Theo thống kê, tổng tài sản của 10 người giàu nhất TTCK năm 2020 tăng thêm 20.000 tỷ đồng lên 380.000 tỷ đồng (tương đương 16,5 tỷ USD). Bảng xếp hạng người giàu nhất TTCK năm 2020 tiếp tục gọi tên ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) với tổng tài sản đạt 207.926 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD).
So với năm 2019, tài sản của ông Vượng giảm 3% do giá CP VIC giảm nhẹ trong năm 2020. Tuy nhiên, khoản giảm này không ảnh hưởng nhiều do giá trị CP của ông Vượng bỏ khá xa những người đứng sau. Thậm chí, tài sản của ông Vượng bằng tổng tài sản của 14 người xếp ở vị trí kế tiếp. Theo thống kê, ông Vượng hiện đang nắm giữ 876 triệu CP VIC và 1 tỷ CP VIC sở hữu gián tiếp thông qua 92,8% cổ phần tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Đứng ở vị trí thứ 2 là ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Ông Long hiện đang nắm giữ 864 triệu CP HPG, tương đương 35.338 tỷ đồng. Năm 2019, ông Long đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách người giàu nhất trên TTCK với tổng tài sản chỉ đạt 16.450 tỷ đồng. Do CP HPG tăng mạnh 118% nên giá trị số CP mà ông Long đang nắm giữ tăng gần 19.000 tỷ đồng trong năm 2020. CP HPG cũng giúp tài sản của bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Long) tăng thêm hơn 5.000 tỷ đồng và hiện đứng ở vị trí thứ 11 với 9.941 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDB), Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (VJC) xếp ở vị trí thứ 3 với tổng tài sản đạt 28.018 tỷ đồng. Theo thống kê, bà Thảo hiện đang nắm giữ 59,9 triệu CP HDB, 47,4 triệu CP VJC và 154,7 triệu CP VJC thông qua 100% cổ phần nắm giữ tại Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Giữ vị trí thứ 4 là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) với tổng tài sản tính đến cuối năm 2020 đạt 24.051 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với số CP ông Anh đang nắm giữ gồm: 39,3 triệu CP TCB và gián tiếp sở hữu 173,6 triệu CP của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) thông qua 47,56% cổ phần tại doanh nghiệp này. Năm 2020, số CP ông Anh nắm giữ giúp tài sản tăng thêm 56%.
Một nhân vật khác cũng liên quan đến TCB và MSN là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT MSN. Ông Quang xếp ở vị trí thứ 5 với 23.418 tỷ đồng, tương đương với 9,4 triệu CP TCB, 117,1 triệu CP MSN và gián tiếp sở hữu 75 triệu CP MSN thông qua 48,5% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Cũng như ông Anh, tài sản của ông Quang tăng 57% trong năm vừa qua.
Đứng ở vị trí thứ 6 là bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch HĐQT VIC. Bà Hương hiện
đang nắm giữ 151 triệu CP VIC, tương đương 15.876 tỷ đồng. Năm 2020, tài sản của bà Hương giảm 1.000 tỷ đồng do giá CP VIC giảm. Một thành viên HĐQT của VIC là bà Phạm Thúy Hằng cũng bị sụt giảm tài sản 700 tỷ đồng trong năm 2020 do giá CP VIC đi xuống. Bà Hằng hiện đang nắm giữ 100,8 triệu CP VIC, tương đương 10.946 tỷ đồng và hiện đứng vị trí thứ 9 trong Top 10 giàu nhất trên TTCK năm 2020.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NVL) đứng ở vị trí thứ 7 với tổng tài sản đạt 16.458 tỷ đồng, tương đương 216,8 triệu CP NVL. Năm 2020, tài sản của ông Nhơn tăng thêm 3.000 tỷ đồng nhờ giá CP NVL tăng 25%. Tương tự, tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) được cộng thêm hơn 7.000 tỷ đồng trong năm 2020 nhờ giá CP PDR tăng. Ông Đạt hiện nắm giữ 242,2 triệu CP PDR, tương đương 12.938 tỷ đồng. Từ vị trí thứ 12 trong bảng xếp hạng người giàu nhất TTCK năm 2019, ông Đạt nhảy lên vị trí thứ 8 trong năm 2020.
Xếp cuối cùng trong Top 10 là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone (VCS) với tổng tài sản đạt 10.794 tỷ đồng. Ông Năng hiện đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp hơn 123 triệu CP VCS. So với 2019, tài sản của ông Năng tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng nhờ giá CP VCS tăng 26% trong năm 2020.
Một cái tên khá mới trong bảng xếp hạng những người giàu nhất trên TTCK là ông Nguyễn Đức Thụy, người sáng lập CTCP Thaiholdings (THD). Ông Thụy đang nắm giữ 70 triệu CP THD, tương đương với khối tài sản đạt 7.350 tỷ đồng và xếp ở vị trí thứ 13. Đáng chú ý là THD chỉ mới niêm yết trên TTCK giữa năm 2020 với giá tham chiếu 10.000 đồng/CP nhưng kết thúc năm với mức giá 115.000 đồng/CP.
Tuy nhiên, có một thực tế mà không phải ai cũng biết là cho dù tài sản có tăng lên hay giảm xuống sau những con số thống kê này, đối với những tỷ phú CK đó là chuyện bình thường. Bởi số tiền này thực chất cũng chỉ là giấy, nó chỉ trở thành tiền khi họ bán ra, nhưng để bán ra là chuyện không đơn giản. Theo quy định, trước ngày thực hiện giao dịch tối thiểu là 3 ngày làm việc, tỷ phú CK phải công bố thông tin và báo cáo cho UBCKNN, Sở Giao dịch CK về việc dự kiến giao dịch CP.
Thời hạn thực hiện giao dịch không được quá 30 ngày, kể từ ngày đăng ký thực hiện giao dịch và chỉ được bắt đầu tiến hành phiên giao dịch đầu tiên sau 24 giờ kể từ khi có công bố thông tin từ Sở Giao dịch CK. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất giao dịch, hoặc kết thúc thời hạn dự kiến giao dịch, họ tiếp tục báo cáo kết quả giao dịch, đồng thời giải trình nguyên nhân không thực hiện được giao dịch hoặc không thực hiện hết khối lượng đăng ký.
Ngoài hàng “núi” thủ tục kể trên, một trong những lý do khiến cho các tỷ phú CK hiếm khi công bố bán CP vì lo ngại tác động tiêu cực lên giá CP và xa hơn nữa là ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong suy nghĩ của NĐT, doanh nghiệp đang có vấn đề nên ông chủ mới quyết định bán CP, thay vì tiếp tục đồng hành với cổ đông.
Mặc dù tài sản không bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19, nhưng chỉ 1 phiên lao dốc ngày 19-1, tài sản của các tỷ phú bốc hơi hàng chục ngàn tỷ đồng. |