Đối tác thương mại lớn
11 tháng năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã mang về cho Việt Nam 43,48 tỷ USD, vượt cả năm 2020, cán đích trước hạn 1 tháng và lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Trong các thị trường xuất khẩu chính của nhóm nông lâm thủy sản, Trung Quốc đứng thứ 2 với kim ngạch 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần).
Trong đó, nhóm ngành rau quả xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất, với tổng kim ngạch ước đạt 1,8 tỷ USD (chiếm khoảng 55% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam).
Nhiều nhóm ngành xuất khẩu khác cũng coi Trung Quốc là đối tác lớn. Như ngành thủy sản, Trung Quốc chiếm 17-18% thị phần trong 2 năm qua và hiện đang nằm trong top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam. Hay với xuất khẩu điều Trung Quốc cũng nằm trong top 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất của hạt điều Việt Nam, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại Trung Quốc đang nhập khẩu hạt điều lớn nhất từ Việt Nam. Theo cơ quan hải quan Trung Quốc, thị phần hạt điều Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 86,05% trong 10 tháng năm 2020 lên 89,06% trong năm 2021. Việt Nam cũng đang là nguồn cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho thị trường Trung Quốc.
Một ngành xuất khẩu tỷ USD khác cũng đang có mức tăng trưởng khá cao khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là điện thoại và linh kiện. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, dẫn đầu tiêu thụ nhóm điện thoại các loại và linh kiện trong 10 tháng qua là Trung Quốc, với kim ngạch đạt 11,85 tỷ USD, tăng mạnh 41,2% so với cùng kỳ; tiếp đến là thị trường Mỹ với trị giá 7,87 tỷ USD, tăng 1,4%.
Tại buổi giao thương nông sản Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Đông) diễn ra hồi tháng 9, ông Nguyễn Duy Phú, Lãnh sự Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, đánh giá nông sản, thủy sản, thực phẩm chỉ là mảng nhỏ trong thương mại song phương với Quảng Đông.
Trong cơ cấu sản phẩm của Việt Nam với Quảng Đông, nhóm máy móc thiết bị và linh kiện điện tử chiếm 78-80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Theo báo cáo tình hình sản xuất thương mại, công nghiệp của Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2021 Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch gần 50,5 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ 2020. Ở chiều nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Có thể thấy, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn, có nhiều tiềm năng cho cho hàng Việt Nam. Song đây cũng là thị trường tiềm ẩn nhiều bất ổn cho hàng Việt, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chiến lược “zero Covid”.
Hồi hộp vì nhiều thay đổi
Những ngày này thông tin Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt đối với thủy thủ đoàn trên tàu biển vào các cảng (yêu cầu cách ly 6-7 tuần đối với thủy thủ đoàn sau các chuyến công tác), nên những nhà khai thác tàu trung chuyển tại các cảng ở miền Nam Trung Quốc đã quyết định tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, đang gây lo ngại cho một số nhóm ngành xuất khẩu của Việt Nam.
Đơn cử, hiện rau quả xuất sang Trung Quốc gần 80% đi đường bộ và chỉ khoảng 20% qua đường biển. Dù vậy, khi đường biển bị gián đoạn đường bộ sẽ phải gánh thêm 20% này. Điều lo ngại, hàng xuất đi đường bộ hiện có dấu hiệu ùn ứ nay thêm phần đường biển chuyển qua sẽ khó càng thêm khó.
Hàng đi chậm, chi phí cao, rủi ro hư hỏng với trái cây rau củ tươi rất lớn. Việc này buộc doanh nghiệp phải có những tính toán, cân nhắc trong xuất khẩu giai đoạn này.
Thực tế, do theo đuổi chiến lược “zero Covid”, Trung Quốc đã siết chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ cuối tháng 5 đầu tháng 6. Thời điểm dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam, Trung Quốc kiểm tra và khử khuẩn từng thùng hàng. Những tháng sau đó thị trường này đưa ra nhiều thông báo, quy định nhằm siết chặt hơn hàng nhập khẩu để phòng chống dịch.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), 2 năm qua Trung Quốc thường chiếm khoảng 17% thị phần hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu. Nhưng năm nay dự kiến con số chỉ khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách siết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, xuất khẩu sang thị trường này sụt giảm liên tục. Đến quý III-2021, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc chỉ còn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Vasep dự báo, trước tình hình kiểm soát khắt khe của hải quan Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tiếp tục giảm sâu 3 tháng cuối năm nay, đạt 242 triệu USD trong quý IV, giảm 40%; cả năm 2021 đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 26%.
“Nếu Trung Quốc tạm đóng dịch vụ cảng biển trong 6 tuần, doanh nghiệp chắc cũng tạm ngưng xuất khẩu vì hàng thủy sản chủ yếu đi đường biển không đi đường bộ” - ông Hòe cho biết.
Được biết, chính sách siết chặt hàng nhập khẩu vì dịch không chỉ áp cho hàng hóa Việt Nam, còn cho các quốc gia khác có hàng xuất vào Trung Quốc. Chẳng hạn, thủy sản xuất khẩu của Ấn Độ hay Indonesia cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi các chính sách siết chặt của Trung Quốc. Trong bối cảnh dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay, tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2022 chưa biết còn phải đối mặt với những quy định mới nào.
Đã từng có câu hỏi được đặt ra, khi Trung Quốc thay đổi chính sách liệu hàng Việt có thể chuyển hướng thị trường ngay hay không. Câu trả lời là không, vì hàng làm cho mỗi quốc gia có tiêu chuẩn khác nhau. Khách hàng cũng không phải muốn là có ngay. Doanh nghiệp không phải lúc nào cũng sẵn lòng bỏ đi thị trường mình mất công gầy dựng.
Thị trường càng lớn thách thức sẽ càng nhiều. Việt Nam cũng đang nỗ lực để chuyển hướng xuất khẩu chính ngạch ngày càng nhiều hơn cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, để đảm bảo tính ổn định của thị trường này.
Với việc xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản vẫn phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc, nên bất cứ thay đổi nào của thị trường này cũng tác động mạnh lên hàng hóa Việt Nam. |