Những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã đem đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong quý III-2021 do chính sách siết chặt giãn cách tại các tỉnh, thành phía Nam. Thế nhưng, 2021 lại là năm “vô tiền khoáng hậu” của TTCK với hàng loạt kỷ lục được xác lập trong lịch sử 21 năm.
Cụ thể, VN Index đạt mức cao kỷ lục khi vượt 1.500 điểm trong phiên 25-11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Đáng chú ý là HNX Index tăng 133,35%, mức tăng tốt nhất trong khu vực châu Á. Kết quả này đã đưa TTCK Việt Nam vào nhóm 7 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2021 với 35,73%, chỉ đứng sau Abu Dhabi, Argentina, Mỹ, Iceland, Áo và Czech.
Đồng thời, TTCK Việt Nam cũng lọt vào nhóm thị trường mang lại suất sinh lời cao nhất trên thế giới, theo sau là Mỹ với chỉ số S&P 500 tăng 24%, Ấn Độ với chỉ số Sensex tăng 19,5%, Đài Loan với chỉ số TWSE tăng 18,3%. Trong khi tại các thị trường phát triển, mức tăng có phần khiêm tốn hơn, điển hình như Hàn Quốc (tăng 3,6%), Nhật Bản (tăng 4,9%), Singapore (tăng 9%).
Giá trị vốn hóa TTCK vượt mục tiêu Chính phủ đề ra cho TTCK trước 4 năm. Theo số liệu từ UBCKNN, tại thời điểm VN Index vượt mốc 1.500 điểm, giá trị vốn hóa của TTCK Việt Nam đã đạt 9,19 triệu tỷ đồng (bằng 147,97% GDP, tăng 37,6% so với năm 2020).
Trong đó, thị trường cổ phiếu (CP) niêm yết đạt gần 7,7 triệu tỷ đồng (bằng 123,77% GDP và tăng 45,27%), thị trường trái phiếu (TP) đạt 1,5 triệu tỷ đồng (bằng 24,19% GDP, tăng 8,45%).
Về thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân của thị trường CP tăng mạnh từ 19.000 tỷ đồng/phiên (tháng 1) lên 40.000 tỷ đồng/phiên (tháng 11). Đến tháng 12, giá trị giao dịch bình quân có giảm so với tháng 11 nhưng vẫn đạt 32.883 tỷ đồng/phiên. Thị trường ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục ngày 19-11 với giá trị 56.105 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD).
Tính chung cả năm, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.455 tỷ đồng/phiên (tăng 250% so với bình quân năm 2020). Trên thị trường TP, có 430 mã TP niêm yết với giá trị đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng (tăng 8,9%) và giá trị giao dịch bình quân đạt 11.421 tỷ đồng/phiên (tăng 9,9%). Trên TTCK phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 189.923 hợp đồng/phiên (tăng 21%).
Ngoài ra, TTCK còn tạo nên kỷ lục về số tài khoản CK mở mới. Tính đến cuối năm 2021, số tài khoản CK mở mới đạt 1,5 triệu, cao gấp 3 lần so với năm 2020 và lớn hơn tổng số tài khoản mở mới của 5 năm trước đó. Đặc biệt, số lượng tài khoản của NĐT nước ngoài đạt 39.204 (tăng 12%), NĐT tổ chức đạt 16.915 (tăng hơn 11%) cũng tạo sự ổn định hơn cho thị trường.
Trong bối cảnh khối ngoại bán ròng trên 61.600 tỷ đồng thì dòng tiền từ các NĐT cá nhân được xem là nhân tố chính tạo đà tăng điểm của TTCK 2021.
Thực tế phũ phàng
Kết quả ngoài mong đợi của năm 2021 là yếu tố giúp cho giới đầu tư đặt nhiều hy vọng vào TTCK trong năm 2022. Kỳ vọng và tín hiệu tích cực đến từ khả năng phục hồi của nền kinh tế với việc dịch Covid-19 đang được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ vaccine cao. Đồng thời, việc thế giới đang tiến hành thử nghiệm các loại thuốc đặc trị Covid-19 cũng tạo ra cơ hội nối lại các chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng đã bị đứt gãy trong suốt 2 năm qua.
Các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ đang phát huy hiệu quả nhất định, giúp nền kinh tế đứng vững, qua đó đảm bảo được sự ổn định của TTCK. Đặc biệt, thị trường đang kỳ vọng vào hiệu quả của gói hỗ trợ kinh tế có giá trị 291.000 tỷ đồng sớm được đưa vào thực hiện.
Những yếu tố nêu trên được dự báo sẽ là “cú hích” quan trọng cho TTCK trong năm 2022. Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) còn dự báo VN Index có thể tăng chạm mốc 1.900 điểm. Đơn cử, là CTCK VNDirect dự báo VN Index đạt 1.700-1.750 điểm với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp khoảng 23%, CTCK Mirae Asset dự báo chỉ số VN Index đạt 1.700 điểm với kỳ vọng tăng trưởng EPS là 24%, CTCK Yuanta Việt Nam dự báo chỉ số VN Index đạt 1.898 điểm với triển vọng tăng trưởng EPS là 21%.
Đúng như dự báo của giới phân tích, GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7,7% trong quý II so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng quý nhanh nhất trong hơn một thập niên nhờ tiêu dùng nội địa gia tăng mạnh mẽ.
Từ kết quả tăng trưởng GDP quý II, nhiều chuyên gia kinh tế mạnh dạn dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 6,5% lên 7,5%. Đặc biệt, tăng trưởng GDP trong quý III này có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong quý III-2021 dẫn tới mức GDP thấp khi so sánh với hoạt động của quý III năm nay.
Thế nhưng, TTCK lại đi theo hướng ngược lại khi liên tục lao dốc và có thời điểm VN Index giảm xuống dưới mốc 1.200 điểm. Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, lý do chính dẫn đến tâm lý tiêu cực gần đây của NĐT cá nhân tại Việt Nam là do Chính phủ áp dụng chính sách xử lý các hành vi bất hợp pháp của một số doanh nghiệp niêm yết từ cuối tháng 3.
Bên cạnh đó là việc xử lý mạnh tay với các công ty phát hành TP doanh nghiệp và sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành TP đó để đầu cơ trên TTCK. Cũng theo ông Michael Kokalari, việc Fed tăng lãi suất còn tác động đến tâm lý của NĐT trên TTCK toàn cầu. Đơn cử là chỉ số S&P500 hiện giảm 14% so với đầu năm. Dù vậy, rất nhiều NĐT nước ngoài vẫn kỳ vọng nền kinh tế trong nước phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ bù đắp cho tâm lý kém khả quan của TTCK Mỹ và các thị trường khác.
Đối với chính sách làm sạch TTCK, ông Michael Kokalari cho rằng: “Hành động này đã ảnh hưởng đến tâm lý của các NĐT trong nước, nhưng chúng tôi tin rằng những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp và nâng cao tính minh bạch cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho TTCK”.
Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn tích cực hơn mong đợi vào đầu năm, nhưng sức mạnh đó đã không được phản ánh vào giá CP. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP sẽ hỗ trợ sự phục hồi của VN Index vào cuối năm. Đây cũng là thời điểm TTCK trở lại đúng chức năng “hàn thử biểu” của nền kinh tế. |