Ngay sau đó, các thị trường đồng loạt điều chỉnh rõ ràng hơn trong những phiên gần đây, khi những số liệu vĩ mô quý II sắp công bố, cũng như rủi ro dịch bệnh quay trở lại.
Đỉnh cao của hưng phấn
Giữa tình cảnh dịch bệnh gây ra cái chết của hàng trăm ngàn người, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, doanh nghiệp phá sản, xin cứu trợ, người lao động mất việc... TTCK lại thể hiện sự hưng phấn như trong thời kỳ bùng nổ của thị trường bò tót (Bull market).
Đỉnh điểm của sự hưng phấn này là hàng loạt nhà đầu tư (NĐT) tay ngang - vốn chưa bao giờ biết đến chứng khoán - xuất hiện một cách hoành tráng và khoe khoang về lợi nhuận, cười khẩy trước quan điểm thận trọng của các NĐT chuyên nghiệp.
NĐT Dave Portnoy, nhà sáng lập Barstool Sports và điều hành một blog về thể thao, bắt đầu tham gia TTCK khi Chính phủ Mỹ thực hiện phong tỏa xã hội để chống dịch Covid-19. Trước đó Dave Portnoy chỉ một lần mua 1 cổ phiếu duy nhất.
Điều khiến NĐT mới toanh này nổi tiếng là thực hiện livestream toàn bộ hoạt động giao dịch và kiếm lời rất tốt. Hơn 1,5 triệu người theo dõi các video trực tiếp của NĐT này, và đỉnh điểm của sự kiêu ngạo là màn chế giễu NĐT huyền thoại Warren Buffett.
Thực tế lại cho thấy các NĐT như Dave Portnoy đang đúng. Ngân hàng đầu tư Goldman Sach dựa vào danh mục các cổ phiếu được công khai trên những nền tảng giao dịch trực tuyến như Robinhood, đã thấy rằng danh mục phổ biến này đem lại lợi nhuận 61% so với mức tăng 45% của danh mục do các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nắm giữ.
Trên thị trường Việt Nam, không khó để tìm thấy các trường hợp thành công trong vòng 2 tháng qua. Các diễn đàn chứng khoán cũng tràn ngập lời khoe khoang về lợi nhuận, và bất kỳ lời cảnh báo rủi ro nào đều bị chế giễu.
Những NĐT mới - thường được gọi là thế hệ F0 - đang nỗ lực chứng minh sự tài giỏi của mình bằng khoản lợi nhuận hàng chục phần trăm, thậm chí lãi tính bằng lần. Đối với NĐT chuyên nghiệp, việc NĐT chưa từng có kinh nghiệm đầu tư nhưng mua cổ phiếu lãi lớn, là dấu hiệu tiêu biểu của xu thế bùng phát lạc quan.
Sự tự mãn lan tràn và số đông NĐT mới cảm thấy kiếm tiền trên TTCK quá dễ dàng, thường xuất hiện ở đỉnh điểm của thị trường giá lên. Lý do, việc chiến thắng thị trường làm gia tăng mức độ tự tin cũng như tăng lượng tiền có thể mua tiếp, bởi giá tài sản cầm cố tăng.
Khó khăn sẽ lộ diện quý II?
Khó khăn sẽ lộ diện quý II?
Trên TTCK có câu “bạn giỏi chừng nào bạn còn chiến thắng”, hàm ý rằng bất kỳ ai chiến thắng ở một thời điểm cũng không thể đảm bảo mình luôn luôn đúng hay giỏi hơn thị trường, và toàn bộ lợi nhuận có thể bốc hơi chỉ bằng 1 giao dịch sai lầm. |
Thị trường Việt Nam tạo đỉnh chậm hơn, đến ngày 10-6 chỉ số VN Index mới đạt đỉnh cao nhất ở ngưỡng 900 điểm, nhưng sau đó đã điều chỉnh giảm hơn 45 điểm (tính đến 17-6). Dịch bệnh trong nước cơ bản được khống chế và không có lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Các chỉ số kinh tế cơ bản như xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, nhà quản trị mua hàng, doanh số bán lẻ... trong tháng 5 đều có mức độ cải thiện tích cực. Tuy nhiên để đạt được mặt bằng bình thường như trước dịch là điều không thể, thậm chí trong cả năm 2020.
Đó là lý do tại sao mùa ĐHCĐ của các doanh nghiệp niêm yết trong tháng 5 đều phát đi thông tin kém khả quan khi phải điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận 2020, thậm chí nhiều doanh nghiệp không đưa ra mục tiêu vì có quá nhiều yếu tố bất định tác động trong thời gian tới.
Một mảng nhỏ, nhưng quan trọng trong các công ty niêm yết, là nhóm ngân hàng, đều dự kiến giảm đáng kể lợi nhuận cho quý II. Eximbank dự kiến lợi nhuận quý II chỉ bằng một nửa quý I.
Dù vậy, giá cổ phiếu EIB hiện đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm. EIB thậm chí giảm 40% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm 2020. Hầu hết ngân hàng lớn nhỏ đã tổ chức ĐHCĐ đều điều chỉnh giảm lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác cũng đề xuất cổ đông giảm lợi nhuận, như MWG giảm 28,6%, PNJ dự kiến giảm 30%, HBC giảm 31%...
Một báo cáo tổng hợp của Fiingroup hồi đầu tháng 6, cho rằng tác động từ dịch Covid-19 sẽ kéo giảm lợi nhuận 2020 của khối doanh nghiệp phi tài chính niêm yết khoảng 12% so với 2019. Thống kê kết quả kinh doanh quý I của gần 1.000 doanh nghiệp, doanh thu giảm 4,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh gần 58%.
Các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán cũng bi quan, cho rằng thị trường đang đi hơi nhanh so với mức định giá cơ bản. Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định quý II sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tệ nhất đối với nhiều lĩnh vực, cũng như tăng trưởng GDP.
Điều này khiến thị trường đang tỏ ra đắt hơn so với giai đoạn đầu năm, khi VN Index chỉ giảm 8,5% so với đầu năm, trong lợi nhuận cơ bản dự phóng trên mỗi cổ phiếu 2020 được điều chỉnh xuống -4% thay vì +12% thời điểm đầu năm.
Công ty chứng khoán Mirae Asset nhận xét thị trường tăng mạnh trở lại với P/E đạt trên 14 lần, tăng 36% so với mức đáy (P/E 10,3 lần). Mức định giá này được xem không còn rẻ trong mối tương quan đến tăng trưởng GDP và lợi nhuận doanh nghiệp dự phóng thấp hơn đáng kể cho cả năm 2020, đạt lần lượt 4,9% và 3%.
Công ty chứng khoán BSC cũng đồng quan điểm khi mức tăng trưởng nhanh và mạnh đã đưa thị trường trở lại ngưỡng định giá trước dịch bệnh, do các công ty niêm yết sụt giảm lợi nhuận tới 23% trong quý I.
Một chỉ tiêu quan trọng dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý II cũng như cả năm 2020 sẽ gặp nhiều khó khăn, là tốc độ tăng trưởng tín dụng đang rất chậm. Quý I tín dụng tăng trưởng 0,68% và tính đến giữa tháng 6 mới đạt 2,13%. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm từ ngày 19-5 đã bắt đầu xuống dưới ngưỡng 1%, đến ngày 16-6 ở mức thấp kỷ lục 0,17%. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng cũng lần đầu tiên xuống dưới mức 1%, hiện đang là 0,74%.
Thực trạng này thể hiện sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, đằng sau đó là doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn do không có nhu cầu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc khó khăn quá mức không thể đáp ứng điều kiện vay.