Đây có thể xem là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của TTCK theo hướng tăng trưởng bền vững.
(*) VN Index tiệm cận mốc lịch sử 10 năm qua
Vượt chỉ tiêu 70% GDP
Trước khi tái lập mốc 1.000 điểm, TTCK đã có năm giao dịch cực kỳ thành công trong năm 2017. Đầu tiên là thanh khoản trung bình của thị trường đạt 4.500 tỷ đồng/phiên, tăng 50% so với 3.000 tỷ đồng/phiên năm 2016. Năm 2017 cũng được gọi là “năm của các cổ phiếu bom tấn” khi hàng loạt doanh nghiệp có quy mô vốn khủng đồng loạt đổ bộ lên sàn, như HVN (Vietnam Airlines), PLX (Petrolimex), VJC (Vietjet Air), VPB (VPBank), VRE (Vincom Retail).
Nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của TTCK, UBCKNN sẽ chủ động phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các bộ ngành liên quan, cùng với các thành viên thị trường triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho hoạt động của các thành phần tham gia. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN |
Cùng với sự góp mặt của những cổ phiếu bom tấn mới, dòng tiền cũng đổ mạnh vào thị trường, giúp đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng. Theo thống kê, chỉ tính riêng sàn HOSE quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam chỉ sau 1 năm đã tăng thêm hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng (tương đương 110 tỷ USD).
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, vốn hóa của TTCK đã đạt được trên 78% GDP của năm 2016, 70,2% GDP của năm 2017 và cơ bản đã đạt chỉ tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2020 là 70%.
Bên cạnh dòng vốn nội, sự bùng nổ của VN Index trong năm 2017 có sự đóng góp không nhỏ của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) với giá trị mua ròng tăng đột biến lên mức 26.000 tỷ đồng, trong khi năm 2016 khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng. Đây là lượng giao dịch ròng trực tiếp thông qua giao dịch hàng ngày lớn nhất lịch sử, vượt xa cả thời kỳ bùng nổ cách đây 10 năm.
Ngoài ra, năm 2017 cũng không thể không nhắc đến hoạt động thoái vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn với quy mô cực lớn, diễn ra dồn dập trong các tháng cuối năm. Tiêu biểu nhất phải kể đến thương vụ chào bán 3,33% cổ phần tại Vinamilk và đặc biệt là thương vụ bán 53,59% vốn Sabeco với giá trị 110.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD).
Cả 2 thương vụ này đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của NĐT quốc tế. Những phiên đấu giá thành công nêu trên đã chuyển đi thông điệp trong năm 2018. Đó là NĐTNN đang rất mong chờ những phiên thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn, bao gồm cả những doanh nghiệp đang niêm yết như BSR, PV Oil, PV Power, PV Gas, VRG, ACV, Viglacera, Lilama, Vinapharm, Vnsteel, Vinatex, Vinataba.
Theo ông Nguyễn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán (CTCK) Rồng Việt (VDSC), xét về mặt định giá, dù TTCK Việt Nam đã không còn rẻ nhưng điều này hoàn toàn hợp lý. Đặt trong bối cảnh so sánh với các thị trường khác trong khu vực hay các thị trường vừa mới nâng hạn từ cận biên lên mới nổi theo chuẩn MSCI, rõ ràng TTCK Việt Nam vẫn còn nhiều câu chuyện hấp dẫn ở phía trước.
Thực tế, trong năm qua Việt Nam đã là một trong những điểm đến nổi bật của dòng tiền nước ngoài. Dòng vốn vào thị trường có thể tiếp tục dồi dào từ cả yếu tố vốn nội lẫn vốn ngoại. Kế hoạch IPO các doanh nghiệp tư nhân có nền tảng tốt, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa gắn liền với việc niêm yết, đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều lựa chọn hơn cho NĐT, đồng thời các vấn đề về room ngoại, các giải pháp nâng hạng thị trường… sẽ thu hút thêm lượng vốn đổ vào thị trường năm 2018.
Cơ hội đầu tư rộng mở
Cơ hội đầu tư rộng mở
Theo tính toán của CTCK Maybank KimEng (MBKE), chỉ riêng 15 công ty lớn chưa niêm yết đã có kế hoạch IPO, giá trị vốn hóa có thể đạt xấp xỉ 9 tỷ USD cộng thêm cho vốn hóa thị trường. Cùng với các đợt IPO lớn sẽ diễn ra trong năm 2018, lộ trình thoái vốn tại các doanh nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ diễn ra nhanh và mạnh hơn trong năm nay. Cụ thể, theo kế hoạch Chính phủ đã đề ra, sẽ có hơn 150 công ty nằm trong diện thoái vốn và đây sẽ là năm trọng điểm nhất trong việc thoái vốn giai đoạn 2018-2020.
1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của TTCK trong năm 2018 là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, trước mắt là hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển. Bên cạnh đó, phát huy ngày càng tốt hơn chức năng vai trò của TTCK với nền kinh tế; tăng cường hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm đảm bảo minh bạch, an toàn cho TTCK và hệ thống tài chính quốc gia. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính |
Phát biểu tại hội thảo “Cơ hội đầu tư - kinh doanh năm 2018” tổ chức ngày 5-1, ông Moon Kang, Tổng giám đốc CTCK Mirae Assets, chia sẻ về dài hạn có 2 lĩnh vực thu hút vốn từ NĐTNN là công nghiệp tiêu dùng (thực phẩm và đồ uống) và ngân hàng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn ngành xăng dầu sẽ thu hút nhiều vốn từ NĐTNN. Hiện các công ty Hàn Quốc ở Việt Nam đang rất quan tâm sự kiện thoái vốn nhà nước tại BSR, PV Oil, PV Power. Việc IPO thành công sẽ cho phép NĐT Hàn Quốc hợp tác các công ty này thành đối tác chiến lược.
