Mạch tăng 5 tuần liên tiếp của thị trường chứng khoán Việt Nam bị chặn lại khi VN-Index gặp khó ở vùng 900-905 điểm trong tuần qua (từ 7-11/9). Thanh khoản giảm và khối ngoại vẫn duy trì mạch bán ròng.
Trước những diễn biến này, giới phân tích từ các công ty chứng khoán đưa ra những dự báo khá khác biệt về sự vận động của thị trường trong tuần giao dịch tới (từ 14-18/9).
Dù vậy, các công ty chứng khoán vẫn có chung quan điểm khi cho rằng tuần tới là cơ hội để nhà đầu tư tham gia vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng với mức giá hợp lý.
Cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa?
Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (Mirae Asset),VN-Index đang trong diễn biến điều chỉnh sau khi kiểm tra kháng cự 900 điểm trong tuần trước. VN-Index đang có dấu hiệu cân bằng tại vùng 883-885 điểm, ngưỡng hỗ trợ theo chỉ báo kỹ thuật được kỳ vọng là vùng 875-880 điểm.
Mirae Asset cho rằng trong ngắn hạn VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang vùng 880-900, nhưng tín hiệu dòng tiền đang thấy cho cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa có kết quả kinh doanh 6 tháng khả quan.
Có góc nhìn tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS nhận định thị trường vẫn đang trong vùng tích lũy và dao động giá đang được thu hẹp cùng khối lượng giao dịch giảm dần.
Do vậy, thị trường trong nước sẽ có cơ hội phục hồi hoặc bứt phá khỏi vùng tích lũy trong những phiên sắp tới.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang gặp lực cản ở vùng 900 điểm, các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ giá dầu, thực phẩm... sẽ là địa chỉ của dòng tiền.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC, tuần tới, VN-Index sẽ tiếp tục có biến động đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng được giới hạn bởi ngưỡng hỗ trợ 880-885 điểm và ngưỡng kháng cự 895-905 điểm.
“Về tổng thể, chúng tôi vẫn duy trì đánh giá tích cực về xu hướng thị trường trong thời gian tới,” ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường BVSC, cho biết.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng các nhịp điều chỉnh của thị trường được xem là cần thiết để giảm bớt sức nóng cho các nhóm cổ phiếu, giúp thị trường tích lũy thêm xung lực và cũng là cơ hội để tham gia vào các nhóm cổ phiếu tiềm năng với mức giá hợp lý.
Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi bởi các yếu tố vĩ mô và có câu chuyện riêng sẽ tạo được sự quan tâm trở lại của dòng tiền trên thị trường khi đã điều chỉnh về các vùng giá hợp lý.
Cũng trong tuần tới, hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng Chín sẽ diễn ra vào thứ 5; đồng thời, hai quỹ ETFs Vaneck và FTSE sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục quý III.
Trong khi đó, nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định VN-Index giảm trở lại sau 5 tuần tăng điểm liên tiếp với thanh khoản gia tăng cho thấy áp lực bán trong tuần qua là tương đối mạnh.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục nằm dưới ngưỡng 900 điểm nên dư địa giảm là vẫn còn với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 876 điểm.
Nếu không tính việc mua ròng đột biến 5.420 tỷ đồng VHM trong phiên 10/9 thì thực chất khối ngoại tiếp tục bán ròng tuần thứ ba liên tiếp với giá trị khoảng 1.500 tỷ đồng trên hai sàn trong tuần qua.
Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 9 duy trì mức basis (là sự khác biệt giữa giá của hợp đồng tương lai và giá trị của tài sản cơ bản) dương 2,34 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh đang lạc quan về xu hướng trong ngắn hạn.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (14-18/9), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 875 điểm.
Thực tế, kết thúc tuần giao dịch qua (từ 7-11/9), VN-Index giảm 12,57 điểm, xuống 888,97 điểm; HNX-Index tăng 0,06 điểm, lên 122,207 điểm.
Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 7.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Với việc thị trường giảm trở lại trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự suy giảm.
Theo thống kê của SHS, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất với 3,5% giá trị vốn hóa. Các mã tiêu biểu như PLX giảm 3,7%, OIL giảm 2,5%, PVD giảm 2,7%, PVS giảm 2,4%...
