TTCK: Nếu thấy được 'điểm rơi' của tin xấu thì đó là lúc mua vào

(ĐTTCO) - Những số liệu vĩ mô quý I-2023 được công bố tuần qua đã gây bất ngờ cho thị trường chứng khoán (TTCK), khi kỳ vọng vào sự bứt tốc tăng trưởng đã thấp hơn kỳ vọng khá nhiều.
TTCK: Nếu thấy được 'điểm rơi' của tin xấu thì đó là lúc mua vào

Nhiều dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước đã ước tính tăng trưởng GDP quý I đâu đó trong khoảng 4,8-5,4%, nhưng con số chính thức chỉ 3,32%.

Kết quả kinh doanh quý I-2023 kém tích cực?

Những chỉ báo vĩ mô quý I hàm ý các hoạt động kinh tế xã hội nói chung ở mức thấp. Thực vậy, GDP tăng trưởng 3,32% là kém nhất kể từ quý I-2020, thời điểm dịch bệnh làm đình trệ xã hội. Chỉ số sản suất công nghiệp PII quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%). Chi phí đầu vào sản xuất tăng cao, số đơn đặt hàng giảm mạnh là nguyên nhân chính. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%.

Mặc dù cho đến nay vẫn chưa có các ước đoán hay báo cáo kết quả kinh doanh quý I-2023 của doanh nghiệp (DN) niêm yết, nhưng với tổng thể nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất kinh doanh vi mô chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy vậy, một số chia sẻ của DN trong kỳ đại hội cổ đông vừa qua hay trong các báo lợi nhuận hàng tháng cũng hé lộ phần nào. Thí dụ, trong hoạt động phân phối, CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) ghi nhận doanh thu thuần giảm 25% so với cùng kỳ, trong đó chuỗi Điện máy xanh và Thế giới di động giảm 32%.

Biểu đồ: Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP (màu xanh) và Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đều cho thấy sự thu hẹp của hoạt động sản xuất trong quý 1/2023.

Biểu đồ: Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP (màu xanh) và Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đều cho thấy sự thu hẹp của hoạt động sản xuất trong quý 1/2023.

Một đơn vị phân phối khác là Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET), cũng báo cáo doanh thu 2 tháng đầu năm giảm 3,6% so với cùng kỳ, với hoạt động phân phối (chiếm gần 88% tổng doanh thu) giảm hơn 5%.

Một “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ thông tin là CTCP Tập đoàn FPT (FPT), báo cáo lợi nhuận trước thuế 2 tháng đầu năm tăng 19%, nhưng mảng công nghệ thông tin trong nước ghi nhận lỗ do thiếu các hợp đồng từ ngành bất động sản và ngân hàng. Đó là doanh thu quảng cáo trực tuyến sụt giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế trong nước, phát sinh khoản lỗ 2 tỷ đồng.

Một tổng hợp khác cũng cho thấy sự thận trọng từ chính các DN. Mùa ĐHCĐ 2023 đã xuất hiện, hàng loạt DN đặt mục tiêu lợi nhuận rất thận trọng trong năm nay. Thống kê đến 27-3 của FiinTrade, ghi nhận 194 DN phi tài chính công bố kế hoạch kinh doanh 2023 thì chỉ 79 DN dự kiến lợi nhuận tăng trưởng.

Lý do chính được các DN trình bày với cổ đông là rủi ro môi trường lãi suất cao, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu yếu. Các lý do này không có gì bất ngờ, vì những số liệu cập nhật theo tháng như Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI, số liệu tăng trưởng tín dụng, hay thậm chí là thời điểm giảm lãi suất huy động và cho vay cũng chỉ mới gần đây.

Nếu nhìn xuyên suốt các yếu tố cơ bản đã có tín hiệu sớm hơn số liệu công bố chính thức, thì có thể hiểu tại sao TTCK suốt từ đầu tháng 2 đến nay chỉ đi ngang với thanh khoản rất thấp.

Khi mọi thứ không thể tệ hơn, thị trường có thể chạm đáy

Mùa công bố lợi nhuận quý I-2023 sẽ khởi động vào cuối tháng 4, tức thị trường còn dư địa gần một tháng nữa để bộc lộ quan điểm. Vẫn sẽ có các DN công bố lợi nhuận tốt, thậm chí tăng trưởng mạnh, nhưng với các tín hiệu như mới nói ở trên, mặt bằng chung chắc chắn sẽ kém “tươi”. Vấn đề là TTCK cần biết mức độ “xấu” đến đâu, và đó đã là những gì xấu nhất hay chưa.

TTCK năm 2023 có 3 yếu tố được quan tâm nhất, đó là mặt bằng lãi suất, áp lực đáo hạn trái phiếu và triển vọng kết quả kinh doanh. Ngoài yếu tố áp lực trái phiếu tạm thời được giải quyết, 2 yếu tố còn lại vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Với yếu tố lãi suất, khả năng tương đối cao là lãi suất trong nước đã đạt đỉnh. Đợt tăng lãi suất mới nhất trong tháng 3 của Fed gần như không tác động gì, mặt bằng lãi suất trong nước vẫn tiếp tục được định hướng giảm và hiện cũng khá hợp lý.

Nếu tháng 5 tới, Fed không tăng lãi suất tiếp thì gần như chắc chắn lãi suất trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm, vì lạm phát đang ổn định, tỷ giá giảm, trong khi áp lực tăng trưởng lại cao. Tăng trưởng tín dụng trong quý I-2023 ước tính chỉ là 1,61% , trong khi cùng kỳ 2022 tới 4,03%, nghĩa là tín dụng sẽ được đẩy mạnh các quý sau đó.

Với yếu tố thứ 2, kết quả kinh doanh quý I chịu tác động trực tiếp từ mặt bằng lãi suất cao - một phần nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng rất chậm. Yếu tố chưa rõ ràng từ sau quý I trở đi là khả năng suy thoái của các thị trường trọng điểm mà Việt Nam xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu quý I vẫn thặng dư, nhưng giá trị xuất khẩu giảm 11,9%, nhập khẩu giảm 14,7% so với cùng kỳ.

Các DN phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu có khả năng vẫn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với các DN niêm yết, điều quan trọng là điểm rơi tệ nhất của lợi nhuận đã tập trung trong quý I-2023 hay chưa. Thị trường có thể điều chỉnh giảm để chiết khấu trước điểm rơi lợi nhuận này, nhưng sau đó sẽ hướng đến kỳ vọng rằng, nếu quý I là xấu nhất, nghĩa là các quý kế tiếp có cơ hội cải thiện.

Lối suy nghĩ của TTCK không giống với các thống kê, mà chú ý nhiều hơn tới sự thay đổi trong tương lai. Một con số tốt - nhưng đã tốt nhất có thể, thì thị trường vẫn coi đó là rủi ro, vì thay đổi kế tiếp sẽ là xấu dần.

Ngược lại, một con số xấu - nhưng không thể xấu hơn nữa, thì lại được xem là cơ hội, vì hướng thay đổi duy nhất là tốt dần lên. Nếu điểm rơi của mọi thứ xấu nhất, từ vĩ mô tới vi mô đã tập trung trong quý I-2023, đó lại là triển vọng tươi sáng cho TTCK.

Các tin khác