Tụt hậu logistics

Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) được dự báo sẽ tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Đó không chỉ tác động đối với công cuộc cải cách nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) cần phải nỗ lực cải thiện và tăng cường năng lực cạnh tranh. Ngành logistics không nằm ngoài xu hướng này.

Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) được dự báo sẽ tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế. Đó không chỉ tác động đối với công cuộc cải cách nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và hoàn thiện thể chế mà còn đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) cần phải nỗ lực cải thiện và tăng cường năng lực cạnh tranh. Ngành logistics không nằm ngoài xu hướng này.

 

Đầu tiên, sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu khiến logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng của hoạt động thương mại quốc tế. Những cam kết về gỡ bỏ rào cản thuế quan và phi thuế quan của các FTA mang đến kỳ vọng mở rộng thị trường cho các DN trong nước. Từ đó, nhu cầu đối với dịch vụ logistics, cả xuất và nhập, đều sẽ tăng cao. Thương mại gia tăng là động lực cho sự phát triển các dịch vụ logistics trong nước.

Các FTA mới còn hứa hẹn sẽ thúc đẩy kiện toàn, cải thiện hơn nữa bộ máy Nhà nước theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong nhiều lĩnh vực liên quan đến điều hành kinh tế. Những nỗ lực và giải pháp của Chính phủ trong việc cải cách thủ tục hành chính, tiêu biểu như việc áp dụng Hệ thống thông quan tự động và Cơ chế một cửa quốc gia - Hệ thống VNACCS/VCIS, đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Đối với ngành logistics, những cải cách như giảm thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, hoàn thiện khung pháp lý cho ngành và chuẩn hóa quy trình dịch vụ, hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hay việc cải thiện, mở rộng cơ sở hạ tầng, quy hoạch hệ thống kho bãi, cảng biển, sân bay, cũng như các phương tiện vận tải… sẽ tạo điều kiện cho các DN logistics phát triển.

Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi vẫn luôn được xem là một quốc gia logistics tiềm năng. Chúng ta có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành vận tải với đường bờ biển dài, nằm ở vị trí chiến lược trung tâm của khu vực Đông Nam Á. Hy vọng, sự sôi động của hoạt động thương mại sắp tới sẽ tạo nên một cú hích để ngành logistics Việt Nam có thể tiến xa hơn, không chỉ với vai trò mắt xích giữa Việt Nam và các đối tác trên thế giới, mà còn là trạm trung chuyển cho dòng lưu thông hàng hóa khu vực và toàn cầu.

Khái niệm “tự do thương mại” trong các FTA đem đến cơ hội tiếp cận thị trường mới, đồng thời cũng yêu cầu mở cửa thị trường nội địa. Các DN logistics Việt Nam cần phải cạnh tranh với các DN logistics nước ngoài. Đặc biệt, với việc thành lập AEC đã đến rất gần, khá nhiều DN logistics các nước thuộc khối ASEAN đã sang Việt Nam đầu tư mở rộng thị trường.

Ngoài ra, nhờ vào các FTA, số lượng DN FDI tăng nhanh. Thường những DN này sẽ sử dụng dịch vụ vận tải của các công ty logistics có vốn đầu tư từ nước họ. Như vậy, các DN logistics trong nước sẽ khó tiếp cận, hợp tác làm ăn với những DN FDI trên. Việt Nam hiện có khoảng 1.300 DN logistics đang hoạt động, bao gồm cả DN có vốn FDI. Đa phần DN dịch vụ logistics của Việt Nam là DN nhỏ, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất như kho tàng, bến bãi, công nghệ thông tin, phương tiện vận chuyển…

Do đó chỉ hoạt động trong một phân khúc nhỏ của ngành như dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan... Hiệu suất thấp cùng với quy trình hải quan kéo dài và cơ sở hạ tầng kém phát triển dẫn tới chi phí logistics chiếm đến gần 25% GDP cả nước. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ chi phí logistics trên GDP này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Singapore (8%), Malaysia (13%), Thái Lan (19%), Trung Quốc (18%); cao gần gấp 3 lần so với Hoa Kỳ (7,7%) và gấp hơn 2 lần so với Nhật Bản (11%) và các nước khối EU (10%).

Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, trước hết các DN logistics cần chủ động liên kết với các DN cùng ngành, đẩy mạnh hợp tác với các DN xuất nhập khẩu để tăng hiệu suất và chất lượng dịch vụ, hình thành các chuỗi liên kết đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường chung ASEAN, việc đẩy mạnh kết nối vận tải với các quốc gia láng giềng không những phát huy hiệu quả chi phí, mà còn là cơ hội cho DN trong nước học hỏi những mô hình, phương thức hay của các đối tác.

Bên cạnh những nỗ lực tự thân vận động, cải tiến và nâng cao năng lực của các DN, các DN logistics rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện, cơ chế vận hành đồng bộ và chiến lược phát triển dài hạn. Đồng thời, vai trò của các hội nghiệp ngành nghề cũng rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực ngành và hỗ trợ liên kết DN trong và ngoài nước.

Các tin khác