Dù thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (từ 10-14/8) rơi vào trạng thái giằng co, tích lũy, nhưng kết thúc tuần giao dịch các chỉ số vẫn tiếp tục đi lên.
Với diễn biến hiện tại của thị trường, có hai luồng ý kiến nhận định khác nhau cho tuần giao dịch tới (từ 17-21/8) của các chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán.
Ở chiều hướng lạc quan, các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS cho rằng phiên cuối tuần, thị trường điều chỉnh kỹ thuật sau nhịp tăng hơn 10% kéo dài 2 tuần vừa qua.
Tuy vậy, áp lực chốt lời phần lớn tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đó cũng là lý do thị trường chỉ giảm nhẹ nhưng số mã giảm phiên này đã tăng lên đáng kể.
Đây là phiên chốt lời thuần túy khi cả trong và ngoài nước không có thông tin bất lợi tác động đến thị trường. Vì vậy, MBS nhận định xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa có gì thay đổi khi vẫn giữ vững mốc 850 điểm.
Trong khi đó, tuy vẫn giữ quan điểm thận trọng, nhưng ông Trần Xuân Bách, phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng, chỉ số VN-Index sẽ sớm vượt qua vùng kháng cự 858-860 điểm để hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 878-884 điểm trong ngắn hạn.
Vị chuyên gia này cho biết trong tuần tới, diễn biến thị trường có thể chịu biến động mạnh vào giữa tuần do thứ 5 sẽ là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8.
Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số MSCI (Frontier Market Index) cũng sẽ diễn ra vào những tuần cuối tháng 8 và có thể tạo ra biến động mạnh ở các cổ phiếu bluechips (cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, có thu nhập ổn định, cổ tức thấp và độ rủi ro thấp) nằm trong danh mục của các bộ chỉ số này.
Có góc nhìn không tích cực về diễn biến thị trường, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho rằng phiên giao dịch cuối tuần không được trọn vẹn khi các chỉ số đã tăng trưởng ở đầu phiên nhưng về sau thì không thể giữ nhịp được do áp lực chốt lãi lớn trên toàn thị trường.
Những dấu hiệu cho thấy thị trường vẫn có thể còn điều chỉnh, chưa đạt đến mức cân bằng của bên bán và bên mua. Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần giữ vững tinh thần và không nên vội tham gia vào giai đoạn khá gay cấn này để bảo toàn tài khoản của mình.
Đồng quan điểm với VDSC, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết phiên cuối tuần qua, VN-Index tăng nhẹ trong phiên sáng và giảm dần từ đầu phiên chiều, sau đó đóng cửa tại mức 850,74 điểm.
Dòng tiền đầu tư cho thấy trạng thái tiêu cực khi 14/19 các nhóm ngành giảm điểm.
Trong khi đó, khối ngoại đã tiếp tục bán ròng mạnh trên cả hai sàn HOSE và sàn HNX.
Thanh khoản thị trường không thay đổi nhiều so với phiên hôm trước, độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực cho thấy tâm lý giao dịch lạc quan ở các phiên trước đang yếu dần.
Theo đánh giá của BSC, việc các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khi chỉ số kiểm tra vùng cản 860 là một động thái cần lưu tâm và nhiều khả năng VN-Index sẽ chưa thể bứt phá cao hơn trong những phiên tới.
Thực tế, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm trong tuần từ 10-14/7, tuy nhiên, mức tăng điểm là khá yếu do đa phần thị trường rơi vào trạng thái giằng co tích lũy.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 9,28 điểm (1,1%) lên 850,74 điểm; HNX-Index tăng 3,459 điểm (3,1%) lên 116,23 điểm.
Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, với việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua thì toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 4,4% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như PVS tăng 0,8%, BSR (1,6%), PVD (2,5%), OIL (2,7%), PLX (4,5%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 3,2% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như VJC tăng 0,3%, SCS (2,2%), HVN (4%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 2,4% giá trị vốn hóa, với các mã như VPB tăng 0,7%, BID (2,4%), CTG (3,3%), TCB (3,4%) MBB (5,2%), ACB (6,8%)...
