Từ cô bé chăn vịt trở thành nữ tỷ phú

(ĐTTCO) - Năm 2017, bà Zhou Qunfei (Chu Quần Phi) được tạp chí chuyên về xếp hạng tỷ phú Forbes tôn vinh là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới, với tài sản ròng đạt 7,4 tỷ USD. Hiện nay (tháng 11-2022), bà Chu nắm giữ khối tài sản trị giá 7,1 tỷ USD.
Từ cô bé chăn vịt trở thành nữ tỷ phú
Chạy ăn từng bữa
Sinh ra trong gia đình nghèo khó ở Tương Hương, Hồ Nam, Trung Quốc, thuở thiếu thời của bà Chu thực sự là những tháng ngày gian khổ. Cha bà vốn là thợ thủ công lành nghề, nên lương của ông ở nhà máy cũng tạm đủ chu cấp gia đình.
Tuy nhiên, tai nạn lao động đã khiến ông bị mù mắt và mất một ngón tay trước khi bà Chu được sinh ra. Vì vậy, gia đình bắt đầu rơi vào khốn khó, nhất là khi mẹ của bà mất khi bà mới 5 tuổi. Gia cảnh quá khó khăn đã khiến bà Chu phải nuôi heo và chăn vịt để có thêm nguồn thức ăn và thu nhập cho gia đình. “Tôi nhớ mình luôn lo lắng không biết làm sao có được bữa ăn tiếp theo” - bà Chu kể.
Năm 1986, bà Chu phải rời trường trung học khi 16 tuổi để đi làm công nhân tại nhà máy sản xuất mặt kính đồng hồ ở Thâm Quyến. Tại đó, bà bị ép làm việc hơn 12 tiếng gần như mỗi ngày. Thế nhưng, bà vẫn tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại để đi học thêm về kế toán. Qua nhiều năm làm việc chăm chỉ, đến năm 1993 bà tích góp được số vốn ít ỏi 20.000HKD (khoảng 2.500USD khi đó) và khởi sự thành lập công ty riêng cũng về mặt kính đồng hồ. 
Đó là khởi đầu tươi sáng cho cuộc đời Chu, nhưng vẫn có rất nhiều khó khăn chờ đón bà phía trước. Rồi bước ngoặt thực sự của cuộc đời bà đã đến. Đó là năm 2003, khi hãng di động nổi tiếng thế giới Motorola gọi cho bà Chu để đặt công ty của bà thiết kế mặt kính chống trầy xước cho dòng điện thoại Razr V3 của họ. Theo sau đó, các hãng điện thoại tên tuổi khác như HTC, Nokia, Samsung cũng lần lượt tìm đến bà Chu. Và ngay cả người khổng lồ Apple cũng đặt hàng Công ty Lens Technology sản xuất mặt kính cho điện thoại iPhone nổi tiếng của họ.
Công ty của bà Chu nhanh chóng nổi tiếng và không ngừng gia tăng giá trị. Đến năm 2016, giá trị tài sản của bà đạt 5,9 tỷ USD, được Forbes đưa vào danh sách Những phụ nữ quyền lực nhất châu Á-Thái Bình Dương. Đến năm 2017, tài sản của bà đạt 7,4 tỷ USD. Điều này khiến bà không chỉ là người phụ nữ giàu nhất Hoa lục, còn là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới. Dù vậy, bà Chu vẫn làm việc không mệt mỏi, hầu như tới 18 tiếng mỗi ngày, để vượt qua những khó khăn mới.

