Điều tốt nhất đã xuất hiện
Thị trường xuất hiện một đợt tăng trưởng mạnh mẽ từ cuối tháng 3, khi làn sóng dịch bệnh bùng phát và Việt Nam thực hiện cách ly xã hội. Nhà đầu tư (NĐT) khi đó cho rằng dịch bệnh đã bộc lộ hết những rủi ro đối với TTCK và kết quả kinh doanh yếu kém trong quý I-2020 đã thể hiện điều đó.
NĐT hướng tới điều xa hơn là kết quả kinh doanh quý II sẽ cải thiện, nền kinh tế sẽ phục hồi nhờ các biện pháp kiềm chế dịch bệnh và kích thích tăng trưởng.
Những kỳ vọng đó cũng đã trở thành hiện thực khi dịch bệnh được kiểm soát và liên tục nhiều tuần Việt Nam không có ca mắc mới. Thị trường đạt đỉnh vào ngày 8-6 khi VNIndex chạm ngưỡng 900 điểm.
Trong hơn 1 tháng giao dịch kế tiếp thị trường tiếp tục đi ngang chờ đợi kết quả kinh doanh quý II. Tuy vậy, một thực tế khá bất lợi là hầu hết doanh nghiệp làm ăn tốt nhất đã công bố lợi nhuận, nhưng thị trường vẫn không thể tăng cao hơn được. VNIndex tiếp tục duy trì ngưỡng 900 điểm như là đỉnh cao nhất đạt được thời kỳ Covid.
Hơn 1 tháng qua là thời điểm thị trường bình tĩnh lại và bắt đầu đánh giá rủi ro/cơ hội trên quan điểm thực tế hơn. Những kỳ vọng lớn nhất đã giúp thị trường đạt đỉnh sớm (ngày 8-6) trước bất kỳ thông tin hỗ trợ nào xuất hiện. Kết quả kinh doanh bán niên sau đó gần một tháng đã xác nhận thực tế không tốt như chờ đợi.
Đơn cử những con số như Sabeco giảm doanh thu 35% bán niên, lợi nhuận giảm 30%; VNM doanh thu tăng 6,7%, lợi nhuận sau thuế tăng 2,8%... Một số doanh nghiệp ít quan trọng đạt lợi nhuận tăng trưởng cao như DBC, DPM, D2D, DHC, SZC... thì giá cổ phiếu cũng đã tăng đạt đỉnh ngay từ đầu tháng 6 trước khi có thông tin chính thức.
Như vậy kỳ vọng đã giúp thị trường lẫn giá cổ phiếu đi trước các yếu tố cơ bản. Vì vậy cũng không có gì bất ngờ khi thông tin lợi nhuận xuất hiện, thị trường đã không thể tăng cao hơn được.
VNIndex trong tuần công bố trọng điểm kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp blue-chips lớn nhất cũng chưa bao giờ đóng cửa cao hơn mốc 880 điểm. Khi điều tốt nhất đã xuất hiện, thị trường cần một động lực mạnh mẽ hơn mới có thể vượt qua được đỉnh cao.
Biến số mới: Làn sóng covid thứ 2
Biến số mới: Làn sóng covid thứ 2
TTCK bất ngờ phản ứng rất mạnh theo hướng tiêu cực khi xuất hiện những trường hợp lây nhiễm covid trong cộng đồng. VNIndex liên tục xuất hiện những phiên sụt giảm trên 3%, và thay vì trông đợi cơ hội vượt 880 điểm thì nay ngưỡng 800 điểm lại trở thành mơ ước.
Đây là diễn biến bất ngờ vì trước đó thị trường đã được trải nghiệm những cú sốc về dịch bệnh, thậm chí còn nghiêm trọng hơn hiện tại. Trong giai đoạn tháng 4 tới tháng 6 vừa qua, con số ca nhiễm bệnh tăng từng ngày nhưng TTCK lại có thời gian bùng nổ mạnh kỷ lục.
