Trước đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tổng hợp, gửi hồ sơ 1.604 vùng trồng và 314 cơ sở đóng gói sầu riêng cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc; trong đó có 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt. Việc mở rộng danh sách mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
So với các mặt hàng truyền thống khác của Việt Nam (xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu...) xuất khẩu sang Trung Quốc, việc kiểm duyệt đối với sầu riêng có sự khác biệt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thực hiện kiểm tra thực tế (trực tiếp hoặc trực tuyến) với tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói của Việt Nam trước khi phê duyệt mã số và cấp phép xuất khẩu.
Sau khi Việt Nam ký Nghị định thư sầu riêng với Trung Quốc thì có hơn 90% sản lượng sầu riêng Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường của quốc gia này. Tuy nhiên, yêu cầu kỹ thuật của Trung Quốc rất cao, ngày càng nâng hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhiều doanh nghiệp, vùng trồng, cơ sở đóng gói chỉ quan tâm và coi trọng việc đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng mà không quan tâm đến duy trì các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Nghị định thư.
Bên cạnh đó, tình trạng giả mạo, mua bán mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vẫn diễn ra dẫn đến việc không thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần. Đặc biệt, không kiểm soát được chất lượng sầu riêng.
Được biết, hiện cả nước có 12 phòng kiểm định Cadimi và 8 phòng kiểm định chất vàng O đủ điều kiện xét nghiệm, để sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Mỗi năm thị trường Trung Quốc nhập khẩu khoảng 7 tỷ USD sầu riêng tươi, con số này dự kiến sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong thời gian tới. Ngoài ra, quốc gia 1,4 tỷ dân còn chi đến 1 tỷ USD nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Do đó, mục tiêu xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm 2025 là 3,5 tỷ USD.