(ĐTTCO) - Trong vài năm nữa, NH số sẽ là một lợi thế cạnh tranh hữu hiệu và đóng góp đến hơn 40% lợi nhuận ròng của các NH. Vì vậy, hầu như NH nào cũng muốn vận hành hệ thống NH số. Tuy nhiên, muốn tiến đến mục tiêu này phải vượt qua khá nhiều thách thức.
2 rào cản lớn
Tại Việt Nam đang có khoảng 40% người trưởng thành có tài khoản NH, một tỷ lệ rất thấp so với các nước trong khu vực, như tại Malaysia 78%, Singapore 96-97% và Trung Quốc khoảng 64%. Đồng thời, tỷ lệ khách hàng của hệ thống NHTM tại Việt Nam sử dụng dịch vụ NH số như mobile banking, internet banking chỉ mới đạt khoảng 44%.
Trong khi đó, theo Tổ chức Giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI 2015, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng internet khá cao và xếp thứ 15 trên thế giới, đồng thời có lợi thế về dân số trẻ so với khu vực và 52% dân số đang sử dụng internet. Công nghệ đã đi sâu vào đời sống nhưng lượng người sử dụng tài khoản cũng như dịch vụ NH số còn thấp là một điều kiện rất tiềm năng để các NH có thể khai thác trong tương lai.
Một động lực khác là kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020 nhằm tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị trung bình 350USD/người/năm; doanh số thương mại điện tử B2C tăng 20%, đạt 10 tỷ USD và chiếm 5% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Ngoài ra, 100% siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, 70% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông… nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức không dùng tiền mặt. 50% cá nhân, hộ gia đình ở các TP lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Với những điều kiện như vậy, NH nào cũng mong muốn được chia miếng bánh thị phần, nhưng thực tế con đường này đang có không ít rào cản. Thứ nhất là chi phí. Theo các chuyên gia, nếu một NH đầu tư vào công nghệ, chi phí hoạt động sẽ tăng từ 29-36%, nhưng mức đầu tư này đổi lại kết quả đưa lợi nhuận ròng của NH tăng lên từ 43-46%. Nếu áp dụng công nghệ ngay từ bây giờ, đến năm 2018, dịch vụ NH số sẽ đóng góp đến 44% lợi nhuận cho các NH.
Tuy nhiên, không phải NH nào cũng đủ sức để đầu tư. Hiện chỉ có những NH lớn với lợi nhuận nhiều mới trích ra để đầu tư mạnh, còn những NH hạn hẹp về ngân sách hầu hết chỉ tập trung đầu tư vào những lĩnh vực thực sự cần thiết, mang lại hiệu quả ngay cho hoạt động kinh doanh. Hiện NHNN yêu cầu đối với các NHTM từ Basel II cho đến các quy định về vốn tối thiểu, trích lập dự phòng… Tất cả những vấn đề này đều tác động đến NH và nhiều NH buộc phải loại bỏ những mục tiêu phát triển NH số để đáp ứng việc tuân thủ quy định trước.
Thứ hai là hàng rào pháp lý. Muốn áp dụng NH số, NHNN cần sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản pháp lý, quy trình nghiệp vụ phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động điều hành quản lý. Hiện nay, các NH bị giới hạn nhiều mặt, nhiều NH muốn đi theo công nghệ nhưng luật không cho phép nên không thể triển khai.
Thí dụ, NH muốn khách hàng đến máy để khai báo giọng nói hoặc vân tay để mở tài khoản, nhưng theo quy định của NHNN, khi mở tài khoản, NH và khách hàng phải gặp nhau và sử dụng chữ ký tay. Tức là không thể mở tài khoản mà không đến NH.
Tiềm năng của các NH trong lĩnh vực số hóa là 100% |
Cần sự hỗ trợ
Theo ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối NH công nghệ số VIB, hiện nay các công ty tài chính kết hợp với công nghệ tài chính (FinTech) phát triển mạnh và có nhiều lợi thế hơn NH trong quá trình số hóa.
