Không chỉ đầu tư kho bãi, mà còn phải điều chỉnh thời vụ, phải làm ra nhiều sản phẩm trái vụ. Nhưng đó là giải pháp của tương lai. Còn trước mắt, hàng hóa vẫn phải chậm chạp chờ thông quan.
Do Trung Quốc tăng cường chống dịch
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-12, ông Đinh Kỳ Giang - phó giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn - cho biết hiện tổng số xe hàng xuất khẩu tồn trên địa bàn Lạng Sơn tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là hơn 4.300 xe, tăng 1.000 xe so với cách đây một tuần. Hàng chủ yếu là nông sản gồm: dưa hấu, chuối xanh, mít, xoài chở từ miền Trung và miền Nam ra.
Còn theo ông Vi Công Tường - phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, năng lực thông quan xuất khẩu vẫn đáp ứng nhưng lượng xe hàng xuất sang rất chậm, chỉ 300 xe/ngày, bằng 40% mức bình thường khi chưa có dịch. Nguyên nhân do phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
"Lượng hàng chờ xuất không chỉ tồn ở phía cửa khẩu Việt Nam mà cả bên phía Trung Quốc. Sau khi làm các thủ tục thông quan, sang phía Trung Quốc, lái xe bị cách ly ở một khu vực gần cửa khẩu, còn hàng được lái xe phía bạn chở đi giao. Do đó, thời gian giao hàng lâu hơn" - ông Tường nói.
Đầu tư chuỗi logistics cho nông sản
"Các doanh nghiệp nói với tôi rằng nếu như chúng ta có một khu bảo quản thì đỡ áp lực, tránh bị làm giá. Khi chúng ta có trung tâm bảo quản chuẩn mực đối ứng thì các doanh nghiệp sẽ tự tin hơn khi đưa nông sản ra biên giới" - ông Hoan chia sẻ.
Theo ông Hoan, để xuất khẩu nông sản một cách bền vững, Việt Nam phải đi từ vùng nguyên liệu, hệ thống hạ tầng logistics, xây dựng thương hiệu nông sản... chuẩn hóa mọi quy trình.
Ông Hoan cũng cho biết trong chương trình phục hồi đầu tư công sau đại dịch của Chính phủ, bộ cũng sẽ dành một kinh phí đầu tư cho các chuỗi logistics trong nội địa dành riêng cho lĩnh vực nông sản. Những trung tâm phân loại bảo quản, kho lạnh sẽ được đầu tư ở những vùng nguyên liệu cho ra tới biên giới, nhất là cửa khẩu ở phía Bắc.
"Bộ cũng đang chỉ đạo tiếp cận theo cách các quốc gia có nông sản tương đồng, nông dân phải thay đổi lịch mùa vụ. Như thanh long, mình trồng và thu hoạch sao không trùng thời điểm Trung Quốc cũng thu hoạch để không bị dư thừa do thị trường nhập khẩu bị thu hẹp" - ông Hoan nói.