TTCK: Đỉnh 1.200 điểm khó vượt?

(ĐTTCO)-Liên tiếp những phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán, thị trường khiến nhà đầu tư (NĐT) thất vọng khi chỉ số VN Index không thể bứt phá qua ngưỡng 1.200 điểm. Thậm chí nhiều NĐT đặt câu hỏi ngưỡng 1.200 điểm là gì mà “rắn” như vậy? Hay than thở TTCK Việt Nam không “lớn” nổi khi 14 năm nay không vượt qua được ngưỡng lịch sử này.
VN Index tuy thể hiện 3 thời điểm chạm tới ngưỡng 1.200 điểm trong suốt lịch sử, nhưng tính chất thị trường ở mỗi thời điểm rất khác nhau. Đặc biệt nhiều CP biến động không hề bị chi phối bởi ngưỡng đỉnh này.
VN Index tuy thể hiện 3 thời điểm chạm tới ngưỡng 1.200 điểm trong suốt lịch sử, nhưng tính chất thị trường ở mỗi thời điểm rất khác nhau. Đặc biệt nhiều CP biến động không hề bị chi phối bởi ngưỡng đỉnh này.
Đỉnh này đã khác đỉnh xưa
Lần đầu tiên TTCK Việt Nam - đại diện là chỉ số VN Index - được “diện kiến” đỉnh 1.200 điểm vào tháng 3-2007. Thời điểm đó chỉ số chưa tới 1.200, chỉ loanh quanh 1.180 điểm nhưng con số có thể làm tròn tương đối.
Lần thứ 2 VN Index chạm tới ngưỡng này vào đầu tháng 4-2018, khi vượt qua một chút mốc 1.200 điểm rồi tụt xuống.
Lần thứ 3 VN Index chạm sát 1.200 điểm (theo mức đóng cửa) là giữa tháng 1 vừa qua. Nếu so sánh các thời điểm này, suốt từ năm 2007 đến nay, VN Index vẫn chưa thể cao hơn mốc 1.200 điểm.
Tuy vậy, quan niệm rất phổ biến trong giới đầu tư chứng khoán là “đánh đồng” chỉ số - với ý nghĩa đại lượng biểu diễn biến động giá cổ phiếu (CP) hàng ngày - với thị trường nói chung - là tập hợp tất cả CP niêm yết.
Chẳng hạn, khi nói thị trường có thể vượt đỉnh, tức có ý nói chỉ số VN Index có thể vượt đỉnh, hay thị trường điều chỉnh, thì hàm ý thực tế là VN Index giảm. Nếu phân biệt chỉ số VN Index không phải đồng nhất với thị trường hay tập hợp CP, câu chuyện 1.200 điểm chỉ là con số dành cho VN Index.
Thực vậy, thị trường ở các thời điểm VN Index đạt ngưỡng 1.200 điểm trong hơn thập niên qua rất khác nhau. Mốc 1.200 điểm “phiên bản 2007” không thể đánh đồng với “phiên bản 2021”. Rất dễ để chỉ ra sự khác biệt như số lượng CP niêm yết, quy mô thị trường...
Thậm chí, ngay cả “phiên bản 2018” cũng không giống hoàn toàn “phiên bản 2021”. Khi nhìn từ góc độ thị trường là tập hợp CP giao dịch, thực ra TTCK Việt Nam lại đã lớn rất nhanh, bất chấp hình ảnh chỉ số VN Index không thay đổi tương xứng.
Một thống kê đơn giản về giá CP giữa 2 thời điểm chỉ số cùng đạt đỉnh 1.200 điểm: tháng 4-2018 (ngày 9) và tháng 1-2021 (ngày 15), sàn HOSE đã có tới 245 CP tại thời điểm 2021 có giá cao hơn thời điểm 2018. Thậm chí cực đoan hơn, dù VN Index như nhau, nhưng cũng có gần 60 mã tăng giá gấp đôi giữa 2 thời điểm.
Theo thông lệ quốc tế, khi đánh giá về triển vọng hay thực trạng của một TTCK vẫn thường xuyên sử dụng mức tăng trưởng của chỉ số đại diện (với Việt Nam là VN Index). Nhưng điều này không có nghĩa thị trường không có cơ hội nếu chỉ nhìn vào chỉ số.
Thực tiễn giao dịch, các sở giao dịch hay các quỹ đầu tư có thể sử dụng nhiều chỉ số khác với chỉ số đại diện, trong khi biến động của các chỉ số này khác biệt với chỉ số chính.
Lấy thí dụ HOSE có chỉ số rất nổi gần đây là VNDIAMON, mà quỹ ETF nội bám theo chỉ số này vừa nổi lên là quỹ lớn lớn nhất thị trường. Chỉ số VNDIAMON đã vượt qua đỉnh của chính nó, tương ứng với đỉnh 1.200 điểm của VN Index hồi tháng 1-2021. 