Trên thị trường đang có khoảng 30 công ty FinTech, trong đó 2/3 hoạt động về thanh toán ví điện tử, có nhiều giải pháp sáng tạo. Nhiều NH đã phải lựa chọn giải pháp vừa phải hợp tác với công ty này vừa phải tự làm FinTech cho mình để phát triển. Nhưng có rất nhiều hoạt động FinTech triển khai được mà NH lại không triển khai được vì NH phải tuân theo Luật Các TCTD. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Hiện nay ở nước ngoài ví điện tử phát triển mạnh vì không cần tài khoản NH cũng có thể mở ví điện tử. Trong tương lai, nếu Việt Nam cho phép điều đó, NH sẽ không thể cạnh tranh trong lĩnh vực ví điện tử. Hay luật cũng phân biệt NH với các công ty tài chính (CTTC) và nhiều lĩnh vực NH không được kinh doanh như CTTC cũng ràng buộc sự phát triển của các NH trên hoạt động phát triển NH số.
Đồng thời, luật đã cho phép các NH ASEAN có thể vào Việt Nam mở chi nhánh và sắp tới xu hướng này sẽ gia tăng. Đó là những NH có giải pháp internet banking rất mạnh, mang lại những trải nghiệm tốt, tạo áp lực cho các NH trong nước.
Hiện nay, các NH cũng đang tự đầu tư theo khả năng và trong điều kiện cho phép để cạnh tranh thông qua việc mang đến cho khách hàng trải nghiệm mới và đa dạng như rút tiền không cần thẻ, NH không có chi nhánh chỉ làm việc qua mạng, áp dụng mobile banking, mobile app, ví điện tử, áp dụng bảo mật vân tay, nhận dạng khuôn mặt và đang chuẩn bị triển khai nhận dạng giọng nói… Trước hàng loạt giải pháp, NH không thể nào triển khai hết nhưng việc chọn lựa để xây dựng hệ thống vận hành mang đến dịch vụ hấp dẫn và có thể cạnh tranh cũng là một bài toán đối với NH.
Ông Trần Việt Thắng, Giám đốc khối công nghệ thông tin của MB, cũng cho biết mới đây Cục Công nghệ tin học của NHNN đã đưa ra vấn đề liên quan đến hệ thống an ninh bảo mật cho các NH và cho rằng hoàn toàn có thể xây dựng hệ thống an ninh bảo mật chung cho ngành NH.
Ông Thắng cho rằng nếu như hệ thống này được xây dựng, các NH lớn có thể đầu tư thêm tiền vào hệ thống và NHNN là đơn vị vận hành và cho thuê lại đối với các NH chưa có khả năng. Khi vận hành hệ thống như vậy, bản thân NHNN bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị thuộc quyền chủ quản và có thể yên tâm các NH không đủ sức đầu tư cũng có thể sử dụng dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn.
Vấn đề này về chuyên môn hoàn toàn khả thi, bởi vì đã nhiều đợt, các đơn vị tư vấn nước ngoài sang làm việc về các dự án của NHNN cho thấy nhiều hạng mục có thể dùng chung, sử dụng như một loại dịch vụ từ NHNN. Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống này phải có lộ trình và còn phụ thuộc vào việc NHNN có tham gia vào hay không, bởi đầu tư hệ thống cần phải có tiền.
Trường hợp NH muốn ứng dụng công nghệ, dịch vụ mới mà NHNN chưa ban hành quy định hướng dẫn thì NH phải đợi. Song nếu thời gian chờ đợi ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, NH có thể xin ý kiến trực tiếp với NHNN. Nếu NHNN nhìn thấy điều đó không gây ảnh hưởng hoặc có thể quy định sẽ đưa ra trong tương lai, chắc chắn NHNN cho phép triển khai chứ không phải chờ đến lúc thông tư quy định rõ ràng rành mạch mới được triển khai. Như vậy NH sẽ không mất đi cơ hội kinh doanh.