Khối ngoại phản ứng tiêu cực
Tính đến hiện tại, Việt Nam đã trải qua đợt bùng phát Covid-19 dài nhất cùng với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại các khu kinh tế trọng điểm phía Nam.
Kết quả, tất cả chỉ số kinh tế vĩ mô đã đi xuống trong tháng 8 và có khả năng kéo dài đến tháng 9. Trước đó, việc giãn cách xã hội chặt chẽ theo Chỉ thị 16+ trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TPHCM, đã dẫn đến sự biến động mạnh của VN Index trong tháng 8.
Cụ thể, trong 3 tuần đầu tháng 8, tâm lý thị trường vẫn lạc quan, cho đến khi Chính phủ ban bố Chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó” vào ngày 20-8 tại TPHCM. Thị trường đã ngay lập tức phản ứng tiêu cực với quyết định siết chặt giãn cách, với mức giảm lên đến 6% trong 2 phiên kế tiếp.
Đặc biệt, khối ngoại cũng phản ứng tiêu cực với quyết định này, khi quay trở lại bán ròng trong tháng 8 với giá trị bán ròng đạt 7.800 tỷ đồng (tương đương 338 triệu USD) thông qua giao dịch khớp lệnh trên HoSE.
Theo quan điểm của CTCK Rồng Việt (VDSC), việc rút ròng mạnh của các NĐTNN liên quan đến mối lo ngại về khả năng kiểm soát Covid-19 của Việt Nam, khi số ca bệnh mỗi ngày chưa có dấu hiệu tạo đỉnh và tỷ lệ tử vong tương đối cao so với các nước trong khu vực.
Trước đó, trong tháng 7, khối ngoại đã tỏ ra khá lạc quan với khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, đã mua ròng mạnh với giá trị lên đến 3.600 tỷ đồng (tương đương 155 triệu USD).
Dù diễn biến có phần tiêu cực nhưng thị trường lại có điểm tích cực, khi thanh khoản trên thị trường vẫn được duy trì ở mức cao. Nguyên nhân vẫn chỉ là yếu tố cũ, đó là việc siết chặt phong tỏa hạn chế dòng tiền chảy sang các kênh đầu tư khác. Theo thống kê, giá trị giao dịch hàng ngày trung bình ở mức khoảng 1 tỷ USD (tăng 16%).
CP “vua” chưa hết thời
Giai đoạn siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16+, công nghệ thông tin và tiêu dùng không thiết yếu là 2 nhóm ngành có mức sinh lời tốt nhất, với mức tăng trưởng lần lượt 7,2% và 3,4% so với tháng trước.
Phía ngược lại, năng lượng và bất động sản là 2 nhóm ngành tạo áp lực lên VN Index, khi ghi nhận mức giảm lần lượt 10,1% và 8,4%. Các ngành khác cũng không khả quan hơn khi dao động giảm trong khoảng 4-7,8%. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi lộ trình mở cửa nền kinh tế đã khá rõ ràng, cơ hội trên TTCK sẽ không còn như thời điểm trước.
Theo VDSC, nếu việc tiêm chủng vaccine diễn ra sát với kế hoạch, những tác động xấu nhất đối với doanh nghiệp sẽ được phản ánh vào quý III. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2021 được điều chỉnh giảm xuống 26% so với 33% trước đó.
Trong giai đoạn hậu giãn cách, NĐT nên ưu tiên các công ty logistics, hàng tiêu dùng, công nghệ và bất động sản, vì nhiều công ty trong số đó sẽ tiếp tục khả quan trong mùa cao điểm vào quý IV.
Ngoài ra, kỳ vọng chất xúc tác từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ tích cực thúc đẩy tâm lý của NĐT vào các ngành khác như thép, bán lẻ, trước khi lợi nhuận của họ bắt đầu tăng vào cuối năm nhờ vào những tác động tích cực từ việc dỡ bỏ phong tỏa.
Với ngành ngân hàng, dù không được đánh giá cao như những nhóm ngành trên, nhưng không có nghĩa CP “vua” đã hết thời. Thông thường, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng thường chứng kiến sự phục hồi đáng kể sau khi dịch được kiểm soát trong những làn sóng trước.
Ngoài ra, những ngân hàng có trích lập dự phòng cao trong thời gian qua sẽ có tiềm năng hoàn nhập dự phòng, khi các khoản nợ xấu được xử lý, đặc biệt là những khoản nợ liên quan tới Covid-19 khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tính đến thởi điểm hiện tại, nhóm CP ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 20-30% so với đỉnh cũ, vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ NĐT.
Tăng trưởng riêng biệt
Theo CTCK Agribank (AGR), dù xu hướng dòng tiền được nhận định sẽ lan tỏa khi thị trường hồi phục, nhưng chỉ một số ít nhóm ngành có tỷ suất tốt hơn chỉ số chung. Đây thường là các nhóm CP có tính chu kỳ cao hoặc có tăng trưởng riêng biệt.
Theo AGR, nhóm ngành thứ nhất là hóa chất, vốn được hưởng lợi từ hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy giá hàng hóa lên cao.
Sự gia tăng đáng kể về giá một số mặt hàng có thể kể tới, như giá mủ cao su đã tăng khoảng 26% so với trung bình cả năm ngoái, giá phân DAP tăng 128%, phân Urea tăng 119%, phân lân tăng 130%.
Ngoài ra, nhu cầu đối với một số mặt hàng như photpho vàng, phân bón đang gia tăng trên thị trường quốc tế, cũng giúp các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi từ việc xuất khẩu.
Nhóm ngành thứ 2 là kim loại, nhóm có sự tăng trưởng từ giá thép tăng mạnh và duy trì ở mức cao so với trung bình năm 2020. Cùng với đó là triển vọng xuất khẩu tích cực, khi thị trường Trung Quốc cắt giảm thêm sản lượng nội địa và đang có làn sóng đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế trên phạm vi toàn cầu.
Nhóm thứ 3 là ngành bán lẻ, một trong những nhóm CP có tỷ suất sinh lời rất tốt, khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Triển vọng ngành này tới từ ngắn hạn là gia tăng doanh số bán hàng, khi nền kinh tế mở cửa và dài hạn là xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng sau đại dịch, tạo điều kiện cho việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử phát triển.
Cuối cùng là nhóm ngành dầu khí. Một số sự kiện trên thị trường quốc tế như OPEC cắt giảm sản lượng, bão IDA ở Mỹ… đã đẩy giá dầu lên mức cao hơn nhiều so với năm 2020, hiện đạt trên 70USD/thùng với cả dầu Brent và WTI.
Giá dầu duy trì ở mức cao là động lực để tất cả hoạt động khai thác, lọc và thương mại dầu đều có triển vọng lợi nhuận tích cực. Đặc biệt, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu cũng sẽ tăng lên.
Nền kinh tế quý IV có phục hồi tích cực hay không còn phụ thuộc vào tốc độ và quy mô tiêm chủng vaccine, cũng như hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch sau giãn cách. |