Phiên bản 2021 - vì sao đỉnh 1.200 chưa vượt nổi?
Những CP cực lớn như VIC, VCB, GAS, VHM, VNM đã không thể tăng cao hơn, chính là lực cản quan trọng khiến VN Index chưa thể công phá đỉnh 1.200 điểm.
Lần thứ 2 VN Index chạm tới đỉnh 1.200 điểm trong tháng 1-2021 là kết quả của sự vận động không giống bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử, kể cả thời điểm gần nhất năm 2018. Khác biệt lớn nhất là quy mô thị trường đã gia tăng với rất nhiều doanh nghiệp niêm yết mới, hàng tỷ CP được phát hành thêm.
Cùng với đó số lượng NĐT mới cao nhất trong lịch sử hơn 20 năm của thị trường. Vì vậy, có thể nói đỉnh 1.200 điểm trong năm 2021 mới thực sự là sự thử thách chưa từng có. 
Với mức thanh khoản quanh đỉnh đạt tới quy mô 1 tỷ USD như phiên ngày 19-1 vừa qua và thị trường điều chỉnh giảm, có thể nói đó là điểm bão hòa cung cầu sau thời gian tăng quá nóng. Sau bất kỳ chu kỳ đi lên mạnh mẽ nào, thị trường đều cần thời gian để làm quen với mặt bằng giá mới.
Nói theo ngôn ngữ thị trường đó là giai đoạn tích lũy để NĐT đánh giá lại kỳ vọng có hợp lý hay không. Dòng tiền trên thị trường cần nghỉ ngơi theo đúng nghĩa đen, chờ đợi sự xác nhận của các yếu tố cơ bản, chẳng hạn cập nhật thêm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. 
Mặc dù về mặt định giá chung - thí dụ dựa trên P/E của VN Index - TTCK Việt Nam chưa phải là đắt so với khu vực tại đỉnh 1.200 điểm. Tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa thị trường phải tăng cao hơn ngay lập tức. Yếu tố cung cầu chi phối nhiều hơn trong ngắn hạn và P/E chỉ là yếu tố phụ.
Có thể thấy khá rõ trong tuần qua khi VN Index chưa thể quay trở lại được đỉnh 1.200, giá trị giao dịch vẫn thấp hơn khoảng 15% so với thời điểm đạt đỉnh trong tháng 1. Nếu dòng tiền đã tạm rút khỏi thị trường để nghỉ ngơi, sức mạnh theo đó cũng giảm sút.
Ngoài ra, một yếu tố khá đặc thù của chỉ số VN Index là phụ thuộc nhiều vào các CP dẫn dắt lớn nhất. Chẳng hạn, top 10 CP lớn nhất chiếm 49% vốn hóa của VN Index (theo giá ngày 25-2).
Những CP cực lớn như VIC, VCB, GAS, VHM, VNM đã không thể tăng cao hơn, chính là lực cản quan trọng khiến VN Index chưa thể công phá đỉnh 1.200 điểm. Nếu không chịu “định kiến” về chỉ số, việc VN Index vượt 1.200 điểm hay chưa không mấy quan trọng.
Cũng giống như việc so sánh các “phiên bản 1.200 điểm” giữa các thời kỳ khác nhau, thị trường đến cuối tuần qua vẫn có cả trăm CP vượt mức giá tương ứng với VN Index đạt đỉnh 1.200 điểm hồi tháng 1-2021. Nói cho cùng, NĐT kiếm lời từ CP, không phải VN Index. 

Các tin khác