TTCK khi đó tăng ngoài yếu tố dòng tiền mới xuất hiện còn có yếu tố tâm lý khi những sợ hãi ban đầu qua đi và giới đầu tư tin tưởng vào khả năng khống chế và dập tắt dịch bệnh nhanh chóng, cộng với các chính sách hỗ trợ kinh tế sẽ sớm đảo ngược tình hình, đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Niềm tin đôi khi trở thành một nguồn sức mạnh to lớn và thực tế thị trường đã trả lời bằng một chu kỳ tăng mạnh. Vì vậy, nếu hiện tại thị trường cho thấy những phản ứng tiêu cực thì hẳn trong tâm lý NĐT đang có sự thay đổi.
Như vậy thị trường đã phản ánh đầy đủ những kỳ vọng xa nhất và cũng đã trải qua một tháng chốt lời liên tục. Điều đó có nghĩa là một phần tiền đã được rút ra khỏi thị trường. Thống kê cho thấy tuần lễ mà thị trường đạt đỉnh (từ 8 đến 12-6) thị trường đã xuất hiện con số giao dịch kỷ lục với phiên trên 10.000 tỷ đồng (khớp lệnh) và bình quân mỗi ngày trong tuần đó giao dịch xấp xỉ 8.000 tỷ đồng.
Trong khi đó trong tháng 7, giá trị khớp lệnh bình quân mỗi ngày chỉ hơn 4.200 tỷ đồng. Mức giao dịch giảm xuống còn một nửa nghĩa là một lượng tiền lớn đã được rút ra sử dụng vào việc khác thay vì đầu tư.
Thay đổi thứ hai là việc đánh giá rủi ro trên thị trường đã gần với thực tế hơn. Dịch bệnh bùng phát lần thứ hai sẽ không giống lần thứ nhất. Nếu như ở lần đầu tiên mức độ tác động còn chưa rõ rệt do thời gian còn ngắn, khả năng cầm cự còn tốt, thì dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ làm trầm trọng hơn các khó khăn mà doanh nghiệp đang có.
Một nghiên cứu vừa công bố giữa tháng 7 cho thấy có đến 90% người Việt được hỏi cho biết thu nhập bị ảnh hưởng tiêu cực, 41% thu nhập hộ gia đình giảm hơn 20% vì dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81% và riêng quý II tăng 0,36%. Đây có thể coi là gánh nặng của làn sóng Covid thứ nhất.
Nếu tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại trong quý III, đó sẽ là yếu tố làm thay đổi đáng kể các dự tính tăng trưởng cũng như yếu tố cơ bản của TTCK.
Điều quan trọng hơn mà thị trường có thể sẽ chiết khấu vào mức rủi ro chung, là việc tái bùng phát lần này cho thấy khả năng khống chế, dập dịch và duy trì trạng thái như một “ốc đảo” là hết sức khó khăn khi cả thế giới vẫn còn đang quay cuồng vì dịch.
Nếu như thị trường tháng 4-6 vừa qua coi việc chống Covid như một trận chiến một lần và có thể kết thúc thắng lợi, thì nay rõ ràng đây là một cuộc chiến trường kỳ, với nhiều trận đánh khác nhau. Nguồn lực tiêu tốn cũng như tổn thất mà cuộc chiến trường kỳ gây ra thường nặng nề hơn.
Thực tế các dự báo tăng trưởng kinh tế 2020 của Việt Nam đều dựa trên những giả định then chốt là khả năng kiềm chế dịch bệnh. Chẳng hạn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hồi đầu tháng 7 dự báo kịch bản tích cực nhất là tăng trưởng GDP 2,6% cho năm nay, nhưng vẫn nhấn mạnh khả năng bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19 rất lớn, nên nền kinh tế còn diễn biến bất định và khó lường.
Viện Nghiên cứu chính sách và kinh tế (VEPR) cuối tháng 7 dự báo kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP đạt 3,8% và ngược lại, tăng trưởng chỉ đạt 2,2% nếu dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến bất lợi.
Ngân hàng Thế giới (WB) cuối tháng 7 cũng đưa ra con số tăng trưởng 2,8%. Điều đáng nói là các dự báo này đều đưa ra con số kém tích cực dù còn chưa cập nhật các diễn biến mới về dịch bệnh.