Kẹt xe tứ phía
Trong nhiều năm nay, từ các quận vùng ven vào trung tâm TP cảnh kẹt xe luôn tái diễn. Phía Đông hàng trăm ô tô kẹt cứng trên cầu Sài Gòn. Cảnh kẹt xe kéo dài đến đường Điện Biên Phủ. Xe cấp cứu chở bệnh nhân cũng bị kẹt giữa dòng phương tiện. Hướng lưu thông từ quận 2 sang quận Bình Thạnh, khi vừa đổ dốc cầu Sài Gòn, người đi đường sẽ gặp ngay rào chắn xây dựng tuyến metro số 1, làn đường bị thu hẹp. Vào đầu buổi sáng đi làm hay chiều tan tầm, tại khu vực này luôn xảy ra cảnh tắc đường.
Các phương tiện đã tìm đường để thoát bằng cách chạy qua hướng đường Ung Văn Khiêm, D2, các con hẻm nhỏ của đường Xô Viết Nghệ Tĩnh... khiến giao thông rối loạn. Cũng tại hướng Đông, những ngày gần đây lượng xe máy từ quận 2, quận 9 theo đường Mai Chí Thọ qua hầm sông Sài Gòn gây ùn ứ 2 đầu hầm.
Hiện chúng ta cấp phép dự án theo quy trình ngược. Nếu ở nước ngoài cấp phép dự án bất động sản dựa trên hạ tầng giao thông hiện hữu, Việt Nam lại cấp phép dựa trên hạ tầng tương lai - tức chưa làm hạ tầng giao thông đã cho phép xây dựng các công trình cao tầng, khu chung cư. Hệ quả phải mở đường để giảm kẹt xe. Nghĩa là thay vì hạ tầng đi trước một bước lại phải chạy theo sau, như một vòng luẩn quẩn. TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM |
Phía Tây TP, các đường Trường Chinh và Cộng Hòa là tuyến giao thông huyết mạch nối Quốc lộ 22 từ tỉnh Tây Ninh, các huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12 vào trung tâm TP, hàng ngày phải gánh một lượng xe “khủng” dẫn đến quá tải nghiêm trọng. Tại nút giao thông vòng xoay Lăng Cha Cả dù có cầu vượt bằng thép nhưng cũng thường xuyên kẹt xe.
Với mật độ xe quá lớn hướng từ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất theo đường Trường Sơn - Trần Quốc Hoàn đến vòng xoay Lăng Cha Cả để về trung tâm TP, khiến nhiều tuyến đường quanh vòng xoay này bị ùn tắc nặng.
Khu vực ngoại thành phía Nam TP gồm các quận 7, 8, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè và trung tâm bị ngăn cách bởi kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi, kênh Tẻ. Trong những năm qua, nhiều cây cầu để kết nối vào khu trung tâm được xây dựng giúp người dân rút ngắn khoảng cách đi lại. Tuy nhiên, với việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, cộng với tốc độ phát triển nhanh của các khu dân cư phía Nam khiến những cây cầu bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tẻ đang dần bị quá tải.
Tại cửa ngõ Đông Bắc, tình trạng kẹt xe diễn biến phức tạp. Là trục giao thông nối TPHCM với thị xã Thuận An và TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) nhưng Quốc lộ13 luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày tuyến đường này tiếp nhận hàng trăm ngàn lượt xe máy và xe khách từ Quốc lộ 1, Bình Dương… hướng về Bến xe miền Đông. Tình hình càng thêm trầm trọng vì có đến 16 tuyến xe buýt lưu thông qua, đồng thời đây là tuyến đường người dân TP đến Bến xe miền Đông để đi các tỉnh miền Đông, miền Trung - Tây nguyên và miền Bắc.
Hạ tầng chưa xong, cao ốc vươn lên
Hạ tầng chưa xong, cao ốc vươn lên
Ở cửa ngõ phía Nam TPHCM, đường Nguyễn Hữu Thọ - trục đường chính nối từ quận 4 qua quận 7 và huyện Nhà Bè - cũng là điểm đen kẹt xe. Dọc tuyến đường này có hàng chục dự án chung cư với khoảng 100.000 căn hộ, đã cung cấp cho khu vực này thêm hàng trăm ngàn cư dân.
Trước tình hình này, UBND TPHCM đã giao Sở GTVT nghiên cứu xây dựng hầm chui và cầu vượt tại nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đồng thời mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ. Dự án có tổng mức đầu tư gần 850 tỷ đồng. Ngay ranh giới quận 4 và quận 7, dưới cầu Kênh Tẻ, bên cạnh hàng loạt cao ốc đã được đưa vào sử dụng, nhiều dự án chung cư đã xong phần móng và đang tiếp tục vươn cao, báo hiệu tình trạng kẹt xe sẽ diễn ra trong tương lai gần.
Phải đánh giá một cách thẳng thắn TPHCM rất giỏi về các giải pháp trước mắt, tình thế nhưng thiếu một chiến lược dài hạn. Vì thế, muốn giải quyết bài toán kẹt xe ở TPHCM, không chỉ cần giải pháp trước mắt mà cần triển khai nhanh, đồng bộ 3 nhóm giải pháp mang tính chiến lược dài hạn. Mô hình này từng thành công ở một số nước trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Seoul (Hàn Quốc). Một là phát triển hệ thống đường vành đai, hai là đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng, ba là hạn chế xe xuyên tâm bằng chính sách thu phí. Ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright |
Tương tự, đường Phổ Quang (quận Tân Bình) gần cửa ngõ Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dài chưa tới 2km nhưng có cả chục cao ốc đang xây dựng. Trên các tuyến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), Ba Tháng Hai, Thành Thái, Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Chu Văn An, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh)… những cao ốc, chung cư đang được xây dựng khi đường chưa mở rộng. Đó là chưa kể trong các hẻm nhỏ ở quận 10, quận Gò Vấp… chung cư mọc lên ngay trong khu dân cư đông đúc.
