Tỷ giá trung tâm, CK và thế khó của Trung Quốc

(ĐTTCO) - Chính quyền Bắc Kinh không chỉ không thực hiện được mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu mà còn đang làm tình hình tồi tệ hơn.

(ĐTTCO) - Chính quyền Bắc Kinh không chỉ không thực hiện được mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu mà còn đang làm tình hình tồi tệ hơn.

 

Chứng khoán Trung Quốc chắc chắn đang là mối quan tâm của nhiều nhà đầu tư hiện nay khi suy giảm gần 12% trong những phiên đầu năm 2016 và khiến các sàn Thượng Hải hay Thâm Quyến phải tạm ngừng giao dịch.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng quy định tạm ngừng giao dịch nếu chỉ số chứng khoán giảm quá 7% chỉ khiến nhà đầu tư thêm lo lắng và tăng cường bán ra.

Tỷ giá trung tâm, CK và thế khó của Trung Quốc ảnh 2

Chỉ số Shanghai Composite Index phiên 7/1/2016 (thị trường ngừng giao dịch ngay đầu phiên khi giảm hơn 7%)

Bên cạnh đó, cách điều hành tỷ giá đồng Nhân dân tệ được nhiều nhà đầu tư cho rằng là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc điều chỉnh sốc những ngày đầu năm.

Sau khi thông tin đồng Nhân dân tệ được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào rổ dự trữ các đồng tiền chủ chốt, nhiều nhà đầu tư đã hy vọng Trung Quốc sẽ nâng giá nội tệ để đảm bảo uy tín và vị thế của đồng tiền này.

Tuy vậy, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lại có những động thái trái ngược khi cố gắng hạ giá Nhân dân tệ nhằm thúc đẩy lợi thế về giá cho hàng xuất khẩu. Điều này đã khiến nhà đầu tư bất ngờ và thúc đẩy xu thế rút vốn ra khỏi thị trường.

Tỷ giá trung tâm, CK và thế khó của Trung Quốc ảnh 3

Nhà đầu tư bắt đầu rút vồn khỏi Trung Quốc (tỷ USD)

Rõ ràng, việc đầu tư tài sản bằng đồng Nhân dân tệ đã không còn hấp dẫn khi giá đồng tiền này liên tục giảm so với các loại ngoại tệ khác.

Trong nhiều thập kỷ, dòng vốn quốc tế đã liên tục đổ về Trung Quốc trước đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường này, đặc biệt là khi các nền kinh tế phát triển gặp khó khăn trong thời kỳ hậu khủng hoảng thập niên 2000.

Tuy nhiên, xu thế này đã đảo chiều do đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và nhà đầu tư ngày càng lo lắng về những rủi ro tiềm tàng trên thị trường này.

Quyết định điều chỉnh cơ chế điều hành tỷ giá tháng 8/2015 và động thái giảm giá mạnh Nhân dân tệ những phiên gần đây chỉ thúc đẩy nhà đầu tư “bỏ chạy” hơn nữa.

Theo tổ chức tài chính quốc tế IIF, năm 2015 là năm đầu tiên kinh tế Trung Quốc chứng kiến tình trạng rút vồn ròng khỏi thị trường trong 27 năm qua. Tổ chức IIF cũng dự báo sẽ có khoảng hơn 500 tỷ USD tiếp tục rút khỏi Trung Quốc.

Có vẻ như quyết định hạ giá Nhân dân tệ đã đi quá xa khỏi tầm kiểm soát. Chính quyền Bắc Kinh muốn Nhân dân tệ hạ giá để thúc đẩy xuất khẩu nhưng không muốn đồng tiền này xuống quá sâu. Việc đồng nội tệ hạ giá quá mạnh sẽ khiên các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn khi thanh toán những khoản nợ bằng ngoại tệ.

Nhiều công ty Trung Quốc đã phải thanh toán nợ sớm trước những biến động của Nhân dân tệ. Mới đây, tạp đoàn hàng không quốc doanh China Eastern Airlines đã tuyên bố trả sớm khoản nợ 1 tỷ USD với lý do “hạn chế những rủi ro từ biến động tỷ giá”.

Tính đến tháng 9/2015, tổng số nợ bằng ngoại tệ của Trung Quốc đã lên đến 1,53 nghìn tỷ USD và 2/3 số tín dụng này sẽ đáo hạn trong vòng 1 năm.

Tỷ giá trung tâm, CK và thế khó của Trung Quốc ảnh 4

Trước tình hình tiêu cực của thị trường tiền tệ và chứng khoán, chính quyền Bắc Kinh buộc phải dùng dự trữ ngoại hối để mua Nhân dân tệ cũng như cổ phiếu. Hậu quả là dự trữ ngoại hối của nước nay suy giảm nhanh chóng.

Trong tháng 12/2015, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm kỷ lục 108 tỷ USD xuống 3,33 nghìn tỷ USD, mức giảm cao gấp 5 lần so với ước tính trước đó.

Tỷ giá trung tâm, CK và thế khó của Trung Quốc ảnh 5
Tỷ giá trung tâm, CK và thế khó của Trung Quốc ảnh 6

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh kỷ lục (nghìn tỷ USD)

Như vậy, chính phủ Trung Quốc đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi muốn hạ giá Nhân dân tệ thúc đẩy xuất khẩu nhưng lại khiến dòng vốn đầu tư rút mạnh và chứng khoán điều chỉnh sâu, buộc PBOC phải bòn rút dự trữ ngoại hối để bơm tiền giữ tỷ giá.

Tuy vậy, việc bơm tiền hay các biện pháp tạm dừng giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ làm nhà đầu tư hoảng sợ hơn, qua đó càng rút vốn mạnh và khiến PBOC lâm vào vòng luẩn quẩn.

Rõ ràng, chính quyền Bắc Kinh không chỉ không thực hiện được mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu mà còn làm tình hình tồi tệ hơn.

Các tin khác