Kết thúc cuộc đối thoại video về tiến trình hòa bình và hòa giải ở Afghanistan với những người đồng cấp ở Afghanistan và Pakistan hôm 3-6, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng mặc dù việc rút quân của Mỹ có thể mang lại những bất ổn liên quan đến an ninh, nhưng nó đã cho người dân Afghanistan một cơ hội để “ thực sự kiểm soát vận mệnh của chính mình” và tốt cho sự ổn định lâu dài của đất nước, theo bản tin chính thức của Trung Quốc.
Ông Vương đã nói: “Ba bên nhất trí làm sâu sắc hơn hợp tác trong BRI, hỗ trợ việc mở rộng đáng kể sang Afghanistan và nâng cao mức độ kết nối giữa ba nước.”
Ba bên cũng nhất trí tạo ra một cơ chế đối thoại mạnh mẽ giữa các ngoại trưởng tương ứng, trong đó Trung Quốc kêu gọi bổ sung đối thoại giữa các đặc phái viên của họ để thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan và các bước cụ thể sẽ được thực hiện.
Mỹ dự kiến sẽ rút 2.500-3.500 quân còn lại của mình khỏi Afghanistan vào tháng 9 sau hai thập kỷ triển khai. Bắc Kinh lo ngại việc rút quân sẽ dẫn đến sự trỗi dậy tiềm tàng của chủ nghĩa khủng bố trong nước, điều này sẽ gây ra rủi ro an ninh cho khu vực Tân Cương chủ yếu là người Hồi giáo giáp biên giới với Afghanistan và đe dọa các dự án “Một vành đai, một con đường” của họ trong khu vực.
Trung Quốc đã tìm cách tăng cường hợp tác với các quốc gia Trung Á về an ninh để quản lý bất kỳ sự xáo trộn tiềm tàng nào từ Afghanistan. Trong cuộc gặp với ngoại trưởng các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan vào tháng trước, Bắc Kinh cho biết họ nên cùng nhau truy quét khủng bố và ngăn chặn tội phạm xuyên quốc gia. Tháng trước, Bắc Kinh cũng đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán tại Trung Quốc cho các bên ở Afghanistan trong cuộc gọi với cố vấn an ninh quốc gia Afghanistan Hamdullah Mohib.
Ông Vương nói: “Chúng tôi có thể mở rộng hợp tác Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) tới Afghanistan và cải thiện mức độ hợp tác thương mại và kết nối giữa Afghanistan với các nước trong khu vực.”
CPEC ra mắt vào năm 2013, bao gồm mạng lưới đường bộ, cảng, đường ống dẫn dầu và khí đốt và cáp quang, là một dự án “Một vành đai, một con đường” nhằm tăng cường liên kết thương mại và cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á và hơn thế nữa. Nó quan trọng về mặt chiến lược đối với Trung Quốc vì nó cung cấp một con đường thay thế cho việc nhập khẩu dầu và khí đốt từ Trung Đông.
Dự án đã bị cáo buộc là một cái bẫy nợ cho Pakistan.
Zhu Yongbiao, giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Lan Châu, cho biết việc mở rộng các dự án “Một vành đai, một con đường” tới Afghanistan có thể đối mặt với nhiều thách thức.
Giáo sư Zhu nói: “Đầu tiên, nó sẽ phải đối mặt với rủi ro an ninh do sự bất ổn ở đó. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có thể thất bại do thiếu hiểu biết về văn hóa và xã hội Afghanistan. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng phải đối mặt với những cáo buộc quốc tế như ‘bẫy nợ’.”
“Nhìn từ tuyên bố chính thức gần đây của Trung Quốc, nước này có thể sẽ hoạt động tích cực hơn ở Afghanistan từ bây giờ so với trước đây, điều đó có nghĩa là ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia này sẽ được mở rộng.”
“Nhưng nó không nhất thiết làm giảm ảnh hưởng của Mỹ, vì lập trường của Trung Quốc và Mỹ đối với Afghanistan không hề mâu thuẫn. Thay vào đó, họ chia sẻ lợi ích chung trong việc nâng cao năng lực tự phát triển của Afghanistan.”