Song sau khi Fed tăng lãi suất tham chiếu thêm 0,25% lên mức 5,25-5,5% trong cuộc họp cuối tháng 7, tỷ giá trong nước cũng đảo chiều theo xu hướng đó và đến cuối tháng 8 đã lên mức 23.977 đồng/USD, tỷ giá NHTM tăng lên mức 24.085 đồng/USD.
Vào phiên cuối tuần qua, tỷ giá trung tâm lên mức 24.060 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN ở mức 23.400 - 25.213 đồng/USD. Tại các NHTM, giá USD tuy có trồi sụt nhưng duy trì mức giá trên 24.000 đồng trong suốt mấy tuần qua. Giá mua bán USD tại Vietcombank sáng 22-9 ở mức 24.100 - 24.470 đồng/USD, tăng khoảng 3,1% so với cuối năm 2022. Trước đó đã một số phiên, tỷ giá tại các NHTM vượt mốc 24.500 đồng/USD.
Thực ra áp lực tăng tỷ giá đã được nhiều tổ chức phân tích thị trường đề cập và nay đang thực sự hiện hữu. Theo báo cáo Kinh tế Việt Nam tháng 9-2023 của Công ty Chứng khoán MB (MBS), lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các NH ở mức trên 5%, khiến chênh lệch lãi suất giữa VNĐ và USD duy trì ở mức cao đã khuyến khích nắm giữ USD, qua đó gây sức ép lên VNĐ.
Cùng lúc, đồng USD tăng lên mức cao trong các tháng gần đây khi những lo lắng về tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền trú ẩn an toàn của Mỹ. MBS dự kiến tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng/USD, với tầm nhìn Fed có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay, nhưng áp lực có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cùng dự báo tỷ giá cuối năm sẽ tăng lên ở mức 24.500 đồng/USD, vì nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tăng vào những tháng mùa vụ này. Căng thẳng trên thị trường ngoại hối đang có xu hướng truyền dẫn khó khăn về chính sách tiền tệ. NHNN đang đứng trước yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất để đẩy mạnh tín dụng từ Chính phủ.
Nhưng giới phân tích cho rằng, nút thắt tăng trưởng hiện không phải từ lãi suất mà là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Do vậy việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong khi xu hướng tăng lãi suất một số NH Trung ương lớn chưa chấm dứt, sẽ tiềm ẩn gây nên áp lực đối với tỷ giá.
Diễn biến này khiến áp lực tỷ giá có xu hướng dồn tích và không loại trừ khả năng NHNN có thể phải có những điều chỉnh chính sách liên quan đến cân đối tỷ giá và lãi suất trong trường hợp cần thiết.
Như vậy dư địa để NHNN tiếp tục giảm lãi suất đã bị thu hẹp. Bởi lẽ tiếp tục hạ lãi suất có thể lạm phát và căng thẳng tỷ giá sẽ quay trở lại. Hiện các nước vẫn đang thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất, nên việc hạ lãi suất trong nước sẽ tạo ra chênh lệch, dẫn đến đảo chiều dòng vốn, đẩy tỷ giá tăng mạnh hơn.
Việt Nam là nước chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu để gia công. Do đó khi tỷ giá tăng, xuất khẩu không được hỗ trợ nhiều, nhưng ngược lại gây khó cho hoạt động nhập khẩu, vì giá cả đầu vào tăng, tác động đến lạm phát trong nước.
Nếu tỷ giá biến động mạnh, niềm tin nhà đầu tư đối với Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, người dân nảy sinh tâm lý găm giữ ngoại tệ khiến đồng tiền nội tệ mất giá mạnh hơn, cả xuất nhập khẩu cũng sẽ bị tác động mạnh. Cho nên lúc này, để giữ tỷ giá tương đối ổn định, có lẽ cần giữ lãi suất ở mức hợp lý.