Hôm qua 14-11, chốt lại chương trình chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (ảnh) thay mặt Chính phủ báo cáo thêm một số vấn đề điều hành kinh tế - xã hội, nêu hướng tháo gỡ các “nút thắt” đối với nền kinh tế hiện nay. Thủ tướng khẳng định năm 2013 Chính phủ sẽ kiên trì các giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tạo đột phá trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm và bảo đảm tăng trưởng.
Đẩy mạnh tổng cầu để giảm tồn kho
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tồn kho cao, nợ xấu lớn trong điều kiện tổng cầu giảm đang là những “nút thắt” trong nền kinh tế. Nghị quyết 13 năm 2012 của Chính phủ tuy có những tác động tích cực nhưng chưa đủ mức, cần có những giải pháp mạnh hơn cả về cơ chế chính sách và nguồn lực.
Theo đó, giải pháp đầu tiên để giải quyết hàng tồn kho là tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể sẽ mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các công trình trong kế hoạch đầu tư năm 2012, sẽ phân bổ ngay vốn và đẩy nhanh tiến độ các dự án trong kế hoạch 2013, tập trung cho những dự án tạo sức lan tỏa lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh sinh viên; thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng, sắt thép cho việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông, thủy lợi ở nông thôn, nhà ở cho hộ nghèo...
Thủ tướng cũng khẳng định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu từ ngày 1-7-2013; đồng thời tìm mọi giải pháp cân đối nguồn để khi có điều kiện tiếp tục tăng lương theo sát lộ trình cải cách, ưu tiên các đối tượng chính sách, người có thu nhập thấp, nhằm giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống và kích cầu tiêu dùng.
Để mở rộng thị trường, Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến bán hàng, coi trọng bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn. Để bảo đảm hiệu quả cho chương trình này, phải xây dựng tiêu chí hỗ trợ có tính đến kết quả đầu ra. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.
Quản lý chặt việc buôn bán qua biên giới. Tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu dưới mọi hình thức, nhất là từ nay đến dịp Tết Nguyên đán. Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng.
Cấp bách xử lý nợ xấu
Trong khi chưa bỏ được quy định về trần lãi suất huy động, sẽ tiếp tục mở rộng việc áp trần lãi suất cho vay đối với một số sản phẩm và khu vực ưu tiên. Tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và cho hộ nông dân vay tín chấp; phát huy vai trò các đoàn thể nhân dân ở nông thôn trong việc bảo lãnh cho vay và thu hồi nợ. Xem xét áp dụng các biện pháp về thuế, phí và các gói hỗ trợ ngay trong nửa đầu năm 2013 với mức độ lớn hơn, thời gian dài hơn để giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp. | |
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG |
Về vấn đề nợ xấu, Thủ tướng nhấn mạnh: “Xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách, cần thực hiện khẩn trương, quyết liệt nhưng phải có lộ trình phù hợp, quy trình chặt chẽ và theo hướng: chỉ đạo tập trung, hành động theo nhiều tuyến, bằng nhiều giải pháp, kể cả việc giải phóng hàng tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh”.
Để xử lý nợ xấu theo định hướng trên, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, rà soát đánh giá lại chính xác tổng mức nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu (theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản...).
Thứ hai, các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại nợ với các hình thức thích hợp, trích lập đủ quỹ dự phòng rủi ro và sử dụng quỹ này để xử lý nợ xấu. Thứ ba, tổ chức tín dụng (chủ nợ) và doanh nghiệp có nợ phải khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy dù phải sử dụng nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu nhưng không thể không có vai trò của Nhà nước.
Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thành lập công ty mua bán nợ, ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở cho việc xử lý nợ xấu, xác định rõ cơ chế hoạt động của công ty này phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và có tham khảo thông lệ quốc tế.
Một trong những trọng tâm cần tập trung xử lý là nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách. Hiện nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 90.000 tỷ đồng; trong đó, nợ các dự án đã hoàn thành khoảng 20.000 tỷ đồng, nợ các dự án chuyển tiếp gần 70.000 tỷ đồng.
Chính phủ đã yêu cầu các địa phương lập phương án cụ thể để khẩn trương xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản thuộc các dự án do địa phương quyết định, giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong cả nước. “Với các giải pháp đồng bộ như vậy, phấn đấu đưa mức nợ xấu về khoảng 3-4% vào cuối năm 2015” - Thủ tướng nói.
Phá băng bất động sản
Bất động sản, đặc biệt nhà ở, là một loại hàng tồn kho đặc biệt, liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu. Do quản lý yếu kém, thiếu quy hoạch, kế hoạch phù hợp nên thị trường nhà ở phát triển quá nóng, cơ cấu không hợp lý và tình trạng đầu cơ làm dư thừa nguồn cung, nhất là loại nhà ở cao cấp, vượt quá khả năng của phần lớn người có nhu cầu mua nhà để ở.
Trong bối cảnh phải thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, tổng cầu giảm, làm thị trường bất động sản bị đóng băng, kéo theo tồn kho lớn về vật liệu xây dựng, Thủ tướng cho biết giao một phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính... phối hợp với các địa phương đánh giá đúng thực trạng và có phương án cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Thời gian tới sẽ xem xét ban hành các chính sách mới, như mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết với chủ dự án để cung cấp tín dụng dài hạn cho người có nhu cầu mua nhà để ở. UBND các tỉnh, thành phố tìm nguồn vốn phù hợp để mua lại các khu nhà làm nhà tái định cư, nhà ở xã hội, ký túc xá sinh viên...
Bên cạnh đó, sẽ rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp và yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện. Cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán để đáp ứng nhu cầu và khả năng thanh toán của nhiều đối tượng dân cư.
Một giải pháp khác được Thủ tướng nhắc tới là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài nhằm tăng thêm nhu cầu văn phòng làm việc, căn hộ cho thuê; nghiên cứu điều chỉnh chính sách bán nhà cho các đối tượng là người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
“Giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và phải được tiến hành đồng thời với các giải pháp đồng bộ. Chính phủ coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.