Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã khép lại nhưng những vấn đề đã được phân tích, mổ xẻ, xới ra về kinh tế - xã hội đất nước tại nghị trường kỳ họp này chưa dừng lại, tiếp tục là những vấn đề nóng, cần triển khai hành động quyết liệt mới có thể tạo ra chuyển biến thật sự trong thực tế.
Khác với các kỳ họp trước, các nghị quyết kết thúc kỳ họp chỉ mang tính định tính về các mục tiêu vĩ mô, lần này, Nghị quyết của Quốc hội đã chỉ rõ những điểm yếu cần khắc phục và giao nhiệm vụ với các “tư lệnh ngành” khá cụ thể, đề ra thời hạn thực thi.
Cụ thể, Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương phải có các biện pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, đảm bảo sang năm 2013 hàng tồn kho giảm dần; rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện, trong đó xác định rõ các thủy điện nào phải dừng hoặc phải điều chỉnh...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng phải tập trung giải quyết tình trạng đóng băng thị trường bất động sản, xử lý đất bỏ hoang, nợ xấu; giải quyết vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở cho sinh viên, người thu nhập thấp.
Thống đốc NHNN Việt Nam ngay trong năm 2013 phải tạo cho được chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đảm bảo cung ứng vốn cho các ngành sản xuất; tiếp tục kiềm chế lạm phát; nâng cao chất lượng hoạt động các ngân hàng, công ty tài chính và giải quyết nợ xấu, giảm nợ xấu...
Vấn đề nóng - khiếu kiện đất đai, nghị quyết cũng đã đề ra giải pháp khá cụ thể: Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước theo thẩm quyền chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai trong phạm vi quản lý để giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố công khai kết quả giải quyết, không để khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người...
Chưa bao giờ nền kinh tế bộc lộ nhiều khó khăn như hiện nay. Tăng trưởng kinh tế 2012 có xu hướng tăng dần qua các quý, nhưng tính chung cả năm dự ước cũng chỉ khoảng 5,2%, không đạt được mục tiêu đề ra (6% - 6,5%), là mức thấp nhất tính từ năm 2000 đến nay.
Năm 2013, Quốc hội thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP 5,5%, cao hơn năm 2012, nhưng trong bối cảnh cuối năm sức mua thị trường vẫn rất yếu, chỉ số CPI thấp - là điều chưa có tiền lệ, cảnh báo nền kinh tế vẫn đối mặt với trì trệ, suy giảm. Không ít các chuyên gia cho rằng chỉ tiêu tăng trưởng năm 2013 5,5% là khó khả thi nếu không giải tỏa được những điểm nghẽn trong nền kinh tế mà Quốc hội đã chỉ ra, kết luận.
Nhìn toàn cục, những khó khăn nền kinh tế hiện nay là do tích tụ những yếu kém từ trước, nay bộc lộ rõ. Năm 2011, do lạm phát tăng cao Nhà nước ưu tiên kiềm chế lạm phát, NHNN thắt chặt tín dụng, có thời điểm lãi suất huy động lên tới 20%, cho vay tới 25%/năm khiến doanh nghiệp kiệt quệ.
Theo ước tính, năm 2011 các doanh nghiệp phải trả 400.000 - 500.000 tỷ đồng (tăng so năm trước 200.000 - 300.000 tỷ đồng) lãi vay. Chi phí vốn tăng cao cộng với môi trường và thị trường kinh doanh thu hẹp là tác nhân dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp phá sản trong năm 2012.
Các doanh nghiệp hiện còn hoạt động ước tính số thua lỗ lên đến 50%. Theo số liệu thống kê, tính chung có khoảng 100.000 doanh nghiệp phá sản trong 2 năm qua. Điều đáng lo là xu hướng này vẫn tiếp tục và có nhiều đơn vị đang trên bờ vực phá sản nhưng không phá sản được do nợ xấu chồng chéo, phải chấp nhận... chết từ từ!
Theo dự báo kinh tế thế giới mới nhất, năm 2013 không khả quan hơn so với năm 2012, thậm chí trên các tài liệu nghiên cứu đã xuất hiện cụm từ “khủng hoảng kinh tế sẽ lên đỉnh điểm vào năm 2013”. Còn theo IMF, năm 2013 dự báo kinh tế Mỹ và Nhật Bản tăng trưởng còn thấp hơn năm 2012, kinh tế Trung Quốc và các nước ASEAN chỉ tăng hơn chút ít.
Trong bối cảnh ấy các “đề bàn” mà Nghị quyết Quốc hội đã chỉ ra, giao cho các “tư lệnh ngành” hóa giải, có đáp án cụ thể ngay trong năm 2013 mang tính thời sự hơn lúc nào hết.
Nợ xấu, hàng tồn, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường tài chính - tiền tệ chưa khai thông... là những tác nhân trực tiếp gây cản ngại lớn trong việc ổn định vĩ mô và mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng. Sau kỳ họp Quốc hội, cử tri cả nước mong đợi có những giải pháp tạo chuyển biến trong thực tế, góp phần giảm bớt khó khăn trong sản xuất và đời sống.