Metro là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, chạy bằng điện nên khi được đưa vào hoạt động vừa giúp TPHCM giải bài toán vận tải, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo MAUR, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên hiện tại đã hoàn thành 97% nhưng chưa xác định chính xác được bao giờ đi vào vận hành khai thác.
Tàu Metro chạy thử nghiệm rời ga Ba Son tiến về TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên khởi công tháng 8-2012, dự kiến đưa vào khai thác sau 6 năm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án liên tục gặp khó khăn về thủ tục, nguồn vốn, khiến công trình liên tục lâm vào cảnh “giậm chân tại chỗ” và kéo dài hơn 11 năm qua vẫn chưa hoàn thành. Thời điểm TPHCM nduyệt dự án vào năm 2007 có tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng, thuộc nhóm A, không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương.
2 năm sau, dự án được đơn vị tư vấn tính toán lại với tổng mức đầu tư tăng vọt lên 47.300 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hơn 41.800 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách TP. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án.
Tuy nhiên sau đó, chính sách thay đổi, dự án phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Do đó, phải đến cuối năm 2019, Quốc hội mới phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, giảm hơn 3.000 tỷ đồng so với trước.
Chưa hết, theo MAUR, hiện nay có một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện hợp đồng CP3 vẫn chưa được nhà thầu Hitachi thực hiện hoàn toàn hoặc có giải pháp giải quyết các khó khăn để hoàn thành công việc. Cụ thể, về nội dung sử dụng thiết bị dự án phục vụ công tác đào tạo của tư vấn chung (NJPT), quan điểm và cách nhìn nhận của nhà thầu Hitachi và NJPT vẫn khác nhau, dẫn đến khó khăn cho MAUR trong việc tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị khai thác thử sắp tới.
Theo đó, nhà thầu Hitachi đòi các chi phí phát sinh liên quan đến việc sử dụng sớm hệ thống đường sắt để phục vụ cho công tác đào tạo của dự án. Trong khi đó, tư vấn NJPT khẳng định, các hoạt động đào tạo lái tàu do giảng viên của NJPT thực hiện, có sử dụng tuyến chính đã được quy định rõ ràng trong hợp đồng gói thầu CP3... Và đó là nhiệm vụ của nhà thầu hợp tác với NJPT mà không có thêm bất kỳ thanh toán chi phí nào ngoài bảng phân bổ chi phí.
Bên cạnh đó, nhà thầu Hitachi cho rằng, chỉ chịu trách nhiệm thử nghiệm tích hợp các hệ thống của riêng CP3, từ chối trách nhiệm trong công tác thử nghiệm và vận hành thử toàn hệ thống.
Việc này, NJPT khẳng định, tuân theo các điều khoản của hợp đồng CP3, Hitachi có nghĩa vụ phải tích hợp với công trình của các nhà thầu và lập kế hoạch thử nghiệm và vận hành toàn diện. Đồng thời, nhà thầu phải tuân thủ bất kỳ hướng dẫn nào mà đại diện chủ đầu tư là NJPT có thể đưa ra.
Về đề xuất dự thảo và tiến đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng 5 năm cho công tác vận hành và bảo dưỡng, MAUR đã đề cập với Hitachi từ năm 2022 và đã có một số cuộc họp liên tục với lãnh đạo của Hitachi Nhật Bản và Văn phòng thực hiện dự án của Hitachi tại TPHCM từ đầu tháng 7. Từ đó đến nay, MAUR nhiều lần đề nghị Hitachi họp trao đổi, thúc đẩy nhanh chóng nội dung này, tuy nhiên nhà thầu Hitachi luôn lấy lý do “chưa kịp chuẩn bị” nên đã từ chối các cuộc họp với MAUR.
Song song đó, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ cấu lại giá trị các hạng mục của Thỏa thuận vay VN15-P5. Về việc này, ngày 10-8, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến Bộ KH-ĐT, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và UBND TPHCM điều chỉnh cơ cấu hạng mục của Thỏa thuận vay VN15-P5 (Công văn số 8547/BTC-QLN). Đến nay, chỉ có Bộ KH-ĐT và UBND TPHCM có ý kiến, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp chưa có ý kiến.
Về quy trình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; Nghị định số 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, hiện nay các bộ ngành liên quan chưa có hướng dẫn để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính sớm xem xét góp ý đối với dự thảo Quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị trên địa bàn TPHCM cũng như sớm có hướng dẫn việc xây dựng ban hành quy định về quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị làm cơ sở tổ chức thực hiện (UBND TPHCM đã gửi Công văn số 4397/UBND-DA ngày 12-1-2022).
Một “gút mắc” nữa là quy chuẩn kỹ thuật và chỉ số giá.
Ngày 13-7-2023, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn về công tác thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy và ban hành chỉ số giá xây dựng trong nước để điều chỉnh giá hợp đồng hoặc sắp xếp bố trí làm việc với UBND TPHCM (Công văn số 3341/UBND-DA).
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM nhận định, nếu những vấn đề trên không giải quyết được hoặc chậm giải quyết thì Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên khó có thể đưa vào khai thác thử và khai thác thương mại theo đúng tiến độ.