Chính sách chỉ là thừa nhận thực tế
Sau 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành, tới đầu tháng 7 nhiều báo cáo phân tích vĩ mô đều nhận định khó có đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo. Chẳng hạn, báo cáo của CTCK KB Việt Nam thời điểm đó nhận định: “Chúng tôi đánh giá thấp khả năng NHNN sẽ hạ lãi suất điều hành thêm lần nữa trong nửa cuối năm 2020, khi áp lực lạm phát đang có dấu hiệu tăng cũng như hoạt động kinh tế trong nước đã dần hồi phục”.
CTCK Bảo Việt dự báo trong nửa cuối năm 2020, NHNN sẽ không chú trọng mục tiêu giảm thêm lãi suất điều hành. Thay vào đó, NHNN sẽ chuyển mục tiêu từ cố gắng giảm lãi suất sang các mục tiêu khác, như tháo gỡ các rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sau dịch Covid-19, nới room tín dụng cho các NH, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án có độ lan tỏa cao.
“Liều thuốc” lãi suất sẽ ngấm trong dài hạn khi các điều kiện cho phép, doanh nghiệp hấp thụ được vốn và đó mới là thời điểm TTCK bùng nổ để phản ánh hiệu quả thực sự. |
Thế nhưng đợt tái bùng phát dịch Covid-19 vào cuối tháng 7 đã khiến tình thế thay đổi. Hoạt động kinh doanh tiếp tục khó khăn khiến nhu cầu vay vốn cũng như khả năng vay vốn hạn chế. Thanh khoản quá dồi dào trong hệ thống NH khiến mức lãi suất huy động thực tế tiếp tục giảm sâu hơn. Nhiều NH từ giữa tháng 8 đã duy trì biểu lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức dưới 4%/năm. Vì vậy, khi quy định mới nhất vừa ban hành ép trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,25%/năm xuống 4%/năm đối với các NHTM chỉ là sự công nhận thực tế.
Nói cách khác, từ những gì các NH đang áp dụng 2 tháng nay, TTCK đã dự đoán sẽ có thêm đợt cắt giảm lãi suất và điều đó đã xảy ra. Ảnh hưởng trên thực tế trong ngắn hạn đối với TTCK sẽ bị giảm thiểu vì tác động nếu có, đã xảy ra từ trước khi NHNN ban hành quyết định chính thức. Những phản ứng ngắn hạn trên TTCK không phản ánh được quan điểm về xu hướng nới lỏng tiền tệ trong dài hạn. Chính sách thường có độ trễ nhất định và những gì phản ánh trên TTCK thể hiện khả năng dự báo đúng trong ngắn hạn.
Thực vậy, những đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 3 và tháng 5 vừa qua đều gắn liền với nhịp tăng trưởng khá ấn tượng của TTCK. VN Index trong tháng 4 tăng trưởng tốt nhất tới 20%, trong tháng 5 và đầu tháng 6 tăng trưởng tốt nhất hơn 18%. Chỉ số này trong tháng 8 và tháng 9 cũng tăng trưởng hơn 14% dù chưa có quyết định giảm lãi suất.
Lý do đơn giản, mặt bằng lãi suất huy động đã thấp sẵn và thanh khoản của hệ thống quá dồi dào. TTCK đã phản ánh thực tế này nên việc “lờn thuốc” là điều đương nhiên. Nếu người gửi tiết kiệm không mặn mà với mức lãi suất quá thấp đang được áp dụng, muốn di chuyển dòng tiền sang kênh đầu tư chứng khoán họ đã thực hiện rồi. Bằng chứng, trong tháng 7 và tháng 8, riêng nhà đầu tư cá nhân đã mở mới trên 55.300 tài khoản.
“Thuốc” sẽ ngấm trong dài hạn
“Thuốc” sẽ ngấm trong dài hạn
Đánh giá về quyết định giảm lãi suất lần thứ 3, CTCK Bản Việt cho rằng sẽ không có tác động nhiều tới TTCK. CTCK Bảo Việt nhận định quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm. Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Tuy nhiên về dài hạn, mặt bằng lãi suất thấp luôn là “liều thuốc bổ” đối với hoạt động đầu cơ tài sản rủi ro như chứng khoán. Điểm khác biệt lớn nhất hạn chế tác động tốt của việc giảm lãi suất tới TTCK ở thời điểm hiện tại, là không giải quyết được vấn đề tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong điều kiện bình thường, TTCK hào hứng với mặt bằng lãi suất thấp không hẳn chỉ do nhà đầu tư dễ vay mượn để đầu cơ cổ phiếu, hay có hiệu ứng từ sự dịch chuyển dòng tiền tiết kiệm sang kênh đầu tư này làm tăng tổng cầu. Yếu tố quan trọng hơn, thị trường đánh giá khả năng vay mượn vốn rẻ sẽ giúp doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao hơn. Lợi nhuận cao khiến giá cổ phiếu trở nên rẻ trong tương lai. Thế nhưng ngắn hạn lúc này, dưới tác động của dịch bệnh, nguồn vốn rẻ không giúp doanh nghiệp tăng trưởng, chỉ làm ứ đọng vốn trong hệ thống NH. Mặt bằng lãi suất qua đêm liên NH từ đầu tháng 8 đã xuống dưới ngưỡng 0,2%/năm và từ đầu tháng 9 chưa có ngày nào quá 0,16%/năm, thậm chí 2 tuần cuối tháng 9 còn duy trì 0,11%/năm.
Doanh nghiệp không mở rộng sản xuất, thậm chí thu hẹp, không có nhu cầu vay vốn hay không đủ điều kiện vay vốn, nên lãi suất thấp cũng trở nên vô ích. Tăng trưởng tín dụng đến 22-9 chỉ 5,12%, so với mức tăng 10,3% trong 9 tháng 2018 và 9,4% trong 9 tháng 2019. Điều này chỉ thay đổi khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động kinh tế trở lại bình thường.
Nói cách khác, “liều thuốc” giảm lãi suất đang không thể hiện hết hiệu lực bởi dịch bệnh. TTCK có thể tăng ngắn hạn do lạm phát về dòng tiền nhưng cũng không thể vượt quá xa triển vọng cơ bản. “Liều thuốc” lãi suất sẽ ngấm trong dài hạn khi các điều kiện cho phép, doanh nghiệp hấp thụ được vốn và đó mới là thời điểm TTCK bùng nổ để phản ánh hiệu quả thực sự.