Nóng nhất là tại cửa ngõ phía Đông TPHCM, nối từ cầu Sài Gòn đến đường Tôn Đức Thắng (quận 1), đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 22, quận Bình Thạnh) dài khoảng 3km, thời gian gần đây là điểm kẹt xe thường xuyên. Trên con đường này hiện có 3 dự án cao ốc lớn cùng nhiều trường học, bệnh viện và một số khu dân cư dày đặc.
Ngoài chung cư The Manor với hơn 1.000 căn hộ đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, khi hàng loạt cao ốc khác với cả chục ngàn căn hộ nằm gần kề nhau sắp được đưa vào sử dụng, không ai biết tình hình giao thông tại đây sẽ như thế nào!
Trao đổi với người đi đường khi lưu thông trên các tuyến đường trung tâm TPHCM như Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tôn Đức Thắng, họ cho rằng phần lớn làm kẹt xe, đó là các cao ốc, chung cư sừng sững khi hạ tầng chưa đáp ứng kịp.
Tại Hội nghị Quốc tế về An toàn giao thông khu vực Đông Á (EASTS) lần thứ 12 diễn ra cuối năm 2017 tại TPHCM, ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Quản lý Vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) đã khẳng định, việc xây dựng các chung cư cao tầng tràn lan đang gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông và khiến nhiều tuyến đường trở nên quá tải.
Theo ông Đức, TP quy hoạch theo định hướng xung quanh các đầu mối giao thông như nhà ga, trạm xe buýt, chung cư... đều gắn với vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, nếu xây dựng đô thị "nén" quá nhiều sẽ dẫn đến lượng người, phương tiện, nhu cầu đi lại tăng và càng khó giải quyết bài toán ùn tắc. Vì vậy, cần có giải pháp, phương án khả thi trong quy hoạch và cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng hiện hữu.
Kẹt xe vẫn là nỗi ám ảnh người dân TPHCM.
Giải pháp thiếu nhất quán
Đầu năm 2017, TPHCM tuyên bố trong năm sẽ đầu tư 39.263 tỷ đồng thực hiện 80 dự án giải quyết các vấn đề về giao thông đô thị. Tuy nhiên chỉ tính khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, từ năm 2016 các cơ quan có thẩm quyền đã đề xuất 22 dự án, trong đó một số dự án đã được triển khai và đi vào sử dụng nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Cụ thể, tháng 7-2017, 2 cầu vượt dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất gồm cầu vượt từ đường Trường Sơn vào ga quốc nội và quốc tế, và 1 nhánh cầu vượt thép hình chữ N tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn được đưa vào sử dụng, nhưng tình trạng kẹt xe trầm trọng tại cửa ngõ sân bay vẫn liên tục xảy ra.
Đến ngày 16-11-2017, TPHCM thông xe thêm nhánh cầu vượt hướng Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám trong tổ hợp cầu vượt nút giao thông Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng - Hoàng Minh Giám. Tuy nhiên, sau khi xe cộ lưu thông qua nhánh cầu mới thuận tiện thì đường Hoàng Minh Giám lại kẹt.
Rõ ràng, thế độc đạo của đường Trường Sơn là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc khu vực này. Dự án làm cầu vượt vào sân bay không phải là biện pháp cấp bách để phá thế độc đạo này, nhưng lại được thực hiện trước nên chưa phát huy hiệu quả.
Nhìn lại cả năm 2017, có nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp đề xuất, hiến kế nhằm tìm ra lời giải cho bài toán giao thông. Từ đề xuất hạn chế tiến đến cấm xe máy; thu phí ô tô vào nội đô, thí điểm xe máy điện, xe đạp công cộng... nhưng các cơ quan chức năng không đưa ra quan điểm đồng ý hay không đồng ý.
Đơn cử, chủ trương chung của TP là phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng nhiều giải pháp lại tạo điều kiện lưu thông cho loại xe này. Như kẹt xe hầm Thủ Thiêm thì mở thêm 1 làn riêng cho xe máy. Hay mới đây, bàn về việc thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm TP nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt, lãnh đạo Sở GTVT cho rằng khí hậu và thói quen của người dân TP không thích hợp để sử dụng xe đạp.
Trong khi đó, ngày 22-12-2017, trong cuộc họp về đề án thí điểm xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm do một tập đoàn Hàn Quốc đề xuất, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến lại cho rằng xe đạp phù hợp với tình hình giao thông TP, giúp người dân rèn luyện sức khỏe, yêu cầu Sở GTVT làm việc với nhà đầu tư để trình đề án lên UBND TP vào giữa tháng 1-2018.
Một chuyên gia giao thông nhận xét, trong khi Hà Nội đã mạnh dạn thông qua đề án cấm xe máy theo lộ trình đến năm 2030 và dựa vào đó để thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong khi đầu tàu TPHCM vẫn cứ loay hoay với việc cấm hay không cấm xe máy, những loại xe nào bị hạn chế, loại nào ưu tiên phát triển... Nếu cứ tiếp tục như vậy, giao thông TPHCM sẽ tiếp tục là nỗi ám ảnh đối với người dân và du khách nước ngoài.