Thế nhưng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng hay không phụ thuộc vào mức độ thực hiện chương trình có đạt được mục tiêu, có thật sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế. Thực tế, tiến độ và hiệu quả thực hiện chương trình đang khiến các chuyên gia và đại biểu Quốc hội rất nóng ruột.
Ngay chính Chủ tịch Quốc hội cũng phát thốt lên: “Chúng tôi rất lo ngại vì chúng ta chỉ giải ngân trong 2 năm (gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình), nay đã nửa năm, tình hình triển khai gói này rất chậm”.
Thực tế chương trình với quy mô rất lớn, lên tới gần 350.000 tỷ đồng, được coi như “phao cứu sinh” vực dậy nền kinh tế. Theo tính toán của Chính phủ, chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.
Và theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu chính sách này phát huy hết hiệu quả sẽ giúp lạm phát giảm khoảng 1%. Trong khi đó, theo đánh giá nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, nếu thực hiện hiệu quả, các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023, nếu thực hiện kém hiệu quả, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 30% năm 2022 và 40% năm 2023.
Dường như đang có sự lúng túng trong việc thực hiện chương trình. Minh chứng là cho đến nay mới chỉ có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế trước bạ ô tô... được thực hiện. Còn nhiều chính sách đến nay mới dừng lại ở việc rà soát hoặc đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến, như chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022; hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... Như vậy chính sách có tốt mà chậm được thực hiện sẽ mất ý nghĩa hoặc giảm tác động, giảm hiệu quả.
Nền kinh tế đang cần tăng trưởng, doanh nghiệp đang cần hỗ trợ, nhiều ngành đang cần được kích thích, được thúc đẩy để phục hồi. Trong đó tăng trưởng trông đợi nhiều ở vốn đầu tư công. Nhưng đầu tư công vẫn rất chậm chạp, đến thời điểm tháng 5 chương trình vẫn chưa giải ngân được đồng nào vốn đầu tư công.
“Các gói đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa rất lớn, nhưng nếu chậm trễ triển khai sẽ khiến chi phí tăng, từ đó tác động lan tỏa sang những ngành/lĩnh vực khác cũng sẽ không đạt kỳ vọng” - TS. Nguyễn Quốc, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nói.
Thực tế đến nay cũng cho thấy, thực hiện thành công, hiệu quả, khả năng hấp thụ của chương trình là thách thức lớn nhất. Một chương trình mà chính sách đột phá, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân được thực hiện từ tháng 2, nhưng đến nay vẫn có sự chưa thống nhất giữa các bộ/ngành/địa phương trong việc đối chiếu, xác định cụ thể hàng hóa dịch vụ được hưởng giảm thuế giá trị gia tăng cũng như việc xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng.
Để thực hiện thành công chương trình, trước hết phải khẩn trương hoàn thành các hướng dẫn, để kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến người dân và doanh nghiệp. Yêu cầu quan trọng để đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng là phải hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nói: “Nếu gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng dùng không đúng, không trúng, sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với người dân”.