Trong bối cảnh Hà Nội đang hướng đến việc hạn chế phương tiện cá nhân, nỗ lực giảm ùn tắc và tai nạn giao thông thì có nên cho phép trông xe dưới gầm cầu?
PV đã trao đổi với ông Đinh Đăng Hải, Cán bộ dự án cấp cao - Chương trình Thành phố Sống tốt - Tổ chức HealthBridge Canada về nội dung này.
PV: Thưa ông, Hà Nội vừa tiếp tục đề xuất Bộ GTVT cho phép trông xe dưới gầm cầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Đinh Đăng Hải: Vấn đề này thì chúng ta cũng đã trao đổi rất nhiều lần rồi, đỗ xe trên vỉa hè, gầm cầu, những khu vực đất công luôn là cách mà thành phố đang đề xuất. Tuy nhiên, cách làm như thế này thực ra rất tạm thời, vì chúng ta không có một chiến lược rành mạch thì nó sẽ lặp đi lặp lại đề xuất kiểu như vậy. Kể cả những gầm cầu, chúng ta cũng chỉ có hạn, chúng ta có cho đỗ xe chăng nữa thì rồi nó cũng sẽ hết.
Khi Thành phố đã có quyết tâm thay đổi phương thức đi lại của người dân, chuyển từ phương tiện cơ giới cá nhân sang phương tiện giao thông bền vững hơn, ví dụ, giao thông công cộng hoặc đi bộ và xe đạp thì việc đỗ xe trên vỉa hè này, là những diện tích dành cho người đi bộ là không nên và chúng ta cũng không nên tiếp tục theo đuổi nó như vậy.
Bởi vì khi chúng ta càng tạo ra nhiều chỗ đỗ xe có nghĩa là tương đương với việc sử dụng xe cơ giới cá nhân nó sẽ tăng lên, các thành phố sẽ không bao giờ có thể đủ đất, có thể thỏa mãn việc đỗ xe được.
Bởi vì có chỗ đỗ thì mọi người sẽ đi xe đến và đi xe nhiều, khi đó lại gây ra các vấn đề, ví dụ như ùn tắc và ô nhiễm. Rõ ràng là khi chúng ta muốn chuyển đổi giao thông đô thị của một thành phố thì việc quản lý chỗ đỗ xe là một trong những cách làm rất tốt để chúng ta có thể hạn chế được việc sử dụng, đỗ xe.
(Ảnh minh họa)
PV: Theo ông, để không lặp lại đề xuất này, cần có quy định như thế nào, có thể giao cho các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM một cơ chế đặc thù hoặc là quy định cứng trong Luật Đường bộ sắp tới là không cho phép trông xe dưới gầm cầu?
Ông Đinh Đăng Hải: Đưa điều này vào luật có lẽ là không cần thiết, bởi vì đỗ xe dưới gầm cầu, tức là một diện tích thuộc về vỉa hè, đương nhiên là các luật hiện tại từ Luật Giao thông đến các luật khác liên quan sử dụng đất công đều không cho phép làm việc đấy.
Chính vì thế mà các thành phố như Hà Nội và TP.HCM đang muốn thay đổi, muốn được sử dụng tạm, cũng như muốn thúc đẩy việc cho phép điều này, nhưng điều này hoàn toàn không nên.
Để giải quyết vấn đề đỗ xe, đầu tiên chúng ta phải đưa ra những cơ chế, cũng không nhất thiết là phải đặc thù cho thành phố nào, mà thành phố nào cũng nên làm như vậy. Thứ nhất là phải thiết kế tại chỗ đỗ xe ngay trên những diện tích đất giao thông hiện có là đỗ xe hiện tại bây giờ đang đỗ ngay dưới lòng đường. Những việc này nên phải thay đổi. Những diện tích đất làm bãi đỗ xe thì thực ra nó là nhu cầu tư nhân. Việc này hoàn toàn có thể để cho thị trường điều tiết. Đấy là rất bình thường và trên thế giới thì hầu như tất cả các thành phố mà sử dụng nhiều ô tô thì họ đều làm như vậy.
Chắc chắn một điều, tôi không thấy một thành phố nào mà Nhà nước có thể coi vấn đề đỗ xe như một dịch vụ công cộng miễn phí hoặc là có trả phí mà Nhà nước phải chịu trách nhiệm cả. Vấn đề là chúng ta cần phải thay đổi cách giải quyết vấn đề đỗ xe, phải cho vấn đề này thành một vấn đề của chung cả xã hội để quản lý, xử lý nó, có nghĩa là đưa khối tư nhân, các doanh nghiệp vào có thể sẽ giải quyết được, bằng cách là chúng ta để cho nó trở thành một dịch vụ của thị trường.
Bên cạnh đó, việc quản lý nhà nước chắc chắn phải tăng cường, việc đỗ xe trái phép phải được quản lý, xử phạt một cách hợp lý. Và quan trọng hơn nữa là mỗi thành phố biết được rằng chúng ta định quy hoạch thành phố của chúng ta lượng sử dụng ô tô là bao nhiêu.
Nếu chúng ta để nó một cách tối đa 100% đi ô tô chẳng hạn, thì chúng ta sẽ phải có rất nhiều bãi đỗ xe. Còn nếu chúng ta chỉ giới hạn 10% chẳng hạn thì rõ ràng chúng ta cũng sẽ hạn chế việc đỗ xe ở mức để đạt được điều đó thôi. Chúng ta không thể thỏa mãn hết được.
PV: Xin cảm ơn ông.