“Tôi cho rằng, trong ngắn hạn, xăng dầu là lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nước ngoài” - ông Moon Kang nói. Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), nhận định các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ là sự lựa chọn. Với dân số hơn 90 triệu người, sức tăng trưởng của nền kinh tế đến nhiều từ tăng trưởng tiêu dùng, do đó các cổ phiếu ngành lương thực thực phẩm, bán lẻ, phân phối, du lịch sẽ là nhóm ngành nhận được nhiều sự quan tâm.
Bên cạnh làn sóng thoái vốn, xu hướng niêm yết mới của nhiều ngân hàng được dự báo sẽ tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho TTCK trong năm 2018. Có thể lấy dẫn chứng từ Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank). Phiên chào sàn ngày 5-1 của 981 triệu cổ phiếu HDB đã thành công mỹ mãn, khi mã cổ phiếu này tăng hết biên độ (từ 33.000 đồng/cổ phiếu lên mức 39.600 đồng/cổ phiếu) và hơn 32 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Tiếp theo sau HDBank sẽ là Techcombank và OCB. Theo nhận định của CTCK ACB (ACBS), việc nhiều công ty lớn dự kiến lên sàn trong năm 2018 sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư vào TTCK và là lực hút mạnh cho các dòng vốn, đặc biệt là các dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới.
Sau khi tái lập mốc 1.000 điểm, VN Index đã có phiên điều chỉnh ngày 5-1, qua đó chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp. Điểm sáng trong phiên điều chỉnh này là thanh khoản tiếp tục tăng mạnh và đạt mức 284 triệu CP, tương đương giá trị giao dịch 7.727 tỷ đồng. Thanh khoản tăng cao trong phiên điều chỉnh sẽ là động lực để thị trường nhanh chóng lấy lại được đà tăng trong những tuần tiếp theo. Thậm chí, nhiều CTCK còn khuyến nghị NĐT nên gia tăng tỷ trọng vào những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong năm 2017.
Phiên chào sản của HDBank vào ngày đầu năm mới đã thành công mỹ mãn.
Theo CTCK KIS Việt Nam (KIS), nhiều khả năng chỉ số sẽ có những nhịp bùng nổ để tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 1.170 điểm, do nó đã hội đủ những yếu tố tích cực cả về sức mạnh giá và sức mạnh dòng tiền. Dòng tiền luôn tỏ ra rất tự tin khi sẵn sàng giải ngân vào những nhịp rung lắc của thị trường chung.
Do đó, VN Index sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng mạnh trong quý I, với mục tiêu đỉnh cũ quanh 1.160-1.170 điểm. Trong kịch bản bình thường, VN Index ít nhất cũng sẽ chinh phục được ngưỡng 1.040-1.050 điểm. Đồng thời, mốc 900-910 điểm được xem là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy trong trung hạn, khi đây chính là vùng giá có lực cầu bắt đáy mạnh, nhất khi chỉ số có những phiên điều chỉnh trong tháng 12-2017.
Nhìn nhận đúng thực tế
Nhìn nhận đúng thực tế
Có nhiều lý do để giới đầu tư tiếp tục dành sự tin tưởng lớn vào triển vọng của thị trường trong năm 2018. Xu hướng tăng trung hạn dự kiến sẽ vẫn phát triển lành mạnh trong 12 tháng tới, và mức độ tăng điểm của VN Index có thể xấp xỉ những gì chỉ số này đã làm được trong năm 2017. Một số nguyên nhân quan trọng để MBKE đưa ra nhận định này, bao gồm năm nay kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng ở mức cao; tiếp tục là năm cao điểm trong tiến trình tái cơ cấu, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; đây là giai đoạn chuẩn bị quan trọng nhất cho mục tiêu nâng hạng thị trường trong 2019-2020.
Dưới góc độ thận trọng hơn, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư CTCK Sài Gòn (SSI), cho rằng con số 1.000 điểm đạt được đến từ 2 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế kéo theo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, mã đóng góp nhiều nhất cho VN Index là VNM (Vinamilk) đóng góp hơn 50 điểm nhưng lợi nhuận lại chỉ tăng 14%. Từ đó cho thấy tăng trưởng cổ phiếu lớn hơn rất nhiều so với tăng trưởng lợi nhuận. Điều này mang đến việc định giá thị trường như P/E tăng lên 19,2x.
Thứ hai, sự xuất hiện của các “bom tấn” như VJC hay VRE. Những doanh nghiệp này lên sàn với giá mềm nên tăng giá mạnh và kéo VN Index tăng theo. Chính vì vậy, dù thị trường đang có nhiều tín hiệu tốt nhưng NĐT cũng không quá lạc quan. Nhìn xa một chút, VN Index chưa thể vượt qua mốc 1.300 điểm.
Năm 2018 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng năm 2017 nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Đầu tiên là cho vay margin và cho vay ký quỹ tăng khá mạnh. Tiếp theo là thị trường có bền vững hay không cũng cần hết sức lưu ý. Bởi lẽ, năm 2017 thị trường tăng 48% nhưng lại thiếu tính bền vững, vì chủ yếu tập trung vào 3-4 doanh nghiệp và chỉ tăng mạnh trong những tháng cuối cùng trong năm.