Quan trọng nhất là chữ “Nhẫn”
Khi được các tờ báo của Mỹ tìm đến để phỏng vấn về bí quyết thành công, bà Zhou chia sẻ có điều đóng góp lớn nhất cho sự thành công của bà, đó là “nhẫn nại”. Bà nói: “Khi trở thành doanh nhân, tôi phải đương đầu với muôn vàn khó khăn và những tình huống tuyệt vọng. Nếu không đủ kiên nhẫn để tiếp tục đương đầu, hẳn sẽ không có Chu Quần Phi hiện nay và cũng không có Lens Technology”.
Từ khi thành lập công ty vào năm 1993 đến 10 năm sau, năm 2003, công ty bà Chu chỉ có khoảng 1.000 công nhân viên. Nhưng đến năm 2003, khi bà đạt được hợp đồng “đổi đời” với Motorola, cũng là lúc sóng gió ập đến. Khi đó, các đối thủ trong ngành vô cùng ghen tức với bà, đã bắt tay nhau quyết trù dập cho bà “chết”. Họ liên kết với nhau và với các nhà cung ứng, cố gắng loại bà ra khỏi cuộc chơi. “Các nhà cung ứng đã không tuân theo lệ của ngành, bắt tôi phải thanh toán trước khi họ chuyển tới bất kỳ nguyên liệu vật tư nào” - bà Chu nhớ lại.
Để có tiền trả trước cho các nhà cung ứng vật tư, bà Chu đã bán căn nhà của mình và những thứ giá trị khác, nhưng vẫn không đủ. Bà kể: “Tôi vô cùng tuyệt vọng. Tôi đứng ở ga Hung Hom ở Hồng Kông, suýt nữa nhảy xuống đường tàu. Tôi nghĩ rằng nếu mình chết mọi rắc rối cũng sẽ tan biến”.
Nhưng ngay lúc đó, một cuộc điện thoại từ người con gái đã đưa bà về với thực tại. “Tôi nhận ra rằng bởi vì có gia đình và nhân công của mình, tôi không thể từ bỏ. Tôi phải tiếp tục cố gắng” - bà Chu nói và cho biết sau đó bà đánh liều gửi email cho Motorola, trình bày những khó khăn của mình và yêu cầu họ hỗ trợ. 
Thật may mắn, những lời lẽ chân thành của bà đã khiến các nhà điều hành Motorola lay chuyển và hỗ trợ tiền mua vật tư, giúp bà vượt qua cuộc khủng hoảng. Đến tháng 3-2015, công ty của bà được IPO, và thuê mướn thêm hơn 82.000 nhân công. “Nhiều người sẽ phải kinh qua những cú sốc niềm tin khi bị lâm vào những dòng nước ngược. Nhưng chìa khóa thành công là phải biết nhẫn nại, đặt biệt trong những thời điểm khó khăn nhất” - bà Chu chia sẻ và cho biết mình đã 2 lần phải bán nhà để trả tiền lương cho nhân công.
Ngoài nhẫn nại, những yếu tố khác giúp bà thành công gồm việc phải biết nắm lấy cơ hội, sẵn sàng đương đầu với rủi ro, trong khi phải luôn thành thực và biết ơn những người giúp mình, đồng thời cũng phải biết cách thư giãn để giữ cân bằng. Khi còn làm thuê ở nhà máy, bà vẫn không ngừng học hỏi để tìm cơ hội.
Đến khi tự thành lập công ty riêng, bà đã có đủ bằng cấp về kế toán, máy vi tính, xử lý hải quan... Khi điều kiện làm việc của nhà máy ngày càng khắt khe, bà Chu quyết định nghỉ việc, nói thẳng với cấp trên rằng thời gian làm việc quá dài và bà không thấy triển vọng thăng tiến. Bà cũng cảm ơn lãnh đạo nhà máy vì tạo cơ hội cho bà học hỏi.
Ấn tượng trước sự thành thật của bà, họ quyết định giữ bà lại đồng thời thăng chức cho bà. Khi nhà máy phải đóng cửa vì phá sản, bà Chu đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và dùng những gì bà học hỏi được trong quá trình làm việc tại đó để thành lập công ty riêng ở tuổi 22, trở thành tỷ phú vào năm 47 tuổi (năm nay bà 52 tuổi).
Mặc dù công việc chiếm gần hết thời gian, nhưng bà Chu vẫn tranh thủ tìm những phút giây thư giãn. Bà thích môn leo núi và chơi bóng bàn. Chính những điều này giúp bà cân bằng lại cuộc sống của mình. Khi bà cùng 20 người trong ban giám đốc công ty leo lên núi Dawei ở Trung Quốc, một số người muốn bỏ cuộc giữa chừng. Bà Chu động viên họ tiếp tục: “Khi bạn từ bỏ giữa chừng, bạn sẽ không đủ dũng khí để bắt đầu trở lại từ dưới chân núi và leo lên. Chỉ khi kiên trì, chúng ta mới thành công. Đừng từ bỏ chỉ vì một ít khó khăn”. 
 Kiên trì, nhẫn nại, biết nắm lấy cơ hội và sẵn sàng đương đầu với rủi ro, là những đức tính của nữ tỷ phú tự thân Chu Quần Phi.

Các tin khác