Ngành nguyên vật liệu cũng tăng 2,4% vốn hóa do các trụ cột trong ngành đều lên giá như DPM tăng 3,3%, DCM (5,1%)...
Các nhóm ngành cổ phiếu khác được mua vào và đồng loạt tăng như ngành công nghiệp tăng 1,5%, công nghệ thông tin (1,4%), tài chính (0,8%), dược phẩm và y tế tăng 0,8%, hàng tiêu dùng (0,6%)...
Dù thị trường tăng điểm, nhưng khối ngoại tuần quan bán ròng mạnh, đạt 884,4 tỷ đồng. Chỉ tính riêng sàn HOSE, khối ngoại đã bán ròng 741 tỷ đồng.
Không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua diễn biến giằng co, rung lắc, các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng diễn biến trồi sụt, thất thường.
Chưa thể bứt phá
Thị trường chứng khoán Mỹ biến động bất nhất trong tuần giao dịch qua, khi giới đầu tư tập trung sự quan tâm vào kế hoạch đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, tiến trình đàm phán tại Washington về gói kích thích mới của Mỹ liên quan đến đại dịch COVID-19 vẫn bế tắc đã gây sức ép suy giảm lên thị trường.
Mặc dù nhiều nhà đầu tư đã "phớt lờ" những căng thẳng mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc để đặt kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới này, song cuộc thảo luận trực tuyến theo dự kiến ban đầu diễn ra vào ngày 15/8 đã bị trì hoãn và hai bên vẫn chưa thống nhất ấn định thời điểm tổ chức cuộc thảo luận này đã khiến thị trường trầm lắng hơn.
Thêm vào đó, triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ xuất hiện thêm các dấu hiệu bất ổn cũng “phủ bóng đen” lên thị trường cổ phiếu.
Một thông tin khác đã góp phần tác động tích cực tới Phố Wall trong tuần qua là việc ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden công bố đối tác liên danh tranh cử, Thượng nghị sỹ Kamala Harris, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/8, chứng khoán Mỹ gần như đi ngang và chỉ số S&P 500 một lần nữa không thể vượt qua mức cao kỷ lục đã xác lập hồi tháng 2/2020.
Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 hạ 0,58 điểm (0,02%) xuống 3.372,85 điểm, cách không xa mức cao kỷ lục ghi nhận ngày 19/2/2020 là 3.386,15 điểm.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones “nhích” 34,3 điểm (tương đương 012%) lên 27.931,02 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite mất 23,2 điểm (0,21%), xuống 11.019,3 điểm.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số S&P 500 tăng 0,6%, chỉ số Dow Jones tăng 1,8% và Nasdaq cộng 0,1%.
Các cổ phiếu công nghệ lớn chịu áp lực nhẹ vào cuối phiên giao dịch khi cổ phiếu Amazon và Alphabet lần lượt giảm 0,41% và 0,79%.
Tuy nhiên, các cổ phiếu được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tái mở cửa kinh tế đã giúp bù đắp phần nào đà giảm điểm này. Cổ phiếu United Airlines, Delta và Southwest đều tăng ít nhất 0,5%.
Các nhà lập pháp Mỹ dường như không thể sớm đạt được đồng thuận về dự luật cứu trợ mùa dịch COVID-19. Điều này có thể kéo dài trong nhiều tuần khi Thượng viện Mỹ đang trong kỳ nghỉ cho đến sau Ngày Lao động (7/9).
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch 14/8.
Kết thúc phiên giao dịch 14/8, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,2% lên 23.289,36 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1,2% lên 3.360,10 điểm.
Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,2% xuống 25.183,01 điểm, còn chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) để mất 1,23% (tương đương 30,04 điểm) xuống còn 2.407,49 điểm.