Tại nước ta, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng được đặc biệt quan tâm, thể hiện qua những chương trình, chính sách hướng tới phát triển nền kinh tế xanh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai tại Việt Nam đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên diện rộng và không riêng lĩnh vực nào. Trong mục này của số báo trước, ĐTTC đã có bài “Báo động ô nhiễm chất thải”, nêu rõ một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường là chuỗi gần 300 khu công nghiệp - khu chế xuất và hơn 600 cụm công nghiệp đang ngày đêm hoạt động. Thiệt hại do ô nhiễm môi trường tại Việt Nam được ước tính vào khoảng 5% GDP, tương đương 10 tỷ USD/năm.
Việt Nam hiện xếp thứ 10 từ dưới lên trong số 180 quốc gia về ô nhiễm môi trường. Rõ ràng môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, có hơn 2.000 dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hiện tại trong số gần 900 khu công nghiệp - khu chế xuất và cụm công nghiệp, chỉ 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung, số còn lại xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc tự xử lý nước thải.
Đặc biệt, trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một số ngành, địa phương chỉ chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt nên dễ dãi trong việc thẩm định, xét duyệt dự án. Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả trong việc phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm của Nhà nước chưa cao… Những bất cập này đã dẫn đến nhiều dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường, như Công ty Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men…
Chưa hết, hàng năm cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi không hợp vệ sinh. Trong sản xuất nông nghiệp, 98% nông dân đốt rơm sau vụ đông - xuân, 90% đốt sau mùa hè và 54% đốt sau mùa thu - đông.
Việc đốt các tàn dư nông nghiệp sẽ phát các chất khí gây ô nhiễm và làm tổn hại sức khỏe người dân một cách nghiêm trọng, đồng thời góp phần làm khí hậu nóng lên trong thời gian ngắn. Rồi việc sử dụng thuốc trừ sâu với dư chất hóa học nguy hiểm sẽ thấm sâu vào đất canh tác và nguồn nước ngầm…
Phát triển kinh tế là cần thiết, song nếu chúng ta tiếp tục giai đoạn phát triển nóng như hiện nay, chỉ tập trung cho tăng trưởng mà quên đi các mục tiêu về phát triển bền vững, các thế hệ trong tương lai sẽ phải thừa hưởng một gia sản nghèo nàn và môi trường ô nhiễm. Do đó, đây là thời điểm đưa ra những quyết sách mạnh mẽ, tạo ra được sự thay đổi, xác lập nền móng chắc chắn để thực hiện các chủ trương, quan điểm về bảo vệ môi trường.
Như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF6) diễn ra mới đây ở Đà Nẵng: “Phát triển kinh tế với gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của nhân dân”.
Thực tế không phải chúng ta không nhận thức được điều này. Đã có rất nhiều quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, cũng như những giải pháp kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Thời gian qua đã có gần 2.230 tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Song dường như những biện pháp chúng ta đưa ra chỉ mang tính tình thế.
Trong khi đó, sự cạnh tranh gay gắt giữa các tỉnh thành để thu hút FDI càng làm vấn đề trầm trọng hơn. Thậm chí nhiều địa phương sẵn sàng nhượng bộ nhiều điều kiện môi trường để có dự án đầu tư, cũng như vì lợi ích riêng của mình.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần hiện hữu, nếu chậm trễ, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, lạc hậu và ô nhiễm của thế giới. Trong bối cảnh này, vấn đề bảo vệ môi trường không chỉ là với trách nhiệm tương lai, mà đang hiện hữu. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình, do đó cần có những giải pháp ngay lập tức chứ không phải trung, dài hạn.
Thí dụ, từ hôm qua 1-7, TPHCM đã tăng phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xả nước thải công nghiệp, trong đó có bổ sung đối tượng thu phí là các bệnh viện, phòng khám, nhà máy xử lý rác. Theo đó, cách tính phí có sự thay đổi theo hướng nồng độ ô nhiễm trong nước thải càng cao chủ cơ sở phải đóng phí càng nhiều. Đây có thể coi là cách làm tốt cần nhân rộng.
Vấn đề đặt ra, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, nhưng do nhiều nguyên nhân những yếu kém chưa được giải quyết triệt để, nhất là trách nhiệm ở các cấp ngành, địa phương đang trực tiếp quản lý việc cấp phép liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường. Vì vậy, đây là lúc chính quyền các cấp phải thay đổi tư duy về vấn đề môi trường, phải thực sự xem trọng công tác bảo vệ môi trường và có những biện pháp bảo vệ phù hợp, từ đó tác động và lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, để tạo thành hành động chung của toàn dân trong việc bảo vệ môi trường sống của mình.