầu vẫn lình xình càng đáng ngại. Dù rằng đã rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá từ 15 ngày xuống 10 ngày, rồi sẽ còn 7 ngày, vẫn chưa “ngon”. Ấy là chưa kể kỳ đó đúng ngày nhạy cảm lại phải xê dịch, nhưng cũng có lúc chẳng kiêng dè, đúng giờ thiêng 0 giờ ngày 1-1-2023, xăng lại tăng giá, làm cho những mắc mớ vốn âm ỉ trong điều hành giá xăng như được tiếp thêm mồi lửa càng phừng phừng lò bát quái.
Chuyện điều hành giá xăng dầu lâu nay do Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cùng làm, đã có phen cơm không lành, canh chẳng ngọt. Đến năm 2022, bùng phát bung xung về xăng dầu không chỉ giá mà bục ra ở tất cả khâu: nhập khẩu, lọc hóa dầu, dự trữ quốc gia, phân phối, chiết khấu, cây xăng…, khiến sự ấm ức như cây kim trong bọc lâu ngày phải lòi ra. “Quả bóng” giá xăng đang được đá đi, chuyền lại.
Đối với dân tình, chuyện xăng dầu đã chai sạn. Giá xăng lên đã xót, lúc hạ xuống đợi được rót cũng cực. Vin cớ giá xăng tăng, giá mọi thứ đồng khởi, lúc giá xuống thì án binh bất động. Vả lại bây giờ mua xe máy rẻ hơn xe đạp thời bao cấp. Sắm ô tô ngày nay cũng bèo hơn tậu xe máy bãi rác. Cuộc sống hối hả trăm thứ cần lo, ngàn điều phải tính, hơi sức đâu nghĩ đến lít xăng, càng chẳng cần biết việc điều hành giá, chỉ mong khi cần đổ xăng tới cây xăng không thấy biển “Hết xăng”.
Xăng dầu không chỉ liên đới đến 2 bộ Công Thương và Tài chính. Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học-Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu... Việc khai thác, lọc hóa dầu, bán xăng dầu cũng có chủ quản. Việc quản lý giá thuộc quyền 2 bộ Công Thương và Tài chính…
Từ ngày có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), xăng dầu có thêm “bảo mẫu”. Nhưng chuyện lình xình về giá vẫn xảy ra, không võ đoán cho rằng là do xung đột về lợi ích, trách nhiệm giữa 2 bộ điều hành, mà sâu xa vẫn do cái “xiềng” mệnh lệnh hành chính đã lỗi thời, nhưng gỡ thì vẫn như gà mắc tóc.
Xung quanh việc định giá bán lẻ xăng dầu đã có đề xuất. Theo đó, việc có thể làm ngay là để doanh nghiệp tự quyết giá bán xăng dầu, Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế. Được biết đây là một trong những điểm mới được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, đang được trưng cầu.
Theo quy định hiện hành, Nhà nước đưa ra giá cơ sở để làm căn cứ điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, mức giá điều hành do Nhà nước công bố giống như giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ. Song thực tế cho thấy, lâu nay việc quy định giá cơ sở theo một công thức cố định với các chi phí được tính dựa trên chi phí bình quân do các doanh nghiệp báo cáo, không phản ánh đúng thực tế của từng doanh nghiệp, cũng như những phát sinh họ phải bỏ ra.
Quay lại chuyện “quả bóng” giá xăng dầu được đá đi, chuyền lại vì nội tình đầy cảm xúc. Người này bảo giao về Bộ Công Thương để gọn một mối, người kia nói về Bộ Tài chính mới tròn vai. Lý lẽ nào cũng thuyết phục, song sự đời lại khác.
Vì có công ra chỉ thị và thúc giục ra quân vừa qua, Bộ Công Thương hoan hỷ dịp Tết Quý Mão, việc cung ứng vật tư nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống phong phú, giá cả được kiểm soát hợp lý. Sau Tết thị trường trở lại bình thường, giá ổn.
Cũng với đề tài này, Bộ Tài chính liên tục đưa tin tình hình cung cầu hàng hóa và giá cả các mặt hàng tiêu dùng trong những ngày Tết rất sáng sủa, cho rằng là hệ quả của việc điều hành, quản lý giá thị trường. Từ đó khẳng định công tác quản lý, điều hành giá cần thực hiện một cách chủ động, linh hoạt xuyên suốt năm 2023.
Đúng là “Khi vui thì vỗ tay vào”. Nhưng đó chỉ là hàng hóa thông dụng, còn giá xăng dầu thì lại ghẻ lạnh, dù nguồn thu từ xăng dầu liên quan lập tức, to đùng với ngân khố quốc gia. Ẩn ý chỉ có người trong chăn mới rõ hay là bởi 2 bộ này “Cùng hội mà chẳng cùng thuyền”.
Thế là đẩy cấp trên phân vai trách nhiệm bộ nào sẽ quản lý giá xăng dầu vào thế khó. Để một nơi thì lo độc quyền, thiên vị. Giao hai chốn lại sợ cha chung, quanh năm phải giảng hòa. Thật là “Ngổn ngang bên nghĩa bên tình/ Dầu xăng đâu biết phận mình nơi nao”.
Để một nơi thì lo độc quyền, thiên vị. Giao hai chốn lại sợ cha chung, quanh năm phải giảng hòa. Thật là “Ngổn ngang bên nghĩa bên tình/ Dầu xăng đâu biết phận mình nơi nao”.