Tiếp theo là nhóm tiện ích cộng đồng có mức giảm 2,4% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu giảm mạnh có thể kể đến như GAS giảm 3,8%, POW giảm 3,8%...
Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng giảm 2,3% giá trị vốn hóa, các mã giảm mạnh là VCB giảm 3,1%, CTG giảm 1,5%, BID giảm 3,9%, VPB giảm 2,6%, MBB giảm 1,1%, TCB giảm 2,5%, ACB giảm 1,4%...
Nhóm cổ phiếu họ Vingroup cũng giảm mạnh. Cụ thể VIC giảm 3,1%, VHM giảm 2,9%.
Ở chiều ngược lại, các mã cổ phiếu vốn hóa vừa có diễn biến khả quan hơn. Theo đó, các cổ phiếu tại ngành phân bón như DPM tăng 4,9%, BFC tăng 10,7%, DCM tăng 2,5%...
Tại ngành cảng biển, cổ phiếu GMD tăng 5,4%, VSC tăng 0,9%...; các cổ phiếu nhóm bất động sản như PDR tăng 19,2%, HDC tăng 5,9%, NLG tăng 1,4%...
Những diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua là khá tương đồng với các thi trường trên thế giới.
Thế giới giảm do lo ngại dịch COVID-19
Khép lại bốn phiên giao dịch đầy biến động trong tuần qua, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt tại thị trường Mỹ đều đi xuống, riêng chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đã có mức giảm mạnh nhất theo tuần.
Khép lại bốn phiên giao dịch đầy biến động trong tuần qua, cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt tại thị trường Mỹ đều đi xuống, riêng chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đã có mức giảm mạnh nhất theo tuần kể từ 20/3 trong bối cảnh nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu do lo ngại về đại dịch COVID-19.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 11/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 27.665,64 điểm, còn chỉ số S&P 500 chỉ nhích thêm 0,1% lên mức 3.340,97 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq để mất 0,6%, xuống 10.853,55 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,7%, S&P 500 hạ 2,5% và chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 4,1% so với tuần trước.
Có thể thấy, những yếu tố bất ổn đã phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán, đi kèm với lo ngại về tình trạng giá các cổ phiếu, trái phiếu đang ở mức cao so với thực trạng “sức khỏe” hiện nay của nền kinh tế thế giới. Tâm lý không chắc chắn này sẽ còn kéo dài trong những tháng tới.
Chuyên gia Frédérique Carrier thuộc RBC Wealth Management chỉ ra việc chỉ số Nasdaq Composite giảm hơn 10% và rơi vào vùng điều chỉnh từ mức cao kỷ lục trước đó vào tháng Chín, đồng thời dự báo rằng các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho những biến động lớn hơn trong những tháng tới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn đang hoành hành, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng và các thách thức trong đàm phán Brexit vẫn kéo dài.
Tại châu Á, trong phiên cuối tuần 11/9, các thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều.
Khép phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong và chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải cùng tăng 0,8% lên các mức lần lượt 23.406,49 điểm, 24.503,31 điểm và 3.260,35 điểm. Chứng khoán Mumbai và Seoul đồng loạt tăng điểm.
Chứng khoán Manila khép phiên này tăng 1%, trong khi chứng khoán Jakarta tăng hơn 2% sau khi để mất 5% sau thông tin Thủ đô của Indonesia tiếp tục áp đặt các biện pháp khống chế dịch COVID-19 mới.
Trong khi đó, phiên này, chứng khoán Sydney, Đài Bắc, Singapore, Welling ton và Bangkok giảm điểm.
Thị trường bày tỏ sự thất vọng đối với việc các thành viên đảng Dân chủ thuộc Thượng viện Mỹ bác đề xuất về gói cứu trợ mới liên quan đến dịch COVID-19 trị giá khoảng 300 tỷ USD của đảng Cộng hòa, cho rằng gói cứu trợ này không đủ để giúp hàng triệu người Mỹ đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.
Điều này càng củng cố thêm triển vọng sẽ không có gói cứu trợ mới nào được Quốc hội Mỹ thông qua cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.