Cả thèm chóng chán
Helen sống trong căn hộ 3 phòng ngủ thuê ở ngoại ô London cùng chồng - Luke - và bộ sưu tập giày thể thao của anh. Những đôi giày thể thao của Luke đã chật kín gác xép và kho chứa. “Một số phiên bản được phát hành chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Chúng tôi đã từng phải tấp vào đường cao tốc, sử dụng Twitter liên tục để có được một đôi giày” - Helen kể. Luke đã dành nhiều thời gian để đầu tư vào các đôi giày thể thao “ăn liền”, nhưng lại không hề rẻ. Khi giày bắt đầu “tấn công” cả phòng ngủ của 2 vợ chồng, Helen buộc Luke dừng lại và họ đến đây để thanh lý bớt đống giày, trong đó có những đôi còn mới nguyên.
Không như giày da kinh điển, đối với giày thể thao, nhãn hiệu mới là “vua”. Một đôi giày hôm nay có giá hàng trăm bảng tại Sneaker Con có thể trở nên vô giá… trị vào ngay ngày hôm sau. Ở góc độ cá nhân, căn bệnh “cả thèm chóng chán” đối với giày thể thao đã khiến Helen và Luke khốn khổ, nhưng xét rộng hơn, nó còn đầu độc môi trường tự nhiên và xã hội, xét theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này.
Ngành công nghiệp giày thể thao toàn cầu có giá trị ước tính hơn 200 tỷ USD vào năm 2020.
The Guardian của Anh cho biết, để đạt được năng lực sản xuất khổng lồ (24,2 tỷ đôi giày vào năm 2018) và giảm thiểu chi phí, các nhà máy sản xuất giày thể thao thường đặt gia công ở những nước kém phát triển với các nhà máy ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm như thiếu lối thoát hiểm, thông gió kém, hóa chất độc hại và nhân công rẻ mạt. Ở Pakistan, một gia đình có 4 người gia công giày chỉ kiếm được khoảng 8 bảng Anh mỗi ngày, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ có những trẻ em tị nạn người Syria mới 6 tuổi đã tham gia vào chuỗi sản xuất.
Chuyện gì xảy ra khi những đôi giày thất sủng? Trong một khu công nghiệp ở phía Tây Bắc London có một kho chứa lớn của Traid, một tổ chức từ thiện chuyên tái chế hàng may mặc. Jose Bladron, Giám đốc bộ phận tái chế cho biết, khi mức tiêu thụ giày tăng lên, giá giày rẻ đi tương ứng với chất lượng và chúng càng ngày càng trở nên khó tái chế hơn.
GS. Shahin Rahimifard, Trường Đại học Loughborough, đã bắt đầu nghiên cứu vấn đề tái chế giày từ 15 năm nay. Ý tưởng đầu tiên là chỉ thay thế từng phần bị hỏng hoặc đế giày, hoặc mũ giày. Nhưng khi tái chế xong, sản phẩm đã lỗi mốt, và rất khó kiểm soát chất lượng hay tính đồng nhất của sản phẩm. Rahimifard sau đó sử dụng giải pháp phân mảnh, tháo các bộ phận cấu thành rồi tiếp tục phân loại bộ phận theo loại vật liệu.
Điều này cũng rất khó, bởi có từ 10-15 loại vật liệu khác nhau trong một chiếc giày. Các công ty sản xuất khác nhau mua đế và các bộ phận của giày từ các nhà cung cấp khác nhau và các nhà cung cấp lại sử dụng các loại nhựa khác nhau. Việc trộn màu cũng gây khó khăn không kém, đặc biệt là việc sử dụng kim loại làm vỏ giày hoặc đinh tán trang trí thì thực sự là một tai họa, vì rất khó để cắt nhỏ.
Giải pháp tái sinh
Giải pháp tái sinh
Nike gần đây cho ra mắt mẫu giày Space Hippie, với một số nguyên liệu được làm từ chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, tác dụng thực tế của một mẫu giày “xanh” này tới môi trường không đáng là bao so với hàng trăm triệu đôi giày mỗi năm của thương hiệu này. Các nhà sản xuất giày thể thao thường không vui vẻ khi thiết kế những sản phẩm có tuổi thọ cao. Hầu hết các loại giày chạy được bán trên thị trường, kể cả loại đắt nhất, chỉ có công suất sử dụng tối đa hơn 800km. Nike, năm 2003 còn tự hào “khoe” mẫu giày Mayfly (nghĩa là con phù du, loài côn trùng chỉ sống tối đa 48 giờ - PV) chỉ có tác dụng bảo vệ đôi chân trong 100km trước khi bị mòn.
Cách khác, đang được một số công ty như Vivobarefoot áp dụng, là cung cấp những đôi giày đế nhỏ gọn, có độ dày tối thiểu; đồng thời loại bỏ các vật liệu (chẳng hạn như kim loại) gây khó khăn cho việc tái chế.
Một ý tưởng khác về một “thư viện giày” - tương tự như sàn giao dịch quần áo cộng đồng Leeds, cho phép mọi người dễ dàng mua lại với giá rẻ những đôi giày phù hợp với mình mà người khác đã quyên tặng hoặc bán rẻ vì không còn thích nữa. Với những người tiêu dùng khỏe mạnh và quyết tâm, TS. Kate Fletcher, Giáo sư Đại học thời trang London cho rằng một cách đơn giản để tránh mua giày mới là đi chân trần khi có thể. Nếu kiên trì, việc này còn giúp phát triển sức mạnh ở dây chằng, mắt cá chân và đầu gối của bạn.
Sau cùng, TS. Richard Heath, một đồng nghiệp của Rahimifard, táo bạo đề xuất tạo ra những đôi giày… ăn được sau khi sử dụng. Ý tưởng trên được lấy lại từ đạo diễn phim người Đức Werner Herzog đã từng làm điều đó sau khi thua cược với một đạo diễn khác. Ông mang giày đến một nhà hàng hàng đầu của California, hầm chúng trong 5 tiếng, nêm nếm gia vị và… ăn luôn một chiếc trước ống kính máy quay. Heath có cách tiếp cận ít kịch tính hơn, ông đang nghiên cứu chất liệu da giày để sau khi sử dụng có thể phân tách thành gelatine và sợi, sau đó sử dụng trong công nghệ thực phẩm.