Truy cứu trách nhiệm lãng phí đầu tư công

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công là 1 trong 6 nhóm giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhìn tổng thể, qua 8 tháng thực hiện, Nghị quyết 11 đã mang lại nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, hiệu quả của cắt giảm đầu tư công dường như vẫn đang gặp nhiều khúc mắc. Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra tại Hà Nội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc rà soát cắt, giảm các dự án đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ vừa qua thực hiện chưa nghiêm túc, quyết liệt do thiếu các quy định, tiêu chí cụ thể.

Thực chất mới chỉ giãn tiến độ thực hiện trong ngắn hạn, chưa loại khỏi danh mục các dự án kém hiệu quả, không thật sự cấp bách.

Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho biết đến nay cả nước đã ngừng khởi công mới; cắt giảm, điều chuyển vốn của 2.103 dự án với tổng số vốn 6.532,7 tỷ đồng. Trong đó ngừng khởi công mới 1.206 dự án với số vốn cắt giảm 3.768,5 tỷ đồng; cắt giảm, điều chuyển vốn 897 dự án với số vốn 2.764,2 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cho đến nay nhiều địa phương vẫn còn chần chừ trong việc cắt giảm, ngừng khởi công các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tổng hợp số liệu từ 63 tỉnh-thành cho thấy có tới 638 dự án có sử dụng vốn ngân sách không thuộc đối tượng được khởi công mới trong năm 2011, nhưng vẫn được các tỉnh-thành bố trí 1.763 tỷ đồng để thực hiện.

Ngoài ra, các tỉnh-thành cũng không chịu cắt giảm 2.000 dự án khác sử dụng vốn của ngân sách địa phương không thuộc đối tượng khởi công mới trong năm 2011.

Vẫn biết cắt giảm đầu tư công sẽ ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng và lợi ích của địa phương, nhưng đây là một chủ trương lớn của Chính phủ. Do vậy việc thực hiện thiếu nghiêm túc của một số địa phương là vấn đề cần xem xét. Không thể vì lợi ích cục bộ mà bỏ qua lợi ích chung của toàn bộ nền kinh tế.

Thực tế cho thấy trong khi Chính phủ quyết liệt cắt giảm đầu tư công, nhiều địa phương vẫn tiếp tục xin gia tăng đầu tư mà không hề tính tới hiệu quả. Chẳng hạn việc đề xuất xây dựng sân bay ở nhiều địa phương thời gian qua. Vấn đề này đã gây nhiều tranh cãi, bởi hiện nay nhiều sân bay địa phương dù được nâng cấp nhưng vẫn đang chịu lỗ vì vắng khách. Khi đặt vấn đề xây dựng sân bay, địa phương nào cũng đưa ra lý do: kết nối quốc tế, rút ngắn thời gian đi lại, tạo sức bật thu hút đầu tư và phát triển du lịch...

Nhưng hiệu quả của bài toán lỗ lãi khi bỏ hàng nghìn tỷ đồng vốn nhà nước để đầu tư sân bay dường như không được tính tới. Một thí dụ khác về đầu tư công gây xót lòng người nộp thuế là thực trạng các khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK). Hiện cả nước có 28 KKTCK thuộc 21 trong tổng số 25 tỉnh biên giới.

Từ năm 2004 đến nay, tổng số vốn ngân sách dành cho đầu tư và duy trì hoạt động của các KKTCK khoảng hơn 4.000 tỷ đồng và mỗi năm ngân sách còn dành cho hoạt động của các KKTCK khoảng 700-800 tỷ đồng. Thế nhưng, phần lớn KKTCK hiện đều trong tình trạng đìu hiu, trung tâm thương mại, nhà xưởng xây xong “đắp chiếu”, có nơi bỏ hoang.

Đầu tư theo phong trào mang tính cục bộ địa phương, đã làm chủ trương cắt giảm đầu tư công thực hiện không hiệu quả. Từ lâu đã có sự phân cấp mạnh về quản lý nhà nước cho các địa phương nhưng việc cắt giảm cũng lại giao cho chính các địa phương thực hiện. Việc phân cấp đầu tư lại không đi kèm với một cơ chế kiểm tra, giám sát về hiệu quả nên các dự án cứ bung ra.

Cơ chế đánh giá hiệu quả  dự án giao cho chính chủ đầu tư, là các bộ, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước thực hiện, không có sự tham gia của các tổ chức độc lập phản biện và sự giám sát xã hội nên thiếu sự khách quan do các quan hệ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ chi phối, không gắn trách nhiệm của người đưa ra quyết định đầu tư.

Đã đến lúc cần truy trách nhiệm của lãnh đạo và địa phương, các ngành đưa ra đề xuất triển khai các dự án không phát huy hiệu quả mới bịt được lỗ rò ngân sách công.

Trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế không thể chịu đựng nếu tiếp tục đầu tư dàn trải và kém hiệu quả. Rõ ràng, đã đến lúc cần thay đổi cách làm trong cắt giảm đầu tư công. Cụ thể phải làm rõ được tính hiệu quả và gắn trách nhiệm trong đầu tư công.

Địa phương muốn giữ lại dự án phải chứng minh được hiệu quả. Khi triển khai xong, nếu không đạt hiệu quả phải có người chịu trách nhiệm.

Các tin khác